Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Báo động lối sống buông thả ở cầu thủ

Chủ Nhật 16/09/2012 21:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cầu thủ thường đi chơi theo nhóm, có khi bao luôn cả quán cho được “tự do” và không ít người dính vào cá độ...

Sau mỗi vòng đấu, cầu thủ có thời gian nghỉ từ 1 đến 2 ngày tùy theo quy định của đội bóng. Nhiều đội bóng không cho phép cầu thủ rời khỏi đại bản doanh nhưng hầu hết các CLB vẫn dễ dãi để cầu thủ xin ra ngoài nếu có việc cá nhân cần giải quyết. Đó chính là khoảng thời gian mà những “chuyến bay đêm” bắt đầu.

Kịch bản “vượt ngục”.

Các cầu thủ có thói quen trốn đội ra ngoài “xả hơi” sau mỗi vòng đấu thường coi việc làm đó giống như một cuộc “vượt ngục”. Nhiều đội bóng rất đề cao kỷ luật, thậm chí cầu thủ muốn ra ngoài phải viết giấy xin phép có xác nhận của HLV, tuy nhiên nhiều cầu thủ vẫn có nhiều mánh lới để không bị đội bóng quản thúc.

XM the Vissai Ninh Bình (trái) được biết đến là môi trường phức tạp, khó quản lý cầu thủ
XM the Vissai Ninh Bình (trái) được biết đến là môi trường phức tạp, khó quản lý cầu thủ

Ông Nguyễn Thành Vinh, cựu HLV của CLB Hà Nội, cho biết: “Tôi cảm thấy lạ lùng vì có cầu thủ tuần nào cũng lấy lý do bố mẹ ốm, bạn bị tai nạn hay thậm chí là… nhà người yêu có giỗ để ra ngoài”. Ông Vinh thường “bắt bài” tất cả cầu thủ bởi kinh nghiệm từ thời làm HLV trưởng ở SLNA khi các cầu thủ còn nghĩ được trăm phương ngàn kế để được ra ngoài.

Nếu học trò ra ngoài gây chuyện thì chính HLV trưởng là người phải chịu trách nhiệm trước đội bóng và ông bầu nên không HLV nào muốn cho học trò nghỉ phép kiểu khả nghi như vậy. HLV Nguyễn Thành Vinh nói: “Cầu thủ nào nghỉ phép hôm trước, đêm không có mặt ở CLB thì ngay buổi tập hôm sau là biết ngay”.

Hiện nhiều đội bóng vẫn phải thực hiện chế độ điểm danh quân số để duy trì kỷ luật, tuy nhiên biện pháp này vẫn phải chào thua một số nhân vật chơi bời. “Sau giờ điểm danh (22 giờ) vẫn có những cầu thủ sẵn sàng lẻn ra ngoài. Tôi đã từng kỷ luật cầu thủ của mình vì tội này” - ông Vinh nói.

“Có tiền tội gì không chơi” (!)

Theo lời kể của quản lý một vũ trường thuộc loại lớn nhất ở Thanh Hóa, giới cầu thủ luôn là khách VIP của họ. Có những cầu thủ sẵn sàng chi vài chục triệu đồng cho một cuộc chơi. Nếu một nhóm cầu thủ muốn có một đêm “vui vẻ” tại vũ trường này, họ sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng để bao luôn cả quán.

Cầu thủ hiếm khi chơi một mình mà thường đi theo nhóm đông. Họ cũng sợ những ánh mắt dò xét của người lạ nên nếu đám bạn của một nhóm cầu thủ đủ đông để chơi tưng bừng thì họ thường bao trọn cả vũ trường. Ở Hà Nội, bãi đáp của cầu thủ thường là những nơi xa trung tâm TP, thậm chí khá bí mật. Các cầu thủ hiện tại đều có ô tô nên chuyện phải đi xa một chút chơi cho thoải mái không phải là vấn đề quá lớn.

Có những cầu thủ bỏ túi tới vài chục triệu đồng tiền thưởng sau một chiến thắng nên câu cửa miệng là: “Có tiền tội gì không chơi”. Chính người viết đã được chứng kiến một cầu thủ thuộc dạng “mẫu mực”, từng nhiều năm đeo băng đội trưởng của các CLB khác nhau, vung tiền trong quán bar để mừng “mùa giải kết thúc”.

Sau những đêm ngất ngây rượu ngoại, việc gì đến cũng phải đến. “Đương nhiên phải có bãi đáp thì mới chơi chứ không thì phí rượu” - một cầu thủ quả quyết. HLV Văn Sỹ của V.Ninh Bình kể: “Một trong những chuyện đau đầu nhất với V.Ninh Bình là quản lý cầu thủ”. Ở một TP mà nhiều người vẫn gọi là “Ninh Buồn”, các cầu thủ vẫn không thiếu trò vui. Việc trung vệ Như Thành từng khổ sở vì bị chủ nợ đến tận CLB đòi tiền do dính vào cá độ mới chỉ là một mảng trong cách sống buông thả của cầu thủ hiện nay.

Có tiền, có tiếng, đặc biệt lại dán mác cầu thủ nên các chân sút ở V-League đều thay người tình như thay áo. Nhiều cầu thủ có thói quen vui vẻ với các “chân dài” nên họ trở thành khách VIP của những đường dây gái gọi. Có lần vô tình trên cuộc nhậu, một cầu thủ khoe lúc nào cũng có trong danh bạ điện thoại hàng chục “má mì”, còn số
điện thoại của các “kiều nữ” thì không đếm hết.

(Theo Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X