Những gì diễn ra sau trận thua Schalke giống như một thước phim quay chậm của những gì diễn ra năm 1996. Đúng vào ngày 27/04/1996, cũng sau thất bại 0-1 trên sân nhà (trước Rostock), Beckenbauer ra quyết định sa thải Otto Rehhagel sau 302 ngày tại vị (Klinsmann cũng tại vị đúng 302 ngày) và không có bất cứ danh hiệu nào. Những chuyện xảy ra như đã được Bayern chuẩn bị giống một sự sắp xếp định mệnh…
Jupp Heynckes không đến Bayern sau cuộc họp giữa “bộ tứ” Beckenbauer-Rummenigge-Uli Hoeness-GĐ tài chính Karl Hopfner, đưa ra quyết định sa thải Klinsmann. Cựu HLV của Bayern (1987-1991) đã trở lại Munich từ cuối tuần trước, khi hai vợ chồng ông xuất hiện trên khu VIP khán đài SVĐ Allianz-Arena (có cả tiền đạo Klose, thủ môn Rensing, Rummennige, vợ và con gái Uli Hoeness, đại diện của Klinsmann…) chứng kiến trận thua của Bayern trước Schalke (0-1). Dường như mọi kế hoạch “đối phó” với tương lai của Klinsmann đã được BLĐ Bayern chuẩn bị trước trận đấu với Schalke. Chính vì thế mà chỉ khoảng 15 phút sau cuộc họp của “bộ tứ” này, Heynckes đã thay thế Klinsmann một cách chóng vánh.
Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Rheinische Post, Heynckes phát biểu rằng ông nhận lời tới Bayern trong thời điểm tận cùng khó khăn này là vì quan hệ thân thiết với Uli Hoeness. Nhưng dù có vì điều gì đi nữa, quyết định tiếp quản Bayern trong 5 trận còn lại của Heynckes vẫn đáng được xem là dũng cảm. Hiện tại, Bayern đứng ở vị trí thứ 3 và hoàn toàn có thể vắng mặt ở Champions League mùa tới. Heynckes sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ quá khó khăn, khi vực dậy tinh thần chiến đấu của cả bộ máy Bayern đã rệu rã. Và điều đáng nói hơn nữa, thử thách đầu tiên của Heynckes sẽ là trận đấu với M’gladbach, nơi ông sinh ra, và là CLB gắn liên với tên tuổi của ông (2 lần đầu quân khi còn là cầu thủ từ 1963 đến 1967; 1970 đến 1978, và 2 lần làm HLV 1979 đến 1987 và từ 2006 đến 2007).
Năm trận đấu của Heynckes với Bayern không quá khó khi họ gặp M’gladbach (sân nhà), Cottbus (sân khách), Leverkusen (sân nhà), Hoffenheim (sân khách) và Stuttgart (sân nhà). Bayern có thể thắng cả 5 trận, nhưng vấn đề là lúc này họ không thể sống bằng tiềm lực của chính mình, mà phải sống nhờ tinh thần, danh dự và bản năng của một đội bóng lớn. Năm trận có lẽ quá ít để Heynckes làm được điều đó, nhưng dẫu sao thay đổi này còn mang lại chút hy vọng, hơn là tiếp tục chờ mong một phép màu không thể có từ Klinsmann.
Tại Bayern, Heynckes từng 2 lần VĐ Bundesliga (88/89, 89/90). Kinh nghiệm, tên tuổi đang là những gì HLV 63 tuổi này mang tới Bayern, nhưng điều BLĐ Hùm xám cần lại là sự giải tỏa về tâm lý, không khí trong đội. Vì thế, để quay ngược số phận của Bayern, dọn sạch đống đổ nát ở Allianz-Arena, e rằng Heynckes cần một điều kỳ diệu. Với vai trò thế chỗ và là “công cụ” để tạo ra không khí mới, dù có thành công hay thất bại, Heynckes vẫn xứng đáng là cứu tinh của Hoeness, là một người có trái tim dũng cảm…
Sau Heynckes là ai?
Jupp Heynckes đã trở lại dẫn dắt Bayern, nhưng ông vẫn chỉ là HLV tạm quyền và BLĐ Hùm Xám khẳng định sẽ tìm người dẫn dắt CLB chính thức bắt đầu từ mùa giải 09/10. Danh sách các ứng cử viên kế vị Heynckes được nhắc đến khá nhiều, thậm chí báo chí Italia còn đưa tin HLV Mancini đã sẵn sàng đến Munich. Tuy nhiên, những mục tiêu mà BLĐ Bayern nhắm đến gói gọn trong những cái tên đã quen thuộc với Bundesliga. Có vẻ thất bại với Klinsmann đã làm những Hoeness, Rummenigge thay đổi quan niệm về tiêu chí tuyển chọn HLV mới khi đề cao những người có kinh nghiệm, hiểu biết bóng đá Đức. Những người được báo chí Đức nhắc đến gồm Armin Veh, người giúp Stuttgart hạ bệ chính Bayern cách đây 2 năm, Matthias Sammer (GĐKT của LĐBĐ Đức), Bernd Schuster (cựu HLV Real), Luis van Gaal, Guus Hiddink và Erik Gerets (cựu HLV của K’lautern).
Các đời HLV tại Bayern
Mặc dù Bayern vừa sa thải Juergen Klinsmann, nhưng đội bóng xứ Bavaria không có thói quen “thay ngựa giữa dòng”. Kể từ mùa giải đầu tiên tại Bundesliga (1963/64), sau 46 mùa họ mới trải qua 20 đời HLV và Jupp Heynckes vừa được bổ nhiệm chính là người thứ 21.
Trong số 20 HLV từng dẫn dắt Hùm Xám, Ottmar Hitzfeld được biết đến là người ngồi trên băng ghế chỉ đạo lâu và thành công nhất với hơn 6 năm cùng 8 danh hiệu các loại. Ngược lại, 6 HLV gồm Gyula Lorant (1977-1979), Reinhard Saftig (17/5/1983-30/6/1983), Søren Lerby (1991-1992), Erich Ribbeck (1992-1993), Otto Rehhagel (1995-1996) và Juergen Klinsmann (2008-2009) là những người có thành tích tệ nhất khi không giành được bất cứ danh hiệu nào.
Và trong số 5 người tay trắng đó, Reinhard Saftig là người có số ngày làm HLV tại Bayern ít nhất (45). Tiếp sau là Soren Lerby với 155 ngày. Rehhagel và Klinsmann chia nhau vị trí thứ 3 với cùng 302 ngày.
(Theo Bongda)