Tham vọng
Công Vinh đã có 3 Quả bóng Vàng. Nhưng Vinh chẳng có bất cứ chức vô địch nào. Với ĐTQG hay U23, không. Và với CLB cũng không nốt. Đó đáng ra là một nghịch lý. Vì người ta có thể lý giải BĐVN đã có quá nhiều điều phi logic tồn tại và BĐVN lâu nay luôn thất bại ở các giải đấu, nhưng ở cấp độ CLB thì khác.
Sông Lam sau chức vô địch 2000-2001 đến nay đã 7 mùa liên tiếp tay trắng. Ở đấy, người ta coi nó là chuyện bình thường, dù cho tiềm lực cầu thủ của họ qua các mùa giải đủ để cạnh tranh với bất cứ đội bóng nào, kể cả Gạch, Gỗ hay Bình Dương.
Một cầu thủ được coi là ngôi sao tầm cỡ, tên tuổi ít nhiều đã vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia, sự trắng tay ấy rõ ràng là điều không tương xứng. Năm 2007, người Nhật đã định đến mua Công Vinh, người Qatar cũng xây dựng hồ sơ liên quan đến Công Vinh, và cả ĐNA này đều thừa nhận Vinh là tiền đạo đáng chú ý nhất của BĐVN sau Văn Quyến.
Công Vinh (phải) trong màu áo Sông Lam
Bởi thế, nếu ai đó “ngạc nhiên” về sự bạc nhược của Sông Lam trong 7 năm qua 1 phần, thì họ sẽ “ngỡ ngàng” với Công Vinh 10 phần một khi cầu thủ này quyết định ở lại với một đội bóng lâu nay chỉ còn biết lấy mục tiêu tốp 5 để thỏa mãn.
Cũng có thể ai đó cho rằng, nếu Vinh ở lại, anh sẽ được đảm bảo bằng một tương lai bóng đá theo cách như Huy Hoàng đã được cung phụng: một suất trong BHL, trở thành cán bộ nguồn của bóng đá xứ Nghệ, rồi đi học HLV, xong lại tu nghiệp chỗ này chỗ kia.... Nhưng Vinh còn quá trẻ để nghĩ đến điều đó.
23 tuổi, sự nghiệp cầu thủ của Vinh (sinh năm 1985) có thể kéo dài thêm ít nhất 7 hoặc 10 năm nữa. Rằng, cuộc đời bóng đá không chỉ là một hay vài QBV, thứ danh hiệu lâu nay đã không còn tương xứng với cái tên của nó như trước kia, và với bản thân Vinh, nó đã quá thừa thãi. Chức vô địch, ra nước ngoài chơi bóng, khẳng định trong những trận đấu quốc tế…, đó đều là những thử thách cả và thật khó để tìm thấy ở một đội bóng như TCDK.SLNA.
Tiền
Sông Lam gần như không có khả năng cạnh tranh về lĩnh vực này với các đội bóng khác đang muốn có Vinh. Kể cả khi số tiền trên thực tế chỉ bằng 1 phần 3 so với cách định giá theo kiểu “không đánh thuế” của ai đó là sẵn sàng mua Vinh với giá 1 triệu USD, thì đội bóng xứ Nghệ cũng không thể đảm đương nổi.
Song, điều này có vẻ khó xảy ra, nếu như Vinh quyết định lựa chọn một đội bóng ở V-League có tham vọng và tiềm lực thực sự để đầu quân.
Thực ra, với bất cứ cầu thủ bóng đá nào cũng thế, sự chuyển đổi của thời cuộc mang lại cho họ cơ hội để kiếm một khoản tiền lớn. Nếu ai đó dung hòa được giữa yếu tố thể thao và tài chính, đó là điều rất đỗi bình thường.
Tình cảm
Chia tay một đội bóng mà anh ta đã gắn bó từ tấm bé, chơi bóng đỉnh cao trong suốt 5 năm qua không phải là điều dễ dàng. Đằng này, nó còn là quê hương. Và cái tình ở đây còn nằm ở phạm trù Vinh đã đền đáp được những gì cho đội bóng xứ Nghệ qua từng ấy năm chơi bóng?
Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời. Nó dường như là một trong số những nguyên nhân khiến Sông Lam dù sở hữu những cầu thủ có đẳng cấp vẫn chỉ là đội bóng làng nhàng và đói danh hiệu trong một thời gian dài. Nhưng cũng phải sòng phẳng, Vinh không phải là cầu thủ duy nhất ở xứ Nghệ thuộc diện này (như vụ ký đơn chống lại HLV Thịnh đen) và nó ít nhiều mang yếu tố môi trường.
Chính vì yếu tố môi trường đã trở thành bản chất nên ngay cả trường hợp Vinh ở lại thì điều đó cũng chẳng giúp cái tình của cầu thủ biến thành những danh hiệu hay những chiếc cúp vô địch cho bóng đá xứ Nghệ.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)