HAGL và cá nhân Lee Nguyễn đã biết tận dụng những cơ hội Trời cho khi được đối diện với những đội bóng yếu hoặc khủng hoảng để giành được những chiến thắng và ghi được bàn thắng hoặc tỏa sáng thông qua cách chơi. Đó là một điều tích cực, vì trước đấy cũng có những đội bóng yếu, cũng có những đội bóng khủng hoảng, nhưng cả HAGL và Lee Nguyễn vẫn là người thất bại.
Thonglao “hy sinh” cho Lee Nguyễn
Vậy đâu là chìa khóa của sự tiến triển ấy, hẳn câu hỏi này là sự quan tâm của không chỉ những người hâm mộ đội bóng được gọi là “những người thợ xẻ”, mà nó còn của cả những đội bóng đối thủ HAGL.
Lee Nguyễn nói rằng anh đang hồi phục phong độ từng ngày và từ chỗ có khoảng 60% khi bước vào mùa giải mới, nay anh đã đẩy nó lên mức gần 90% phong độ. Đó là một sự ước lượng, nhưng khá dễ hiểu bởi thời gian và quá trình tập luyện giúp cầu thủ tích lũy. Bên cạnh đó nó còn là khả năng thích ứng với môi trường V-League, biết cách đối phó với các hậu vệ Việt Nam.
Cú sút của Lee Nguyễn vào lưới Thể Công mở tỉ số có thể coi là bằng chứng của một cầu thủ đã biết chơi bóng bằng cảm giác và có lực cổ chân cực mạnh, bóng ăn lên mu hơi liếm ra má ngoài đi với tốc độ cao, lắc lư vào chính giữa khung thành mà thủ môn không thể chạm vào bóng.
Lee Nguyễn đúng là xứng đáng đồng tiền bát gạo, nhưng có vẻ HA.GL không phải là môi trường thích hợp để tài năng Lee Nguyễn thực sự thăng hoa
Nhưng vẫn chưa đủ, nếu chỉ là những nỗ lực tự thân và sự hồi phục phong độ thì không đủ. Lee Nguyễn thực sự chưa tới tầm để là cầu thủ cầm bóng và rê qua hàng loạt hậu vệ Việt Nam như chỗ không người. Có vẻ như cái gọi là Hội đồng HLV ở phố núi nhận ra điều đó và bắt đầu có điều chỉnh.
Lee Nguyễn của thời điểm HAGL khủng hoảng đá chếch về biên trái, chỉ có đúng 1 hướng di chuyển là bó vào trong. Lee Nguyễn không xuyên phá xuống sát biên ngang, cũng không lùi về hỗ trợ và chồng cánh với Văn Trương. Mà khi bó vào trong, cầu thủ này lại giẫm lên chân của Thonglao. Họ tranh cướp của nhau không chỉ một quả đá phạt, mà hạn chế cả không gian và tầm hoạt động của nhau. Lee Nguyễn của thời điểm HAGL có 2 chiến thắng liên tiếp đá như một số 10, ngay sau lưng của cặp tiền đạo và di chuyện tự do theo vòng cung, rồi thỉnh thoảng nhô lên, xộc thẳng vào vòng cấm. Cánh trái của HAGL gần như bỏ trống, đôi khi được lấp bởi một tiền đạo di chuyển rộng ra. Kết quả của nó là chỉ trong 2 trận đấu, Lee Nguyễn có 1 cú đúp và 4 tình huống tham gia trực tiếp vào các bàn thắng của các đồng đội. Duy chỉ có bàn thắng cho vui của Thanh Bình thì anh đứng xem trên sân như là khán giả. Sự bố trí Lee Nguyễn đá hộ công như thế cũng có một sự đánh đổi, đúng hơn là hy sinh từ Thonglao. Số 7 không còn chơi nhô cao như trước mà đá thấp hơn, ngang bằng với vị trí của tiền vệ phòng ngự Sakda. Thonglao đá ở vị trí đó chia sẻ cả nhiệm vụ thu hồi bóng và hầu hết các đường bóng triển khai là những cú tỉa bóng có cự ly trung bình với thiên hướng mở ra biên. Giữa Thonglao và Lee Nguyễn như có một sự phân chia lãnh thổ để chức năng và nhiệm vụ của họ được tách bạch. Tất nhiên, nó cũng không quá rạch ròi để Thonglao vẫn lao lên và chính là người đón cú giật gót của Lee Nguyễn để ghi bàn thắng nâng tỉ số lên 2-1 vào lưới Nam Định ở Thiên Trường. 2 trận, 6 điểm, 7 bàn thắng, 2 bàn thua, 2 cầu thủ quan trọng nhất đều ghi bàn. Nhưng, nó chưa phải là sự hoàn hảo khi 2 nạn nhân của họ là những đội bóng có vấn đề trầm trọng (bằng chứng là vừa mới thay HLV). Nó cần sự kiểm nghiệm từ những trận đấu mang tính thử thách và cần thêm những chiến thắng nữa để đảm bảo đó là một quá trình chứ không chỉ là nhất thời. Bình Dương đá đúng sức là một thử thách như thế. Bản thân cách chơi của Lee Nguyễn cũng thế, chưa hẳn là một sự hoàn chỉnh, mà vấn đề của nó là tính cá nhân trong các pha bóng. Sự tham gia của Lee Nguyễn vào bàn thắng của Thái Dương thực ra là một cú sút bừa ở góc hẹp bị thủ môn đẩy ra tới đúng chân Thái Dương. Cú đánh gót của Lee Nguyễn là pha bóng bí quá nên mới đẩy bóng đi sau khi đột phá mà vấp bóng. Có 2 đường chuyền đúng là đường chuyền lại là khi trận đấu đã an bài, cho Evaldo. Gần như hầu hết các tình huống Lee Nguyễn có bóng sẽ là đột phá, đảo người và sút. Rất nhiều các cầu thủ ở HAGL cũng nhìn thấy điều đó và muốn Lee Nguyễn chơi đồng đội hơn, nhưng những người như Thanh Bình, Tăng Tuấn lại không đủ đẳng cấp để đòi hỏi và nhắc nhở, khi mà bản thân Thonglao cũng đã phải nhường đất. Một sự thăng hoa không bền chăng?
Một công thức hoàn hảo?
(Theo Thể Thao Văn Hóa)