Khi đó, cả thế giới đã nghĩ đến một thất bại thảm hại của Hiddink trước Nhật Bản, nhưng 6 phút cuối trận là lúc Hiddink tung ra phép màu. Hiddink đưa ra 3 sự thay đổi đơn giản (Cahill thay Bresciano, Kennedy thay Moore, Aloisi thay Wilkshire), và lập tức hiệu quả đến tức thì. Trong 6 phút cuối trận (từ 84’ đến 90’), Australia ghi liền 3 bàn với dấu ấn của những cầu thủ dự bị: 2 bàn của Cahill, 1 của Aloisi, và họ tạo nên một cuộc lật đổ ngoạn mục đến kinh người, một trận đấu kinh điển, mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá Australia (3-1).
Tám tháng trước, Hiddink đã phơi bày sự thật trần trụi về hình ảnh của ĐT Anh. Hiddink đưa McClaren rơi vào cái bẫy chết người mà Nhật Bản từng trải qua 2 năm về trước: Pavlyuchenko, chân sút chủ lực của Nga chỉ ngồi dự bị, giống như Cahill, Aloisi. Và những “bông hồng nước Anh” ủ rũ, nhớn nhác trên thảm cỏ Luhzniki, với 2 bàn thắng của Pavlyuchenko chỉ trong vòng có 4 phút. Chiến thắng 2-1 trước Anh chính là thời điểm Hiddink chính thức biến những vai trò của những cầu thủ dự bị trở thành một nghệ thuật siêu đẳng của bóng đá hiện đại. Và chặng đường chinh phục EURO 2008 của Nga (từ vòng loại đến tận vòng bán kết) là quãng thời gian mà thứ nghệ thuật thay người của Hiddink đã đạt đến mức “xuất quỷ nhập thần”!
Dường như van Basten cũng đã không nghiên cứu kỹ Hiddink như McClaren khi cũng lại rơi vào cái bẫy trong trận gặp Nga ở vòng tứ kết. Hà Lan chính thức bị quật đổ ở những phút cuối cùng hiệp phụ thứ 2 với sự xuất sắc của Arshavin, nhưng kẻ tung ra nhát dao định mệnh lại là một cầu thủ vào sân từ băng ghế dự bị: Torbinski (vào sân phút 81’, ghi bàn phút 113’). Hiddink có một tập thể đồng đều, một đội hình ổn định, và điều đó thể hiện ở khả năng thi đấu cực tốt của Torbinski, Sychev, Bilyaletdinov... khi được tung vào sân từ ghế dự bị. Chắc chắn van Basten không bao giờ dám để van Nistelrooy, Sneijder hay van der Vaart ngồi ngoài rồi sử dụng trong khoảng 15 phút cuối trận. Van Basten cũng không dám thay đổi quá 3 vị trí trong đội hình xuất phát (trừ chấn thương của Robben, van Persie...). Nhưng Hiddink dám làm tất cả, bởi ông biết mình có trong tay những ai, và họ có thể làm được những gì khi vào sân. Đó là đẳng cấp mà van Basten vẫn còn thua kém Hiddink.
Một chi tiết đáng chú ý là có tới 4 trong tổng số 6 trận thắng của Nga ở vòng loại EURO 2008 đến từ dấu ấn của các cầu thủ dự bị, với tổng cộng 6 bàn thắng. Trận thắng Macedonia 3-0, Kerzhakov ghi 1 bàn (phút 86’) sau khi được vào sân giữa hiệp 2. Trận thắng Andorra 4-0, Sychev ghi 1 bàn ở phút 71. Trận thắng Estonia 2-0, Pogrebnyak ghi bàn phút 78 trước khi Sychev ấn định tỷ số phút 90. Và trận thắng Anh, “siêu dự bị” Pavlyuchenko làm “cú đúp thế kỷ” hủy diệt Tam sư. Và tính trong vòng 2 năm qua, Hiddink đã có tới 9 trận thắng với dấu ấn của các cầu thủ dự bị, với tổng cộng 14 bàn thắng. Đó là một kỳ tích, một điều không tưởng chỉ có ở... Sherlock Holmes với khả năng phán đoán, nhận định và mưu lược siêu đẳng.
Zico (ĐT Nhật Bản) McClaren (ĐT Anh), van Basten (ĐT Hà Lan), Lagerback (ĐT Thụy Điển), Rehhagel (ĐT Hy Lạp)... đều đã thua Hiddink. Phép màu của Hiddink vẫn linh nghiệm. Và Aragones sẽ khó mà phá được ma trận trên băng ghế dự bị của Hiddink!
(Theo Báo Bóng đá)