Sức mạnh kinh hoàng
Một chút hồ nghi vẫn tồn tại sau chiến thắng nghẹt thở trước Ai Cập (4-3). Nhưng tất cả đã tan biến sau những màn huỷ diệt trước Mỹ (3-0) và Italia (3-0). Một Brazil thực dụng, hiệu quả và vẫn có chất Samba đã được Dunga trình diện.
Mùa Hè 1994 tại Mỹ, Brazil của Carlos Alberto Parreira cũng đi trên con đường như Dunga đang lựa chọn. Đó là lấy sự thực dụng, hiệu quả làm nền tảng và chính Dunga là linh hồn trong lối chơi ngày ấy. Nhưng chất Samba vẫn không biến mất thông qua Romario, Bebeto và cả những màn làm xiếc với bóng của Zinho, Jorginho hay Rai. Tóm lại, đấy là một Brazil đa dạng, kết hợp hài hòa giữa phong cách châu Âu với thứ bóng đá hoang dã.
Mùa Hè 2009, Brazil cũng thể hiện diện mạo tương tự. Trong cả 3 trận vòng bảng, Brazil đều ghi tối thiểu 3 bàn/trận. Và kể từ sau ngày ra quân với Ai Cập, mành lưới của Julio Cesar không bị rung lên lần nào nữa. Cách tiếp cận trận đấu chậm rãi, an toàn từ tuyến dưới rồi mới nghĩ đến đòn sát thủ ở tuyến trên được các học trò của Dunga tuân thủ chặt chẽ. Nhờ thế, Brazil không cho Italia dù chỉ một phần trăm hy vọng. Nên nhớ, chiến thắng ngày 21/06/2009 mới chỉ là lần thứ ba trong lịch sử, Brazil vượt qua Italia với khoảng cách 3 bàn. Đó cũng là chiến thắng đậm nhất kể từ năm 1976 (4-1). Đáng nói hơn, Brazil hoàn tất chiến thắng chỉ trong vẻn vẹn 8 phút. Chưa bao giờ, Brazil vùi dập một đối thủ lớn với tốc độ chóng mặt đến vậy. Nói gì nữa đây ngoài hai từ "kinh hoàng" trước sức mạnh Brazil.
Tam giác quỷ
Trong bộ tứ huyền ảo (Ronaldo - Ronaldinho - Adriano - Kaka) mà Brazil từng tự hào tại VCK World Cup 2006, Dunga chỉ mang tới Nam Phi duy nhất Kaka. Bởi bản thân ông đã có một bộ ba khác. Một "tam giác quỷ" đúng nghĩa.
Đó là Kaka - Robinho - Fabiano. Tổng cộng, bộ ba này đã ghi tới 6/10 bàn của Brazil tại Confederations Cup. Lẽ ra, con số này phải được tính là 7 bởi cú đá phản lưới nhà của Dossena xuất phát từ nỗ lực dứt điểm của Robinho.
So với hai đồng đội, Fabiano chơi không hoa mỹ nhưng anh đặc biệt nhạy bén trước khung thành nhờ khả năng dứt điểm đa dạng. Robinho giỏi quấy rối, còn Kaka đích thực là một ông chủ của cuộc chơi với khả năng kiến tạo cũng như tự mình dứt điểm khi cần thiết. Nhìn Kaka hành hạ Italia, người ta mới thấy hết cái hay của một siêu cầu thủ trong những trận đấu lớn.
Dĩ nhiên, Brazil chiến thắng không chỉ nhờ tam giác quỷ. Họ còn dựa vào sự vững chắc của hàng thủ, sự tỏa sáng của Maicon, sự trưởng thành của Melo, Ramires. Nhưng trên tất cả Kaka - Robinho - Fabiano vẫn là linh hồn. Chừng nào họ còn tỏa sáng, chừng đó Brazil vẫn còn hy vọng trong hành trình hướng tới ngai vàng World Cup 2010.
(Theo báo Bóng Đá)