Bất cứ đội bóng nào cũng có thể đá phản công và có thể ghi bàn từ miếng đánh ấy. Nó là một tình huống. Nhưng không có nhiều đội bóng nâng tầm nó lên thành một nghệ thuật.
Khi nhắc tới 2 từ nghệ thuật, điều đầu tiên người ta liên tưởng tới đó là vẻ đẹp, tính thẩm mĩ. Bàn thắng vào lưới Singapore do Quang Hải ghi được trên sân Kallang cho tới lúc này được thừa nhận như một trong những pha bóng đẹp nhất của AFF Suzuki Cup 2008. Đẹp không nhờ kỹ năng dứt điểm, vì đó chỉ là 1 cú rướn người rồi chích bóng bằng mũi giày vào lưới trống. Đẹp nhờ tình huống dàn xếp với các đường chuyền 1-2 chạm và khả năng di chuyển không bóng của các vị trí tham gia vào tình huống đó, là Tấn Tài, Công Vinh và Quang Hải.
Trong bóng đá, nghệ thuật còn bao hàm tính khoa học. Từ tính khoa học trong việc đánh giá đối thủ, phân tích điểm mạnh điểm yếu của họ cho tới tính khoa học ở việc tổ chức và phân chia vai trò cho các cá nhân khác nhau trên từng tuyến. ĐTVN đã làm được điều này.
Phản công là bài tủ của các đội bóng dưới quyền HLV Calisto.
Chúng ta nhận thấy điểm yếu giữa các hậu vệ cánh với các trung vệ khi đá với Singapore, rồi tổ chức chồng biên, khoét vào đó. Chúng ta cũng nhận thấy khoảng trống sau lưng của các hậu vệ cánh Thái Lan khi họ dâng cao tấn công rồi biến nó thành tử huyệt.
Ở khía cạnh tổ chức và phân chia vai trò, các cầu thủ đã thực sự hiểu họ sẽ phải ở đâu khi chúng ta phòng ngự, kiểu như các tiền vệ trung tâm sẽ là người nhận bóng, rồi cầu tiếp theo là các tiền đạo, các cầu thủ chạy cánh sẽ là người làm tường đồng thời là nơi để tung ra đường chuyền cuối cùng tới chỗ các tiền đạo di chuyển không bóng và tiếp cận cầu môn đối phương. Hoặc vai trò kết thúc còn là việc đổi vai, các tiền đạo di chuyển khôn ngoan để tạo khoảng trống cho các tiền vệ hóa thân thành những người kết thúc (bàn thắng của Vũ Phong vào lưới Thái Lan).
Trong bóng đá, nghệ thuật còn phải là tính hiệu quả. Nếu chúng ta đá phản công, dù triển khai mọi khâu khá suôn sẻ, nhưng khi không thể mang về những bàn thắng, thì cũng chưa thể coi nó là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Với thành tích lọt vào tới trận chung kết và đang chiếm tới 60% cơ hội vô địch, thày trò ông Calisto coi như cũng đã đạt được một kết quả. Cụ thể hơn, cả 3 bàn thắng của đội tuyển Việt Nam ghi được sau vòng bảng đều đến sau các tình huống phản công.
Không đội bóng nào ở Đông Nam Á tại giải năm nay chơi phản công tốt như Việt Nam, và cho tới lúc này, sẽ không quá lời nếu nói rằng tất cả mọi đối thủ đều e ngại miếng đánh đó của thày trò ông Calisto. Hoặc cũng có thể nói, từ việc không phải là đội bóng có đủ trình độ và tiềm lực để đá theo kiểu áp đặt thế trận trước các đội bóng nằm trong nhóm “chiếu trên” của khu vực, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách với đối thủ nhờ biết biến sự hạn chế đó thành một lợi thế, một thứ vũ khí đặc biệt-một thứ bóng đá phản công đã đạt tới tầm nghệ thuật gần như hoàn chỉnh.
Và sự hoàn chỉnh sẽ tới khi chúng ta trở thành nhà vô địch!
(Theo TT&VH)