“Vụ chuyển nhượng thế kỷ” là mỹ từ mà báo giới dành cho thương vụ đình đám mang tên Kaka. Nhưng khi nó kết thúc với kết cục gay cấn chỉ có trong phim của đạo diễn lừng danh Hoollywood James Cameron, không ít người đã và đang nghĩ rằng đây chẳng khác gì một “vụ lừa đảo thế kỷ”. Phải chăng ngay từ lúc đầu Berlusconi đã chủ ý không bán Kaka và tất cả những gì diễn ra sau đó đều là kịch bản được ông dựng lên?!
Berlusconi có thể “cười sướng“ sau “thương vụ” Kaka
Mục đích của Berlusconi là gì? Ông hiểu rằng với sự hậu thuẫn của ADUG, Man City chẳng khác gì gã công tử lắm tiền muốn bộ sưu tập người tình của mình toàn những hoa hậu (ở đây là các ngôi sao bóng đá). Mà từ trước tới nay, chuyện “đại gia và người đẹp” bao giờ cũng là chủ đề hút khách. Bởi vậy, thay vì từ chối quyết liệt như đã từng làm hồi Hè năm ngoái khi Chelsea chèo kéo Kaka, Berlusconi đã chủ động để Man City tiếp cận mục tiêu, kèm theo chất xúc tác là những tuyên bố nhạy cảm như “sẽ bán Kaka” hay “đi hay ở là tùy thuộc vào cậu ta”, để đẩy cốt truyện lên cao trào.
Để rồi khi tất cả mọi người nghĩ rằng thương vụ hoàn tất chỉ còn là vấn đề thời gian thì kết quả lại đảo ngược hoàn toàn. Bằng cách đó, tên tuổi Milan đã được báo chí thế giới nhắc tới nhiều nhất trong thời gian qua (có lẽ chỉ sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ, Obama). Chẳng phải đó là chiêu tiếp thị hình ảnh tuyệt vời cho Milan, hiệu quả và nhanh hơn vạn lần so với việc mua Ronaldinho và Beckham hay sao?
Đó là mũi tên trúng hồng tâm đáng giá nhất. Tiếp theo, chẳng phải có không ít tifosi đang phản đối Berlusconi bởi chính sách chuyển nhượng sưu tập “thùng rác vàng” để bán áo đấu mà không quan tâm tới chuyên môn ông đang theo đuổi hay sao? Nhưng nhờ vụ Kaka, Berlusconi lại chiếm trọn trái tim các Milanista. Thêm vào đó, chính ngôi sao người Brazil cũng được tiếng thơm khi thực sự “thuộc về Chúa và Milan” chứ không phải “thuộc về tiền bạc” như nhiều người đã từng nghĩ vậy.
Cả Serie A cũng được hưởng lợi. Giải đấu này đang ngày một mất giá so với Premiership và La Liga, đặc biệt là sau vụ Calciopoli, khi một loạt ngôi sao xuất sắc nhất ra đi (Cannavaro, Zambrotta, Thuram, Emerson, Cassano…), và là nơi dưỡng già của những ngôi sao hết thời (Beckham, Ronaldinho, Shevchenko). Bởi vậy, nếu bán ngôi sao tinh tú cuối cùng còn sót lại thì đến bao giờ Serie A mới tìm lại ánh hào quang như những năm cuối thiên niên kỷ trước.
Tất cả phải cám ơn ông “bầu” Berlusconi. Đúng là Italia luôn sản sinh ra những “ông trùm” trong mọi lĩnh vực!
(Theo Báo Bóng Đá)