Thứ Sáu, 27/12/2024 Mới nhất
Zalo

Các ngôi sao ngoảnh mặt với Milan và Inter: Cái giá của những đội bóng một người

Thứ Hai 30/12/2013 09:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trả lời phỏng vấn Corriere della Sera, tiền đạo Carlos Tevez của Juventus không ngần ngại chia sẻ: "Milan và Inter đã không mang về các tên tuổi lớn trong vài năm qua. Không có một đội bóng mạnh, bạn không thể đá tốt được".

Cuối thập niên 1980, Milan đã mua bộ ba lừng danh van Basten, Gullit và Rijkaard. Đến năm 1992, họ còn thực hiện bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới khi đó với Jean-Pierre Papin. Mùa 2001-02, họ thậm chí bỏ ra tới gần 150 triệu euro để mang về những ngôi sao đình đám như Rui Costa hay Filippo Inzaghi.

Inter của tỷ phú Massimo Moratti cũng không hề thua kém hàng xóm về khoản tiêu tiền. Từ khi tiếp quản Inter năm 1995, ông trùm dầu mỏ này đã đổ 1,2 tỷ euro vào “chợ cầu thủ”. Năm 1997, Inter từng gây sốc khi chi 28 triệu euro để giải phóng hợp đồng của Ronaldo và hơn 2 năm sau, là 45 triệu euro cho Christian Vieri. Có thể liệt kê ra một danh sách dài các ngôi sao từng thi đấu cho Inter như Fabio Cannavaro, Crespo hay Ibrahimovic.

 

Khi ông chủ thiếu tiền

Tuy nhiên, thời hoàng kim của 2 gã nhà giàu thành Milano giờ chỉ còn trong sách lịch sử bóng đá. Vài năm qua, người hâm mộ của Milan đã quen với việc chia tay những ngôi sao hàng đầu, thậm chí là biểu tượng của đội bóng, như Andriy Shevchenko, Ricardo Kaka, Ibrahimovic hay Thiago Silva hơn là đón những cái tên tầm cỡ. Tương tự, Inter giờ cũng phải tạm hài lòng với những cái tên đầy xa lạ như Ishak Belfodil hay Mauro Icardi. Trừ các fan của Serie A, có lẽ không nhiều người giờ có thể đọc được quá 5 cầu thủ đá chính của 2 gã nhà giàu một thời.

Thực trạng đen tối này xuất phát từ việc 2 đội bóng thành Milano phụ thuộc quá nhiều vào các ông chủ. Khi giàu có, họ có thể mua bất cứ ngôi sao nào mình muốn nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính ập xuống, ngân sách lập tức bị thắt chặt. Milan và Inter giờ chỉ là những đội bóng bậc trung và chỉ biết hồi tưởng về quá khứ huy hoàng hơn là mơ làm nên những cơn địa chấn như trước đây. Mùa trước, Milan xếp thứ 3, kém đội vô địch Juventus 15 điểm còn Inter thậm chí chỉ xếp thứ 9. Mùa này, Inter đã leo lên vị trí thứ 5 (vẫn kém Juventus 15 điểm).

Cái chết của mô hình tài phiệt

Thực ra, việc sống ký sinh vào hầu bao của các nhà tài phiệt không chỉ là câu chuyện của riêng Milan và Inter. Trái với người Đức, nơi 51% cổ phần của đội bóng thuộc về cộng đồng, nhiều câu lạc bộ tại Serie A gắn liền với các đại gia. Lazio là của nhà Cragnotti, Parma là của nhà Tanzi còn Roma thuộc về nhà Sensi. Cũng giống như Milan và Inter, thành tích của Lazio, Parma hay Roma thăng trầm dựa trên tình hình tài chính của các ông chủ.

Cách đây khoảng 15 năm, khi những gia đình nói trên hưng thịnh, Serie A là giải đấu số một hành tinh, là nơi hội tụ của mọi ngôi sao hàng đầu. Nhưng khi các đại gia sa sút, các CLB này lập tức chao đảo, phải bán đi những viên ngọc quý nhất, thậm chí bị xuống hạng như trường hợp của Parma. Để tìm lại quá khứ, các đại gia một thời phải bán mình cho những ông chủ ngoại quốc. Inter giờ là của người Indonesia còn Roma đã thuộc về ông chủ người Mỹ.

Nếu các ông chủ mới của Inter hay Roma chịu chi, có thể các đội bóng này sẽ lại nhanh chóng quay về với đỉnh cao. Nhưng sau đó sẽ là gì? Một Moratti yêu Inter vô điều kiện cũng có ngày chia tay đội bóng thân yêu thì liệu một tỷ phú từ Indonesia xa xôi có gắn bó lâu dài? Khi đã thấm đẫm nỗi đau của việc bị bóp nghẹt ống thở, liệu Inter hay Roma có còn vui với những thành công đầy mong manh này?

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X