(Bongda24h) - Dù chỉ khoác màu áo Đỏ trong vòng có 5 mùa giải ngắn ngủi nhưng với nhiều Manucians thì Eric Cantona là gương mặt xuất sắc nhất trong suốt chiều dài hơn 100 năm của đội bóng thành Manchester. King Eric chứ không phải ai khác là nhân vật có đóng góp lớn nhất, tạo dựng ra nền móng ban đầu cho đế chế thống trị của Man Utd hơn 2 thập kỷ qua tại đảo quốc sương mù. Mới đây, ông đã mạnh dạn tiến hành chiến dịch vận động tranh cử cho một chức vụ "khó tin": Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới.
Cuối năm 1992, sau khi cùng Leeds giành chức VĐQG Anh mùa bóng 1991-1992, Cantona đã nghe theo lời mời gọi đầy quyến rũ của Sir Alex Ferguson để gia nhập binh đoàn "Quỷ đỏ". Và từ đây, một huyền thoại ở Old Trafford đã được khai sinh. Có lẽ, ngay bản thân chiến lược gia Scotland cũng như chính Cantona cũng không dám tin rằng sự hợp tác này rốt cục lại thành công vang dội đến thế. Bỏ qua cái tính khí "đặc biệt", "tinh tướng", bỏ qua những rắc rối gây ra cả trong lẫn ngoài sân cỏ (Cantona từng bị treo giò 8 tháng vì tung kung-fu vào CĐV đối thủ), Cantona đích thực là "vị vua của thành Manchester". Nhờ có Cantona, MU mới lại bước được giương cao chiếc cúp VĐQG Anh (Premier League) sau hơn 25 năm chờ đợi. Với "hạt nhân" Cantona, MU từng bước xác lập địa vị số 1 đảo quốc sương mù. Lớp "Thế hệ vàng son nhất" của Man Utd (Giggs, Beckham, Scholes, anh em nhà Neville, Butt) cũng được Cantona dìu dắt và giúp đỡ rất nhiều trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Eric Cantona và người thầy cũ Alex Ferguson
Kết thúc mùa giải 1996-1997 (MU đăng quang), Cantona đột ngột tuyên bố giã từ sự nghiệp cầu thủ dù rằng lúc đó, ông mới 30 tuổi và chưa hề có dấu hiệu suy giảm phong độ hay thể lực. Nhưng ra đi trong vinh quang theo một cách thức "bất thình lình" như vậy mới đúng là con người và tính cách King Eric. Dẫu sao, chỉ cần 5 năm thôi, cũng đủ để Cantona ghi danh vào lịch sử đội bóng như là một trong những huyền thoại vĩ đại nhất. Rõ ràng, nếu ông không xuất hiện ở Old Trafford thì chưa chắc, Man Utd đã có thể trở thành kẻ thống trị nước Anh trong nhiều năm trời.
Sau khi giải nghệ, Cantona quyết định gia nhập làng giải trí tại quê nhà và tham gia khá nhiều bộ phim trong cả vai trò diễn viên cũng như nhà sản xuất. Ngoài ra, Cantona cũng tìm thú vui ở môn bóng đá bãi biển, một nhánh phụ của môn Thể thao Vua. Ông từng làm đội trưởng rồi HLV ĐT Bóng đá bãi biển Pháp thi đấu rất thành công ở giải thế giới (còn nhớ ở cấp độ ĐTQG ở bóng đá "chính thống", Cantona bị ghẻ lạnh). Đến năm ngoái, Cantona đã nhận lời làm giám đốc thể thao cho đội bóng Mỹ, New York Cosmos ("Vua bóng đá" Pele là chủ tịch danh dự của CLB này) và tuyên bố sẽ đưa New York Cosmos lên tầm cỡ đại gia tại xứ sở cờ hoa.
Chưa dừng lại ở đó, Cantona còn quyết định tham gia vào chính trị, một lĩnh vực thường không mấy phù hợp với những nhân vật có xuất thân thể thao, chứ chưa nói gì đến bóng đá. Song tham vọng của ông trong lĩnh vực này không hề bé nhỏ mà còn to tát một cách bất ngờ. Mới đây, Cantona đã chính thức tiến hành chiến dịch nghiêm túc tranh cử vào vị trí Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới. Hiện giờ, ông đang triển khai ráo riết các hoạt động nhằm lấy lòng cử tri. Cương lĩnh của Catona là giải quyết tình trạng bất công, phân hoá trong xã hội và hướng nhiều vào đối tượng thanh niên.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, khả năng Catona vuợt qua "vòng loại" là cực thấp. Được biết để có thể lọt vào vòng "bán kết" (còn thêm một vòng "chung kết" chỉ bao gồm 2 nhân vật nhận được số phiều bầu lớn nhất ở bán kết), từ giờ đến cuối tháng 2, Cantona cần phải có được chữ ký ủng hộ của tối thiểu 500 nghị sỹ, quan chức đã được bầu hợp pháp từ các tỉnh của nước Pháp. Cantona mới lò dò bước chân vào chính trường chưa lâu, lại không phải thuộc diện quá nổi tiếng tại xứ sở lục lăng và không được đảng phái nào "hậu thuẫn" (Cantona ứng cử với tư cách cá nhân) nên cơ hội thành công gần như bằng không. Dẫu sao, giấc mơ thì không bao giờ bị "đánh thuế" và cũng nên dành lời khen ngợi cho King Eric vì thử hỏi có mấy người dám tự tin, dũng cảm đến thế.
Bảo Phương (Theo Daily Mail/Vietnamnet)