Hôm qua, tỷ phú Silvio Berlusconi đã tuyên bố ông sẽ thôi giữ chức chủ tịch AC Milan để chuẩn bị nhậm chức Thủ tướng Italia vào đầu tháng tới. Hôm Chủ nhật tuần trước, Berlusconi đã vượt qua đối thủ Walter Veltroni trong cuộc bầu cử Thủ tướng Italia, để lần thứ 3 trong đời ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất của đất nước hình chiếc ủng.
Việc chẳng thể đừng
Ông Berlusconi phải từ bỏ chức vụ chủ tịch Milan là điều bắt buộc, bởi một điều luật quy định về vấn đề xung đột quyền lợi được Quốc hội Italia thông qua hồi tháng 7/2004 đã ghi rõ: "Người đứng đầu chính phủ không được phép đồng thời điều hành các công ty tư nhân". Berlusconi là một trong 3 người giàu nhất Italia chủ sở hữu của tập đoàn truyền thông khổng lồ Fininvest và hãng truyền hình Mediaset đang thống trị thị trường truyền thông Italia, nhưng ông không hề đứng tên chính thức trong BLĐ các doanh nghiệp ấy (thay vào đó là các con của ông) . Nhưng ông đã đứng tên Chủ tịch Milan , đội bóng mà ông coi là tình yêu lớn trong đời. "Tôi sẽ phải thôi làm Chủ tịch Milan và điều đó khiến tôi rất đau khổ. Công việc mới không cho phép tôi tiếp tục điều hành Milan nữa" - người đàn ông thành đạt, giàu quyền lực nhất và cũng có nhiều bê bối hàng đầu của Italia tâm sự.
Dù thế nào, Berlusconi vẫn luôn ở cạnh Milan
Đây không phải là lần đầu tiên Berlusconi phải rút khỏi cương vị này. Hồi tháng 12, khi đang trong nhiệm kỳ thủ tướng Italia lần thứ hai (2001-2006), ông đã từng phải nói lời chia tay với Milan ngay khi điều luật nói trên có hiệu lực.
Thời điểm ấy, người ta cho rằng sớm hay muộn thì Berlusconi cũng sẽ giao chức chủ tịch Milan cho con trai thứ 2 của mình, Piersilvio Belusconi, người đang tham gia lãnh đạo Mediaset, nhưng không phải. Trong suốt 1 năm rưỡi vắng Berlusconi (ông trở lại nắm Milan hồi tháng 5/2006 vào tay Romano Prodi), Milan đã không có chủ tịch chính thức, mà phó CT Adriano Galliani được toàn quyền thay Berlusconi điều hành đội bóng. Và bây giờ, một cuộc chuyển giao quyền lực tương tự cũng sẽ được thiết lập, nhất là khi Galliani và Berlusconi đã có thể coi nhau như là một, sau hơn 2 thập kỷ gắn bó với nhau.
Chỉ là hình thức
Trên thực tế, việc Berlusconi không còn làm chủ tịch chính thức của Milan nữa cũng không gây một chút ảnh hưởng nào đến đội bóng này cũng như các kế hoạch tương lai mà những người điều hành Milan đã đặt ra. Berlusconi rút lui chỉ là trên danh nghĩa, bởi tiếng nói của ông vẫn mang tính chất quyết định, cho dù không có bất kỳ "lệnh cấp trên" có chữ ký của ông già sắp bước sang tuổi 73 này. Nói cách khác, Berlusconi vẫn là người chỉ tay, còn Galliani và cộng sự phải có trách nhiệm thi hành. Sự việc này xảy cũng giống như những gì xảy ra với chủ tịch Inter.
Moratti, ông chủ tập đoàn dầu lửa Pirelli, đã từng từ chức chủ tịch Inter (ngày 19/1/2004, sau 9 năm nắm quyền) vì cảm thấy mình đã thực hiện quá nhiều vụ đầu tư mù quáng vào thị trường cầu thủ mà không đem lại thành công cho Inter (cũng bởi tình yêu điên cuồng đối với đội bóng này), trao chiếc ghế cho Giacinto Facchetti, một huyền thoại của CLB. Trên thực tế, dù chỉ chính thức trở lại chức chủ tịch Inter sau khi Facchetti qua đời hồi tháng 9/2006, nhưng Moratti vẫn là người điều hành cao nhất không lúc nào ngưng trong suốt 13 năm qua, kể từ khi ông chính thức tiếp quản Inter. Facchetti dưới quyền Moratti , cũng như Galliani dưới quyền Berlusconi, thực sự chỉ là nhũng con "bù nhìn"?
Tương lai nào cho Milan?
Chắc chắn sẽ không có sự chuyển biến tích cực nào cho Milan trong thời gian tới, khi ông chủ của họ lại thao túng nền chính trị Italia, ngoại trừ việc có thể họ sẽ được đôi chút từ những thế lực vừa thân Berlusconi vừa liên quan mật thiết đến các tổ chức bóng đá ở Italia . Tư tưởng của Berlusconi vẫn thế, thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Để phục vụ cho chính trị , Berlusconi từng biến Milan thành "vật thí nghiệm" cho những chính sách của mình (Berlusconi thường xuyên đem Milan ra làm công cụ giúp ông leo cao trên cả chính trường) và ông ta sẽ tiếp tục làm thế nếu cần. Cũng có ý kiến cho rằng một khi Berlusconi bận rộn với chính trị, ông sẽ không còn tham vọng với Milan nữa và bỏ mặc đội bóng này. Từ lâu rồi, các Milanista đã ước mong rằng thà Berlusconi hãycứ là một tỷ phú yêu bóng đá, dù điên cuồng và mù quáng như Moratti, còn hơn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)