Bóng đá chưa làm ra tiền nhưng bóng đá là một công cụ quảng cáo đắc lực. Nhảy vào một đội bóng có thương hiệu với công thức gắn tên hay chuyển giao hoàn toàn cũng giống như mua được spot quảng cáo vào giờ Vàng của truyền hình.
Nhưng nhảy vào bóng đá rồi thì phải có những nước cờ để đánh bóng cái thương hiệu nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Có những nước cờ giúp cho đội bóng mạnh lên, mang về những lợi ích thể thao. Cũng có cả những nước cờ chỉ đơn thuần để đánh bóng thương hiệu còn mục tiêu của CLB lại chỉ xếp ở hàng thứ hai.
Cả tuần qua, một số tờ báo hào hứng đưa tin ông Alfred Riedl được chào mời về SLNA và cũng có một số tờ báo cũng “hùng hổ” phủ nhận. Suy xét sự việc cho kỹ thì ai cũng đúng, nhưng chỉ là đúng trên góc độ kiểu thày bói xem voi.
Có phải những người chủ tương lai của bóng đá xứ Nghệ muốn đánh bóng thương hiệu bằng HLV Alfred Riedl ? |
Sở dĩ phải nghi ngờ điều này vì Sông Lam trong thời gian qua không phát huy được tối đa khả năng của các cầu thủ, không lọt vào tốp các đội dẫn đầu trong mấy mùa gần đây vì cơ chế không tạo ra được những động lực chơi bóng cho các cầu thủ, vì cung cách quản lý, chứ không phải vì HLV.
Ngôi sao & thương hiệu
Bóng đá cũng giống như giới showbiz (âm nhạc, thời trang…), gắn liền với các ngôi sao luôn là cách đánh bóng thương hiệu tương đối hiệu quả. Một đội bóng như HAGL chỉ cần tậu về Lee Nguyễn cũng đủ giúp họ từ trạng thái lạnh chuyển sang trạng thái nóng, trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Một đội bóng như T&T HN, vừa chân ướt chân ráo lên chuyên nghiệp, hay được giới cầu thủ gọi là T&T Thanh Hóa (vì có thời điểm 2/3 lực lượng của họ là quân xứ Thanh) chỉ cần có Công Vinh cũng đủ tự tin xưng là “niềm tự hào của bóng đá Thủ đô”. 2 trường hợp này chứng minh nhận định đó. Và việc những ông chủ mới của Sông Lam (khi đội bóng này chuyển giao cho doanh nghiệp) lựa chọn cách làm ấy suy cho cùng cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng có những vấn đề đáng suy ngẫm.
Alfred Riedl là một HLV đã ít nhiều phai nhạt theo thời gian xét cả trên góc độ hành nghề huấn luyện cũng như danh tiếng, hậu quả của những thất bại ở cấp độ đội tuyển và cả CLB (từ thời dẫn dắt Khánh Hòa năm 2001). Mặt khác, cũng phải nghi ngờ về một điều, có phải cái tên Alfred Riedl giờ cũng chỉ còn trong bộ nhớ của BĐVN chứ không đủ tạo nên sự tin tưởng cho bóng đá châu Âu, châu Phi, Trung Đông và thậm chí là chính quê hương nước Áo của ông, nên ông cũng chỉ trông chờ được những lời mời ở V-League và hạng Nhất? Gần 1 năm sau khi bị ép thôi việc ở ĐT U23 VN, Alfred Riedl ngồi chơi, ăn lương thất nghiệp ở Áo và chỉ có cơ hội quay trở lại làm việc khi được XMHP mời về.
Vậy ông có còn là một thương hiệu? Việc Alfred Riedl đến, ở và đi khỏi XMHP được giới truyền thông săn đón nhiều hơn bất cứ những vụ trảm tướng nào khác của BĐVN trong thời gian qua có thể trả lời thay chúng ta, rằng vẫn còn, ông vẫn là một ngôi sao!
Nghịch lý này không phải không thể giải thích. Sự hạn chế của BĐVN ở các mối quan hệ, chưa tiếp cận được với các HLV danh tiếng, và thương hiệu của V-League vẫn chưa giúp chúng ta thu hút được các ngôi sao HLV nào lớn hơn và chất lượng hơn. Bình Dương và HAGL khi sử dụng HLV ngoại cũng chỉ có thể dùng lại những người cũ và cũng là những vị bại tướng ở V-League trước kia, lần lượt là Vital và Chatchai.
Bên cạnh sự lo lắng của bóng đá xứ Nghệ trước thời điểm chuyển giao (nếu xảy ra), thì thực tế như thế có chứng tỏ V-League giờ đã là một dòng sông thông thoáng và nối liền với biển cả, hay vẫn chỉ là một chiếc ao làng?
(Theo Thể Thao Văn Hóa)