Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Man Utd và Man City tranh giành ảnh hưởng trên thị trường Mỹ: Có một trận derby Manchester khác

Thứ Bảy 21/09/2013 15:01(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trận derby Manchester cuối tuần này đương nhiên sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến diễn biến cuộc đua Premier League 2013/14. Nhưng 90 phút thi đấu tại Etihad có thể còn mang một ý nghĩa nữa: xác định kẻ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại ở tận nước Mỹ xa xôi…

Bóng đá thời thương mại hóa

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, hình ảnh của một CLB bóng đá đương nhiên không còn bị giới hạn trong phạm vi của một địa phương hay quốc gia cụ thể. Những năm 50-60 của thế kỷ trước, trực tiếp mua vé vào sân hầu như là cách duy nhất để theo dõi một đội bóng thi đấu, nhưng đến bây giờ thì người ta có thể xem bóng đá từ khắp mọi nơi trên thế giới, miễn là có kết nối Internet. Nhờ thế, giá trị bản quyền truyền hình bắt đầu bùng nổ và bóng đá dần dần bị (hay là được?) thương mại hóa một cách cao độ, đến mức nó có thể được coi là một ngành công nghiệp giải trí khác bên cạnh âm nhạc hay điện ảnh. Mục tiêu hoạt động của các CLB vì thế cũng thay đổi: từ chỗ tập trung tối đa hóa thành tích (bao gồm cả việc vay nợ quá tay để mua sắm và trả lương cầu thủ), bây giờ nhiều đội bóng được vận hành y hệt như một doanh nghiệp thông thường và tối đa hóa lợi nhuận mới là ưu tiên tối thượng. Arsenal đã nhiều năm không đoạt danh hiệu nào nhưng vẫn chi tiêu rất vừa phải (cho đến trước thương vụ Oezil), AC và Inter Milan đều hạn chế đáng kể việc đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng và thậm chí Massimo Moratti còn bán bớt cổ phần cho các NĐT nước ngoài, thậm chí giàu có như Bayern Munich cũng chưa bao giờ vung tay quá trán, tất cả đều nhằm mục đích đảm bảo khả năng sinh lời của CLB. Tuy nhiên để cải thiện lợi nhuận thì cắt giảm chi phí không phải là cách duy nhất (thậm chí nó còn có thể gây ra hiệu ứng ngược nếu như đội bóng quá dè xẻn trong việc tăng cường lực lượng) và đẩy mạnh nguồn thu cũng là một phương án hiệu quả không kém. Vấn đề là trong thời buổi kinh tế thế giới chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng, đồng thời nhiều thị trường truyền thống (nhất là châu Âu) đã có dấu hiệu bão hòa thì đâu mới là cơ hội kinh doanh? Man Utd và Man City có chung một đáp án: Bắc Mỹ, hay cụ thể hơn là nước Mỹ.

Hình ảnh quảng cáo của M.U và Man City trên một toa tàu điện ngầm ở Mỹ
Hình ảnh quảng cáo của M.U và Man City trên một toa tàu điện ngầm ở Mỹ

Tìm vàng ở Bắc Mỹ

Nước Mỹ có tới 315 triệu dân, bằng gần 50% của cả châu Âu (740 triệu) và có thu nhập bình quân đầu người lên tới 49.922 USD/năm, tức sức mua của thị trường này là cực lớn (PCT Ed Woodward của M.U khẳng định rằng Mỹ là thị trường thể thao phát triển nhất thế giới). Quan trọng hơn, ở Mỹ thì bóng đá chưa phải là môn thể thao có tầm ảnh hưởng lớn (vẫn xếp sau bóng rổ, bóng chày hay bóng bầu dục). Từ một góc độ nhất định thì đây là trở ngại, là thách thức, nhưng cũng có thể coi đó là một cơ hội cực kỳ lớn lao. Hơn 300 triệu người, phần đông trong số đó yêu thích thể thao (nền thể thao Mỹ luôn đứng trong tốp đầu thế giới) nhưng chưa có nhiều người hâm mộ bóng đá? Cũng có nghĩa, nếu thực hiện tốt công tác marketing thì một đội bóng có thể thu hút được thêm hàng chục triệu khách hàng, những người bỏ tiền ra để xem họ thi đấu mỗi tuần, để mua các sản phẩm chính thức của CLB và gián tiếp giúp họ kiếm được các bản HĐ quảng cáo khổng lồ. Rõ ràng, đối với M.U hay Man City thì tiềm năng của thị trường Mỹ lớn hơn rất nhiều so với thị trường TBN (nơi hầu hết mọi người đã sớm là fan của Real hoặc Barca) chẳng hạn.

Vì thế, bên cạnh cuộc cạnh tranh trên sân cỏ thì hai kình địch thành Manchester còn đang ráo riết triển khai một cuộc chiến khác trên thương trường, mà cụ thể là thị trường Mỹ. Lợi thế của họ so với các đại gia châu Âu khác như Real, Barca, Bayern… là rất rõ ràng: nhờ sự tương đồng về văn hóa (tiếng Anh), khối lượng thông tin về Premier League trên các phương tiện truyền thông Mỹ luôn bỏ xa các giải đấu khác như La Liga hay Bundesliga. Bên cạnh đó, Real và Barca còn phải tập trung khai thác “mỏ vàng” Nam Mỹ - nơi phần lớn các quốc gia sử dụng tiếng TBN làm ngôn ngữ chính thức – và đương nhiên không thể tập trung 100% vào khu vực Bắc Mỹ.

Người đi trước, kẻ “đá sân nhà”

Trong cuộc chiến thương mại này, Man City là người đi trước. Từ tháng 5/2013, họ đã góp vốn khoảng 100 triệu USD – tương đương 75% cổ phần - để thành lập một đội bóng mới có tên New York City FC (hợp tác nhượng quyền cùng đội bóng chày New York Yankees). Màu áo chính thức của New York City cũng sẽ là màu xanh giống như Man City, và đây là cơ hội tuyệt vời để họ quảng bá hình ảnh ở thị trường Mỹ. Mùa hè vừa rồi, trong khi M.U còn bận bịu với những chuyến du đấu ở châu Á – Thái Bình Dương thì Man City cũng đã kịp sang Mỹ đá 2 trận giao hữu với Chelsea, và như lời GĐĐH Ferran Soriano thì “mối quan hệ giữa chúng tôi và NHM Mỹ đã tiến triển rất nhanh chóng”. Tuy nhiên, dù có tích cực PR đến mấy thì Man City vẫn không thể cạnh tranh nổi với M.U trong một vấn đề đơn giản: lợi thế “sân nhà”.

Ở Premier League có tới 6 đội bóng nằm trong tay các ông chủ Mỹ, nhưng không ai khai thác thị trường xứ sở cờ hoa tốt như M.U. Gia đình Glazer và PCT Ed Woodward có thể không phải là những chuyên gia trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, nhưng trong phương diện tài chính thì hoàn toàn ngược lại. Với rất nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại Mỹ trên đủ mọi lĩnh vực, từ vận tải cho đến dầu khí, từ bất động sản đến ngân hàng đầu tư, họ đã đem về được không ít thương vụ béo bở cho “Quỷ đỏ”: năm 2012, M.U đã tổ chức đấu giá thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng, thu về khoảng 233 triệu USD và họ lại đang chuẩn bị huy động thêm 400 triệu nữa thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu, tất cả đều được thực hiện qua Sở giao dịch chứng khoán New York, và theo những phát biểu mới nhất của Woodward thì đội chủ sân Old Trafford vẫn muốn thâm nhập thị trường Mỹ sâu hơn nữa. Hiện những dự án cụ thể của M.U vẫn chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn là không thể đánh giá thấp một thương hiệu toàn cầu như “Quỷ đỏ”, đội bóng đã đút túi tới 152 triệu bảng từ hoạt động thương mại (tài trợ, quảng cáo, kinh doanh áo đấu…) trong năm tài chính 2012/13. Tổng kết lại, cán cân có vẻ hơi nghiêng về M.U nhưng Man City đang có một cơ hội tuyệt vời để lật ngược tình thế. Còn có màn quảng cáo nào tuyệt vời hơn là việc đánh bại đối thủ kình địch trong một trận đấu (dự kiến) sẽ được truyền hình trực tiếp đến 1,53 triệu khán giả Mỹ, số lượng khán giả truyền hình lớn nhất tính từ Olympic 2012 đến nay?

(Theo Bóng Đá Toàn Cầu)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X