Có cả sự hẻo lánh và hẻo mang nghĩa nghèo nàn. Trong khi cầu thủ xuất thân từ Nghệ An, đi đánh thuê ở nơi khác vẫn hào nhoáng với tiền tỉ, thì ở quê nhà, rất nhiều các cầu thủ đang phải chơi bóng cầm hơi thực sự. Đấy là câu chuyện thật mà tưởng như đùa, và ít ai nghĩ rằng, nó lại xảy ra ở vùng đất giàu truyền thống bóng đá như Nghệ An.
“Đã có những tín hiệu rất khả quan sau buổi họp chiều 17-3 vừa qua liên quan tới chuyện tài trợ cho đội bóng. Nhà tài trợ – công ty LILAMA cũng đang rất sốt sắng được bắt tay, trong khi lãnh đạo tỉnh ủy cũng đã thống nhất những điều khoản. Vấn đề còn lại là thảo luận những chi tiết cuối cùng, để sao cho hợp lý. Chắc chắn trong tháng 3 này, hợp đồng bàn giao sẽ hoàn tất. LILAMA cũng muốn sớm tiếp nhận đội bóng trước khi có những kế hoạch phát triển Công ty cổ phần, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng…” – GĐĐH SLNA Hồ Văn Chiêm hồ hởi.
Quân Sông Lam (trái) đang chờ từng ngày sự thay đổi về cơ chế để được thoát nghèo |
Ông Chiêm đã và đang làm tất cả, để tìm tiền và tìm hướng ra cho bóng đá Nghệ An. Nhưng cần thẳng thắn rằng, cho đến thời điểm này, khi V-League đã qua đến 5 vòng đấu, SLNA vẫn chưa tìm được “bầu sữa” cho đội bóng, lỗi đầu tiên phải là của các nhà quản lý bóng đá Nghệ An. “CLB đã làm tất cả để thuyết phục nhà đầu tư. Nhưng một mình nỗ lực của chúng tôi là không đủ. Buổi họp hôm ấy, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An cũng đã tham dự và rất hiểu vấn đề. Tôi tin rằng mọi thứ đang đi rất đúng hướng” – ông Chiêm nói tiếp.
Theo lời ông Chiêm, thì bản chất của sự việc bây giờ là tìm thời điểm thích hợp nhất để chuyển giao. Và nó sẽ diễn ra ngay trong tháng 3 này, không thể lâu hơn được nữa. Nếu công việc diễn ra đúng tiến độ, thì đó sẽ là tin mừng cho bóng đá Nghệ An.
Thêm nữa, có một cuộc trao đổi ngắn giữa GĐĐH Hồ Văn Chiêm và HLV trưởng Nguyễn Văn Thịnh, để rồi tất cả được thống nhất: Hãy cứ cố gắng, mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa. Tình huống xấu nhất, tức là vào giờ cuối SLNA và LILAMA không đạt được hợp đồng, thì tỉnh ủy cũng đã sẵn sàng một nguồn tài chính đáng kể, để bù lại cho những ngày tháng khó khăn của đội bóng.
Vẫn sống bằng niềm tin
Cứ 45 ngày phát lương tháng một lần (chậm 15 ngày so với thông lệ). Một trận thắng ở V-League, đội bóng sẽ có 70 triệu (chưa trừ thuế). Trước chuyến du Nam (gặp HA.GL, rồi B.BD), cầu thủ SLNA đã có lương. Những mâu thuẫn về tiền bạc tạm thời được gác qua một bên. Phía trước của đội bóng xứ Nghệ là những trận cầu khó khăn, đồng thời phải tin rằng, tiền sẽ về ngay đây thôi.
Kể từ sau trận thắng M.NĐ ở Cúp QG (thưởng 30 triệu đồng), rồi thắng QK4 (thưởng 63 triệu đồng sau khi trừ thuế), cầu thủ SLNA không có thêm bất cứ nguồn thu nhập nào khác. Bốn trận hòa liên tiếp tước đi không đáng bao nhiêu tiền, nếu là ở các đội bóng khác, nhưng ở Nghệ An bây giờ, nó là một tổn thất đáng kể. Cầu thủ xứ Nghệ, dù tâm lý thi đấu cứ đủng đỉnh, nhưng vẫn hú hồn vì “may mà không thua”. Sống bằng niềm tin mãi cũng khó, rất nhiều người mang tâm lý: đá cho vui ấy mà. Vậy là vấn đề đã rõ: Tiền. Chỉ cần có “doping” tiền bây giờ, mọi khúc mắc sẽ được giải quyết. Tiền cho hợp đồng 2 năm của của Văn Quyến, tiền để trả lương cầu thủ đúng hạn và tiền cho những lần họ đạt 3 điểm tối đa…
Chắc chắn sau vụ việc này, hẳn các nhà làm và quản lý bóng đá Nghệ An phải có những rút kinh nghiệm sâu sắc. Không thể chỉ “miệng hô khẩu hiệu, tay đấm không khí” mãi được và cần hiểu rằng, tự bản thân đất Nghệ chưa bao giờ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Bóng đá cũng không là ngoại lệ.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)