Nhìn cung cách hai doanh nhân cỡ bự Phạm Nhật Vũ và bầu Kiên thi đấu đôi co với nhau về bản quyền truyền hình với giá trị không lớn có những người đã đặt câu hỏi: liệu đây là cuộc chiến thực sự hay một chiêu “pi-a” thượng thặng?
Câu hỏi đó không vô lý và nếu bình tâm nhìn nhận từng vụ việc từ nhỏ đến lớn sẽ thấy nó càng ngày càng tỏ ra hợp lý.
Đến thời điểm này, chắc chắn một điều, sau cuộc "giằng co" này cả AVG lẫn VPF mà ở đó đại diện là bầu Kiên đều là người chiến thắng tuyệt đối trên phương diện quảng bá thương hiệu...
1.Sau một thời gian dài chuẩn bị về nhân lực, kỹ thuật và các phương tiện khác, AVG sắp chính thức phát sóng hệ thống truyền hình của mình.
Kiểu gì thì ông Phạm Nhật Vũ cùng AVG đã đạt được mục đích quảng bá tên tuổi, hình ảnh
Chắc chắn, sự cạnh tranh trong việc kinh doanh và nhất là thu hút khán giả trong bối cảnh truyền hình nở rộ hiện nay là không dễ, nếu như không muốn nói là rất khó khăn đối với một đơn vị truyền hình mới mẻ và non trẻ như AVG.
Cứ nhìn vào K+ sẽ thấy rõ điều đó. Độc quyền các trận Super Sunday của giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh là giải ngoại hạng Anh, các thứ khác cũng không thua chị kém em là mấy, chưa kể đến việc dốc sức cho quảng cáo, pr, giảm giá…nhưng theo một số thông tin, hiệu quả kinh doanh của K+ cũng chưa được như mong muốn.
Và theo lẽ rất thông thường của nghệ thuật kinh doanh, hay nôm na rằng PR tên tuổi, hình ảnh, rõ ràng cuộc chiến với VPF suốt thời gian dài qua bất luận thế nào AVG cũng đã thắng rất lớn.
AVG đang muốn quảng bá tên tuổi, hình ảnh... và tất cả những điều ấy đã có thừa khi thương hiệu của họ đã hiện diện trên rất nhiều phương tiện truyền thông với tần suất vô cùng dày đặc.
Chỉ thế thôi đã là quá đủ đối với AVG. Kiểu gì, chiến thắng cũng đã nằm trong tay họ.
2. Với VPF, thực sự miếng bánh truyền hình các giải bóng đá trong nước là rất ngon lành, và không chỉ nằm ở lợi ích kinh tế.
Rõ ràng, kể từ khi đứng ra thay VFF điều hành và quản lý các giải đấu cao nhất dải đất hình chữ S, VPF cũng rất cần một hình ảnh biết nói cho cái gọi là "vì tương lai của bóng đá Việt Nam".
Và tại sao không phải là Phó chủ tịch HĐQT VPF Lê Hùng Dũng, hay Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng mà lại là bầu Kiên đứng ra "tuyên chiến và đòi lại công đạo"?
Đó không phải vô cớ, chẳng gì tốt hơn nữa nếu như ông bầu này nổi tiếng thêm, và hẳn cuộc cách mạng đang diễn ra với bóng đá Việt Nam bằng việc thành lập VPF sẽ lấp lánh hơn trong mắt người hâm mộ...
Là nhà kinh doanh, bầu Kiên thừa hiểu, sau mùa bóng 2010-2011 không ít tai tiếng, nhất là sau thất bại thảm hại của U23 Việt Nam tại SEA Games, việc kéo khán giả đến sân vận động hay ngồi trước màn ảnh theo dõi các trận Super League hay hạng nhất còn …khó hơn lên trời. Và sau khi nổ phát súng thẳng vào VFF dẫn đến việc ra đời của VPF thì hình ảnh, hiệu quả của công ty này ít nhất cũng phải khác xa nếu như không muốn nói là vượt trội VFF.
Để đạt được hiệu quả thì khâu đầu tiên không thể thiếu là làm nóng tên tuổi cũng như hoạt động của công ty đó. Nếu nhìn nhận như vậy thì bầu Kiên cũng đã giành thắng lợi đậm đà trong việc “pi-a” cho VPF, cho bản thân và nhiều thứ khác…
3. Thực ra, 6 hay 10 tỷ đồng, kể cả vài chục tỷ đi nữa đối với hai doanh nhân Phạm Nhật Vũ và Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) không phải là số nhiều. Với tiềm lực của mình, gần như chắc chắn họ chẳng phải đôi co với nhau về số tiền không lớn kia như họ đã làm trong những ngày vừa qua.
Có hai kịch bản xảy ra. Nếu đây là cuộc chiến thực sự thì ngay cả người thua, cái mất là vô cùng nhỏ nhoi so với cái được. Còn nếu đây là cách thức “bày trận giả” để cùng đạt được mục đích thì đó quả là một chiêu “pi-a” thượng thặng mà bất kỳ ai dù yêu hay ghét ông Phạm Nhật Vũ và bầu Kiên cũng phải ngả mũ thán phục.
Khi cái bỏ ra đầu tư là quá nhỏ, cái thu về quá lớn hay gọi cách khác là lợi nhuận đạt được là khủng khiếp thì họ sẽ làm gì?
Cả ông Vũ lẫn bầu Kiên đều là những nhà kinh doanh lọc lõi.
Câu trả lời thật quá dễ dàng.
(Theo Vietnamnet)