Cầu thủ bóng đá Việt Nam giờ đã kiếm được nhiều tiền, thậm chí có những ngôi sao “bỏ túi” cả khoản tiền tỷ sau mỗi phi vụ chuyển nhượng. Đi liền với đó là các thú chơi được cho là “thời thượng”.
Chuyện cầu thủ chơi xe hơi hiện nay không còn là của hiếm và cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi lương tháng của một số người đã lên tới 30 triệu đồng, cộng khoản tiền chuyển nhượng vài tỷ. Năm qua, nổi bật lên có Huy Hoàng - đội trưởng SLNA- với chiếc xe hiệu Honda CR-V. Để có chiếc xe này, Huy Hoàng đã phải bỏ ra khoảng 70.000 USD. Không kém cạnh, thủ môn Dương Hồng Sơn sau khi chuyển từ SLNA ra T&T Hà Nội với giá chuyển nhượng 1,7 tỷ đồng đã sắm ngay con xe Grandis logo mạ vàng khoảng 45.000 USD. Theo Dương Hồng Sơn thì chiếc Grandis của anh đi còn “sướng” hơn con CR-V của Huy Hoàng. Mạnh Dũng của HN.ACB đã chán con xe Picanto của Kia và đổi hiệu xe khác. Danh Minh của HN.ACB cũng đã sắm xe hơi. Giới cầu thủ hiện nay còn coi chuyện mua xe như một cách để ra đường khỏi đội mũ bảo hiểm. Theo nhiều nguồn, rất nhiều cầu thủ có “số má” đã đặt tiền để lấy những chiếc xe đang được ưa chuộng hiện nay như Captiva, Santafe…
Với Honda CR-V, Huy Hoàng là người chơi xe hơi xịn nhất trong giới cầu thủ Việt Nam
Có xe, thì phải tính chuyện trang bị cho nó một cái biển số xứng tầm. Ngay như Phó chủ tịch tài chính VFF Lê Hùng Dũng cũng luôn tự hào về chiếc xe cổ BMW với biển số BMT-001. Còn các cầu thủ thì họ cũng nhờ sự nổi tiếng của mình (hoặc… mua) được những biển số độc. Chẳng hạn như thủ môn Dương Hồng Sơn đã bị mọi người trêu là “siêu nịnh vợ” khi tìm bằng được biển số trùng ngày sinh, tháng đẻ và cả năm ra đời của vợ mình là chị Huệ. Các cầu thủ đăng ký xe máy cũng khá dễ dàng kiếm được biển số lặp, hay đuôi “lộc phát”. Riêng xe của Huy Hoàng bị chê là có biển số… lung tung.
Nếu một chiếc xe hơi có giá trị từ vài chục nghìn USD trở lên không còn là mơ ước quá xa vời của các cầu thủ thì chuyện có một chiếc điện thoại hàng “khủng” đâu có gì lạ. Huy Hoàng tỏ ra rất tự hào khi dùng chiếc Mobiado có giá “chưa đến… 2.000USD”; hay một số tuyển thủ đã chịu chơi bỏ tiền ra mua điện thoại dòng Vertu cũng có giá vài nghìn USD. Hiện tại, giới cầu thủ cũng đang rất “sốt” dòng iPhone của Apple vì thời trang và màu sắc đẹp. Mới đây, đội Bình Định đã có “chiêu” thưởng rất hấp dẫn là cầu thủ nào ghi bàn sẽ được nhận một điện thoại iPhone.
Có những thời, một số tuyển thủ sở hữu đến 10 sim, chẳng hiểu để làm gì. Nhưng nổi lên vẫn là những sim điện thoại đẹp. Anh em nhà Văn Sỹ Thủy sở hữu toàn sim “tứ quý”. Năm ngoái, các cầu thủ Thể Công được nhà tài trợ Viettel tài trợ cho một đống sim, toàn số đẹp. Một cầu thủ nổi tiếng ở đội tuyển còn chịu khó lùng bằng được hai sim điện thoại có 4 số cuối trùng nhau, lại trùng năm sinh của… hai người, thế mới độc.
Chơi xăm mình không còn là mới. Cựu tuyển thủ Liêm Thanh có cả “bộ sưu tập” trên người. Nhưng những năm gần đây, chuyện xăm trổ mới thịnh hành trở lại. Một trong số ít những cầu thủ dám tuyên bố rằng “hình xăm của tôi là một nghệ thuật” là Nguyễn Mạnh Dũng - cựu trung vệ đội tuyển. Mạnh Dũng có một con đại bàng khá ấn tượng bên bả vai. Chưa hết, trên cánh tay cầu thủ đầy cá tính này cũng có một vòng hoa văn lạ mắt. Đồng đội của Mạnh Dũng là Mạnh Hùng đang chơi cho HN.ACB xăm nguyên một con cá vàng đang tung tăng bơi lội trên vai. Những cầu thủ trẻ cũng tỏ ra không kém cạnh, Mai Tiến Thành - tuyển thủ U23 xăm một quả bóng trên vai như để chứng minh sự “tôn” thờ quả bóng của mình. Đội trưởng Thanh Tuấn của Huda Huế “bắt chước” Beckham xăm cây thánh giá trên… gáy.
Giới cầu thủ kháo nhau về những địa chỉ xăm hình tại TP HCM, họ còn chuyền tay nhau địa chỉ “ruột” chuyên xăm hình tận Thái Lan để hễ có dịp sang Thái thi đấu là lũ lượt rủ nhau vào để làm một vài hình cho đẹp.
Chuyện đội tuyển Việt Nam được ATIP thưởng cổ phiếu là một trong những vụ gây ầm ỹ làng bóng đá trong năm qua, cho đến giờ cũng chưa biết đã ai lãi lời gì về số cổ phiếu ấy chưa. SLNA cũng đã có chính sách giữ chân cầu thủ bằng cổ phiếu của Tài chính Dầu khí. Đã có thời SLNA điên cuồng vì cổ phiếu bởi theo nhiều nguồn tin căn cứ vào giá trị của từng cổ phiếu được bán đấu giá thì CLB đang nắm giữ số lượng cổ phiếu trị giá đến 70 tỷ đồng; trong đó 1/5 là của cán bộ, cầu thủ. Một cầu thủ chỉ phải bỏ ra 40 triệu đồng thì nay đã có thể thu về khoảng 350 triệu đồng. Chỉ có điều rất nhiều cầu thủ và cán bộ SLNA đang "ngẩn ngơ" vì đã trót "bán lúa non" số cổ phiếu của mình. Bởi từ thời điểm tháng 6, khi được mua cổ phiếu giá ưu đãi, tại CLB SLNA đã có làn sóng ngầm mua lại cổ phiếu của nhau. Ngoài SLNA, cầu thủ một số đội khác cũng biết găm cổ phiếu, như cầu thủ Lưu Danh Minh của HN.ACB, do có vợ làm ở Ngân hàng nên đã được đồng đội gọi là “vua cổ phiếu” ở đội bóng.
Thời đại bùng nổ thông tin, giới trẻ xôn xao vì blog thì các cầu thủ cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Lê Công Vinh được các CĐV làm riêng cho một blog và số lượng người vào đọc tăng lên chóng mặt, chỉ một nỗi chắc do thiếu thời gian, Công Vinh ít khi viết “entry”, nếu chịu khó “phá bàn phím” hẳn blog của Công Vinh sẽ rất ăn khách. Nhóm cầu thủ trẻ của Thể Công cũng rất chịu khó lập và viết blog như Ngọc Duy, Tuấn Anh. Phong trào viết blog cũng đã bắt đầu lan sang các cầu thủ nữ. Blog của tuyển thủ nữ Tuyết Mai chỉ có đúng một… dòng: đội tuyển thua rồi, chỉ được HC bạc thôi... huhu.
Công Vinh bên chiếc laptop
Máy ảnh, laptop không chỉ dành cho các phóng viên, nhân viên văn phòng mà chính các cầu thủ cũng đã bắt đầu xài những thứ này. Laptop là phương tiện chủ yếu để các cầu thủ chơi game, xem phim mỗi khi thi đấu xa nhà. Ngoài ra còn là chỗ để các cầu thủ chát chít, lên mạng xem báo chí viết gì về mình. Thủ môn Ngọc Tú khi lên HAGL đã sắm ngay một con laptop hàng hiệu. Còn máy ảnh thì… vô vàn. SEA Games 24 vừa qua, các cầu thủ cũng đã có dịp trổ tài thi ảnh đẹp bằng chính những cái máy ảnh cá nhân mình mang theo. Nhiều máy xịn đến nỗi chính các phóng viên chuyên nghiệp phải trầm trồ.
Bóng đá là một loại hình lao động cực nhọc. Nhiều cầu thủ đã phải tìm đến các thú chơi khá đặc biệt, chỉ với mục đích xả stress. Như Bảo Khanh mê cá cảnh với bể cá to đùng trong nhà. Khanh khoe: “Tôi thích cá cảnh từ nhỏ, không biết vì sao. Có thể, do suốt ngày tiếp xúc với sự ồn ào và sôi động của bóng đá, tôi muốn có những giây phút bình yên được tạo ra bởi thế giới riêng của mình. Bên bể cá cảnh, tôi nhanh chóng tìm được cảm giác thăng bằng, bình thản mà không phải lúc nào mình cũng có được. Đôi khi, những con cá bé nhỏ đó còn giúp tôi củng cố lại tinh thần và giảm căng thẳng sau những buổi tập mệt nhoài”. Còn tiền đạo Đặng Văn Thành thì khoái thú chơi… cây cảnh.
Chơi… đồ giả. Giả ở đây nhiều nhất là… răng giả. Rất nhiều cầu thủ do va chạm đã “lợi ơi ở lại, răng đi nhé”. Tấn Tài khi tập trung đội tuyển đã phải khẩn khoản nhờ các đồng đội tìm cho chiếc răng giả rơi đâu đó trên sân. Huy Hoàng của SLNA cũng thỉnh thoảng khoe những chiếc răng giả đã được “cài cắm” bằng một số sợi dây thép. Thú chơi “răng giả” này xem ra cũng phổ biến nhưng họ ngại chẳng dám tỏ bày cùng ai.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)