Những tia u ám ngập đầy trong đôi mắt Mourinho sau trận đấu. Như lối chơi và sự bế tắc của chính Chelsea. Trong một ngày thăng hoa của những vũ điệu Bremen, những tia nắng ấm áp của ngọn lửa tham vọng từ London đã vụt tắt.
Khi thứ bóng đá đầy chất thép, tính cách lạnh lẽo và vô cảm - để chiến thắng mà Mourinho xây dựng cho The Blues trở thành vật "vô giá trị" tại Weser, người Đức dĩ nhiên có quyền hãnh diện lắm chứ. Cho dù những trận đánh lớn vẫn còn đang ở phía trước.
Gây choáng để giành thế trận
Ballack đã không toả sáng dù được chơi ở đúng vị trí
Khi Ballack đã được chơi như một tiền vệ công thực thụ tại Weser, nhưng thật trớ trêu, dường như chính anh đã bị "ngợp" bởi món quà đầy bất ngờ này. Cứ cho là người Đức đã quá hiểu Ballack, nhưng đó cũng không thể là lý do để bào chữa cho 1 buổi tối yếu kém của tiền vệ số 13 khoác áo Chelsea.
Trong bối cảnh Ballack không thể tìm được sự liên hệ cần thiết với những Joe Cole, Claude Makelele, hay Michael Essien, chính anh cũng khó thể đảm trách được nhiệm vụ cầm chịch lối chơi một cách tốt nhất. Kết quả là những Torsten Frings, Tim Borowski, hay Daniel Jensen đã không cần quá mất sức để phong tỏa và làm biến dạng tầm ảnh hưởng của thủ quân tuyển Đức.
Trong suốt hiệp 1, Chelsea vẫn có những biểu hiện đáng khen ngợi ở khả năng cầm bóng và tổ chức tấn công từ cánh. Nhưng điều đó vẫn không đủ để che khuất được cá tính và sự độc lập trong cách chơi tốc độ kiểu "hủy diệt" của Werder Bremen.
Như thể là một sự sắp xếp có tính quy luật, bàn thắng tới với "các vũ công Bremen" cũng từ một tình huống "đàn áp" về cả sức mạnh lẫn số đông trong vòng cấm Cudicini. Với chiều cao gần 2m, Per Mertesacker không quá khó để biến Michael Ballack thành một "chú lùn" trong pha không chiến ở phút 26. Về lý thuyết, các hậu vệ của Chelsea vẫn đã giữ đúng được vị trí trong tình huống này, nhưng trên thực tế, sự hỗ trợ giữa họ chỉ là con số 0.
Khi các vũ điệu Bremen thăng hoa, ngay cả một nguời lạnh lùng như Mourinho cũng phải giật mình, thảng thốt. Tốc độ quá cao trong những pha phối hợp giữa các tiền vệ và hậu vệ biên là một nét không mới với đội bóng đang ở tốp đầu Bundesliga, nhưng trên hết, tầm ảnh hưởng của nhạc trưởng Diego phía sau Miroslav Klose và Hugo Almeida mới là vũ khí nguy hiểm nhất mà Bremen thể hiện.
Diego là linh hồn trong lối chơi của Bremen
Bằng sự tự tin đáng nể, hầu như các tiền đạo của đội chủ nhà chẳng bao giờ tìm cách tạo khoảng trống bằng những cú di chuyển ra biên. Thay vào đó, họ luôn tiến lên phía trước, tạo ra những sự thay đổi đặc biệt ngay hàng ngũ đối phương.
Trong lối chơi kiểu "tìm mà diệt" này, vai trò của Diego quả thực là hết sức quan trọng. Không cần quá nhiều "đất" để "múa", nhưng mỗi khi tiền vệ nhỏ con này tung ra một đường chuyền, hay 1 pha xử lý, gần như lập tức lại có một tác động khác biệt nào đó lên cả 2 phía.
"Choáng" và bị động. Đó có thể xem là những gì mà Chelsea đã bộc lộ trong suốt phần lớn thời gian thi đấu của hiệp 1. Tốc độ và phong cách liều lĩnh mà đội chủ sân Weser thể hiện tạo ra những áp lực cụ thể với The Blues: từ thời gian xử lý bóng, cách tổ chức ở giữa sân, hay cả tính kiên nhẫn trong vòng cấm đối thủ.
Mourinho đương nhiên nhận ra điều đó, nhưng ông dường như lại không thể giúp các học trò thích nghi được với sức nóng của trận chiến. Khác với những CLB ưa thích chơi tấn công như Man Utd, Inter, hay cả Barca, Werder Bremen khiến người ta phải kinh ngạc ở khả năng duy trì tốc độ. Không quá khó hiểu khi họ luôn là đội bóng ghi được nhiều bàn nhất ở Bundesliga, nơi có không ít các đối thủ không thể chịu nổi áp lực liên tục.
Và khiêu khích để chiến thắng
Sự ngạo nghễ và bất khuất của đối thủ đã khiến Chelsea "khó chịu" ngay từ đầu trận. Nhưng có lẽ, việc các khách tới từ nước Anh đã chủ động mang theo điều đó trong suốt 90 phút đã giúp cho Bremen bảo toàn được chiến thắng.
Một thắng lợi xứng đáng của đội chủ nhà
Trên thực tế, đội bóng của Thomas Schaaf đã không chỉ khiêu khích đối thủ từ những cú va chạm, hay từ trận chiến không khoan nhượng ở giữa sân, mà sự kích động của họ dành cho các vị khách Premiership còn tới từ cách thay đổi nhịp độ tấn công cực kỳ khó chịu.
Khiêu khích - đó không phải là điều mà Bremen hay làm (hoặc là chẳng ai từng đánh giá cao họ ở điểm đó). Nhưng có thể, trước một Chelsea vượt trội về nhiều mặt, Schaaf đã buộc phải dùng tới lý trí và tiểu xảo của người Đức, trong việc bảo vệ chiến tích mong manh.
Trong suốt hiệp 2, Bremen chơi như thể họ là một "con cá mập" tự nhốt mình trong chiếc lọ nhỏ. Sự phản kháng nhiều lớp, sự tập trung, quyết liệt và dứt khoát đã giúp thầy trò Schaaf thiết lập được vành đai an toàn cho riêng mình.
Trong khi đó, phía bên kia chiến tuyến, mọi nỗ lực của đội khách dường như vẫn thiếu một cái gì đó để làm nên chuyện. Mourinho đã có lý khi thay đổi cả "đôi cánh" lẫn trung phong của đội nhà (tung Arjen Robben, Shaun Wright-Phillips và Shevchenko vào sân), nhưng có vẻ như tất cả những tính toán đó đều đã được Bremen lường trước.
Sau khi bật lên như một chiếc lò xo trong hiệp 1, các học trò của Schaaf đã có đủ mọi lý do để co về cái vỏ ốc phòng ngự. Và cho dù họ vẫn chưa thể có được cái tầm cỡ của phòng thủ Catanecio, thì phong cách đầy tính toán đó vẫn khiến Chelsea lâm vào ngõ cụt. Bởi sự nóng vội và "giận dữ" không thể kiềm chế được của chính mình.
Nếu như Mourinho cho rằng Bremen đã gặp may khi thoát hiểm thành công trước sức ép của Chelsea trong những phút cuối trận, thì có lẽ ông cũng đã "thở phào", khi đội bóng của mình không cần phải chờ tới lượt trận cuối để quyết định số phận.
Thôi thì cùng tẩu thoát vậy!