"Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận - (Samuel Smiles)". Bóng đá Đà Nẵng đang làm mưa làm gió ở nửa giải, tất nhiên những gì họ đang gặt được không tự nhiên mà có mà nhờ những gì họ đã gieo với sự lao động cật lực, nghiêm túc.
Từ ngày lên chuyên nghiệp, đến trước mùa giải 2009, nếu nói có lúc nào cầu thủ Đà Nẵng thực sự đá vì màu cờ sắc áo chưa, người viết dám khẳng định chưa bao giờ cả !
Năm 2005, tức dưới thời HLV Lê Thụy Hải với ngôi á quân được coi là cao nhất, cũng chưa hẳn các cầu thủ đã chịu đá thật. Họ phải đá vì cái nồi cơm của mình bị ông Hải “lơ” trực tiếp nắm và chia phần. Chỉ cần ông Hải ...lơ một chút là có chuyện. Năm đó, Đà Nẵng thua một trận vòng áp chót trước TMN.CSG ngay trên sân Chi Lăng, đánh sụm niềm tin về sự tử tế. Trận thua mà hôm sau, Giang Thành Thông đi uống cà phê trên đường Lê Lợi bị 3 CĐV rượt đánh chạy có cờ.
Cái bệnh về đá láo, thiếu tôn trọng khán giả cứ ngỡ đã bị triệt tiêu khi năm sau đó, dưới thời HLV Trần Vũ, đội bóng sông Hàn lên một mạch với chức vô địch lượt đi. Vậy mà nhầm to, lượt về cầu thủ Đà Nẵng không chịu đá để rồi trôi luôn xuống vị trí thứ 7 chung cuộc - một vị thứ mà “trời sập cũng không nghĩ ra”- lời ông Chủ tịch CLB lúc đó - Bùi Xuân Hòa.
Một bài toán khó nhất với những người làm bóng đá Đà Nẵng: làm sao thay đổi nhận thức cầu thủ để họ chịu đá vì tiếng gọi quê hương, vì lòng tự trọng của một đội bóng từng "làm mưa làm gió" đầu những năm 1990. Bài toán vô cùng khó, mà lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã bao năm chứng minh tất cả tình yêu, trách nhiệm, tình cảm cá nhân với cầu thủ, vẫn bất lực.
Cuộc chuyển giao năm 2008 cho SHB chưa đi đến tận cùng lời giải về tương lai sau này của bóng đá Đà Nẵng, nhưng trước mắt nó đã làm thay đổi nhiều thứ: sinh khí, cung cách làm việc, cơ chế tiền bạc, trách nhiệm cầu thủ.
Niềm vui đã đến nhiều lần với SHB.ĐN ở lượt đi V-League 2009 |
HLV Huỳnh Đức đã làm được một việc mà tất cả các HLV người Đà Nẵng bó tay, đấy là nắm được cầu thủ. HLV có quyền “tiền trảm hậu tấu” về mọi mặt đã buộc không chỉ cầu thủ phải đi vào nề nếp.
Kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Tất nhiên, trong tương lai nhiều áp đặt kiểu “ kì cục” chưa hẳn là hay. Như, đưa vào quy chế cầu thủ nào quan hệ và nói chuyện với báo giới bị phạt tiền rất nặng (?)…
HLV Huỳnh Đức có may mắn khi sở hữu một đội hình đa số là người địa phương, để dễ dàng ổn định về mặt tổ chức. Từ đó, ông xây dựng những biểu tượng ở đội bóng sông Hàn nhằm kích hoạt những cá nhân còn lại. Quang Cường được giao băng đội trưởng, Phước Vĩnh, Quốc Anh làm đội phó. Hình ảnh Phước Vĩnh khi đàn anh chấn thương được trao gửi trên tay chiếc băng đội trưởng tả xung hữu đột, là biểu tượng sức sống mới nơi đội bóng sông Hàn. Chiếc áo số 10 đầy ý nghĩa cũng lần đầu tiên được trao cho Quốc Anh.
Nếu nói vật chất quyết định ý thức thì trong trường hợp của SHB.ĐN là rất đúng. Mức thưởng 400 triệu cho một trận thắng sân khách, sân nhà 300 triệu (chưa kể hứng chí, bầu Hiển thưởng thêm) thuộc dạng cao so với mặt bằng V-League. Cầu thủ được tăng lương đầu mùa, tiền bạc đến nhanh, phân chia rõ ràng đã tạo một động lực cực lớn trong đội. 10 trận chưa biết thua, cầu thủ SHB.ĐN có thu nhập có thể nói cao nhất khi trung bình mỗi cầu thủ loại 1 bỏ túi xấp xỉ 80 triệu đồng/ tháng.
Hiện tại, chẳng có lý do gì để các cầu thủ sông Hàn không cắn răng ra đá thật tâm cả. Sự thay đổi về nhận thức rõ nét nhất kể từ lượt đi mùa giải 2008, Đà Nẵng đã đoạn tuyệt rất nhiều đối thủ ruột rà trong quá khứ để đá tử tế. Người Đà Nẵng đã phải tin vào sự “tử tế” của đội bóng mình, đấy là tài sản quý giá nhất mà SHB.ĐN đã từng bước xây dựng được.
Trên băng ghế chỉ đạo, Huỳnh Đức đã để lại dấu ấn đậm nét về sự trưởng thành trong cách xây dựng hình ảnh một HLV chuyên nghiệp, thể hiện sự cầu tiến qua việc tiếp thu rất nhanh với công nghệ, tri thức để phục vụ cho nghề. Ông thầy trẻ này cũng đã thể hiện được sự rắn rỏi, bản lĩnh, mặc dầu SHB.ĐN không ít lần gặp thách thức nghiêm trọng. Đấy là sự khác biệt lớn nhất so với rất nhiều đồng nghiệp trẻ của Đức.
Lực lượng của SHB.ĐN có chiều sâu với rất nhiều nhân vật tài năng đang ở độ chín, hoặc chớm chín. Ở SHB.ĐN có lứa trẻ vừa vô địch VCK U21 ở Quy Nhơn, mà điển hình như Nguyên Sa, Thanh Hưng, Hoàng Quảng, Văn Học, Hùng Sơn... Họ đã thể hiện được vai trò của mình thật sự. Hưng sau chuếch choáng mấy vòng đầu đã chiếm suất chính đá tiền vệ trung tâm, bên canh Rogerio. Học đá “văng” Quốc Thanh ở vị trí hậu vệ trái. Cả hai cầu thủ này đều được gọi lên tuyển. Số còn lại đã chơi ấn tượng trong một thời gian dài khi Quang Cường, Quốc Anh, Thanh Phúc chấn thương.
Hãy để ý, thành tích của các CLB ở ta đều phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh. Có 3 cầu thủ ngoại của SHB.ĐN đều vô cùng hiệu quả. Rogerio là một lá phổi đúng nghĩa ở tuyến giữa. Ameida, Merlo hiệu suất ghi bàn cực tốt (lần lượt ghi 9 và 8 bàn).
Sự đồng đều cả 3 tuyến, cả nội lẫn ngoại, đã giúp cho đội bóng sông Hàn có được sự ổn định. Kỷ lục 10 trận liên tiếp không thua, 2 tháng liền dành danh hiệu xuất sắc nhất đã chứng minh điều đó.
Về khách quan, cũng phải thừa nhận SHB.ĐN đã có được thuận lợi khi chặng khởi động rất nhiều đại gia đã bắt nhịp chậm, tạo một tâm lý phấn chấn và thoải mái cho dàn cầu thủ trẻ. Hãy nhìn Hoàng Anh vốn bê bết mấy tuần liền như vậy mà vẫn kịp leo lên ngôi nhì bảng sau vòng 13, mới thấy được hết ý nghĩa lợi thế của thầy trò Huỳnh Đức.
SHB.ĐN hãy trân trọng và phát huy những thành quả mà mình đạt được. Họ cũng phải tiếp nhận những quan ngại như cần phải tận dụng những may mắn, thời cơ vàng hơn nữa. Gần nhất là họ đã bỏ lỡ 2 cơ hội đáng tiếc ở các trận hòa Nam Định, SLNA. HLV Huỳnh Đức sẽ phải có những biện pháp giúp cầu thủ quá độ trong những phẩm chất của một đội bóng lớn, một nhà vô địch. Thực ra, 10 trận bất bại chưa là gì nếu đem so sánh với các đội khác trong quá khứ. Nam Định từng 16 trận không thua, B.Bình Dương năm 2007 kéo dài đến 17 trận.
Suy nghĩ, hành động, thói quen, tính cách xấu của bóng đá Đà Nẵng đã được thay đổi, chẳng có lí do gì số phận của đội bóng không chuyển hóa, trừ khi họ tự làm suy yếu mình.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)