Trong câu chuyện bản quyền truyền hình có vẻ như VPF sẽ phải tạm chấp nhận bị VFF dẫn bàn. Sau hiệp một, chắc chắn VFF sẽ đẩy cao đội hình nhằm “thịt” nốt cái tên Super League. Mặc dù hôm nay (16/2), khi vòng đấu thứ 5 giải VĐQG Việt Nam đã diễn ra được bốn ngày nhưng những tranh cãi dai dẳng về cái tên giải đấu vẫn chưa có kết quả. Thậm chí, do để ý quá nhiều về vấn đề bản quyền truyền hình mà chuyện cái tên đã rơi vào quên lãng của một số người. Nhưng chắc chắn, sau vấn đề bản quyền chắc chắn sẽ lại là chuyện cái tên.
Theo cái lý của VPF thì họ đã đổi tên và có chữ V ở đầu để thỏa mãn yêu cầu, đó là giải của Việt Nam, theo công văn chỉ đạo của TC TDTT. Nhưng VFF nhất quyết không chịu, và chỉ đồng ý phương án đổi trở lại thành V-League. Không phải tự dưng mà VFF lại yêu cầu VPF quay về cái tên cũ như vậy. Lý lẽ mà VFF đưa ra là điều lệ và quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 đã được Bộ VH TTDL phê duyệt đâu?
Nên để tránh một giải đấu “chui”, VFF đã đem qui chế bóng đá chuyên nghiệp 2011 ra yêu cầu VPF áp dụng. Mà nếu áp dụng quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2011 thì đương nhiên giải phải tên là V-League. Giống như Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung từng khẳng định: “Giải đã bao giờ mang tên Super League đâu mà bảo đổi lại thành V-League?” Có thể hiểu, cách xử lý của VFF hoàn toàn dựa vào lý, và người ta thấy thiếu một chút tình trong đó.
Cái tên Super League sẽ bị "khai tử"?
Còn VPF sau một hồi “cứng đầu cứng cổ”, có vẻ “đuối lý” vì nhận ra… dù sao Tổng cục TDTT và VFF đều là “cấp trên” của mình. Do đó, bầu Kiên đã dùng đến cái tình để “vặn” ngược lại VFF: “tôi đang nghĩ việc này có đáng làm không, gây ra thiệt hại như thế có nên làm không?”. VPF đã đưa ra thông điệp của mình khi bầu Kiên khẳng định sẽ đổi tên giải đấu nếu cấp trên cương quyết yêu cầu. Nhưng điều mà người hâm mộ cả nước quan tâm là thời hạn nào VPF sẽ đổi tên giải đấu, đồng thời sẽ đổi tên theo phương án nào thì vẫn là những câu hỏi thật khó trả lời vào lúc này…
Toát lên trong cả câu chuyện về cái tên giải đấu là sự thắng lý của VFF, trong khi nhiều người cho rằng VFF đang không bằng lòng về VPF trong nhiều chuyện (về chuyện VPF không in logo VFF lên áo đấu cầu thủ, không biết VPF chi tiêu thế nào? Thậm chí đó còn là cả câu chuyện bản quyền truyền hình). Đã "vớ" ngay được công văn chỉ đạo của Tổng cục TDTT, rồi dựa vào cái lý rằng Bộ VH-TT-DL chưa duyệt quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, để “hành” VPF. Suy cho cùng, những bất đồng về quan điểm giữa VFF-VPF bao lâu nay, nhận xét trên của nhiều người cũng chẳng phải sai hoàn toàn.
Thực ra mà nói, ngay cả chuyện mang quy chế 2011 ra áp dụng cho mùa giải 2012 mà VFF đề xuất đã thấy ở đó một cách làm “chữa cháy” của VFF. Vậy tại sao cái cách gọi V-Super League của VPF trong khoảng thời gian đang “chống cháy” (đợi Bộ phê duyệt quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012) lại không được VFF chấp nhận? Nếu dựa vào cái tình thì cái tên V-Super League chẳng phải là không được. Bởi nó sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phi cho các CLB khi chỉ cần thêm chữ V vào trước Logo giải là xong.
Nếu như cương quyết đổi lại tên giải thành V-League, sau đó nhỡ Bộ VH-TT-DL thông qua qui chế bóng đá chuyên nghiệp 2012, với cái tên giải là Super League hay V-Super League thì liệu lúc đó giải VĐQG có thêm một lần nữa đổi tên? Thậm chí giải đã trôi qua đến 4-5 vòng đấu tại sao không lùi lại vào giữa hoặc cuối mùa giải rồi đổi tên, hay đổi tên giải đấu lợi hại gì như bầu Kiên từng thắc mắc?
Trong cả câu chuyện người ta chỉ thấy VPF và VFF bắt bẻ nhau từng câu, từng chữ. Và trong câu chuyện bản quyền truyền hình có vẻ như VPF sẽ phải tạm chấp nhận bị dẫn bàn trong hiệp một. Còn sau hiệp một, chắc chắn VFF sẽ đẩy cao đội hình nhằm “thịt” nốt cái tên Super League. VPF sẽ “kháng chiến” thế nào, hãy cùng chờ xem.
(Theo Vietnamnet)