Thứ Hai, 11/11/2024 Mới nhất
Zalo

Arsene Wenger muốn được nhìn ĐT Anh đứng trên bục vinh quang

Thứ Năm 10/06/2010 17:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Làm việc ở đảo quốc sương mù từ năm 1996 nên Wenger rất am hiểu bóng đá nước Anh cũng như ít nhiều có tình cảm với mảnh đất gần như là quê hương thứ 2 của ông. Trước thềm World Cup 2010, vị Giáo sư đáng kính đã viết một bài nhận định về giải đấu cho tờ The Sun, trong đó ông bày tỏ mong muốn được chứng kiến ĐT Anh chứ không phải ĐT quê hương ông (Pháp) giương cao chiếc cúp vàng VĐTG danh giá. Chúng tôi xin được gửi đến quý độc giả toàn bộ nội dung bài bình luận này của Arsene Wenger.

Không có điều gì đem lại cho tôi nhiều xúc cảm hơn là được nhìn thấy ĐT Anh vô địch World Cup mặc dù phải công nhận một cách thành thực, Tây Ban Nha là ứng cử viên sáng giá nhất. Xét thuần tuý về mặt chất lượng và sức mạnh đội hình, TBN là đội xuất sắc nhất tại Nam Phi. Tôi đã xem cái cách họ huỷ diệt Ba Lan tới 6-0. Dường như đó là ĐT đến từ một hành tinh khác. Nếu muốn đánh bại TBN, bạn cần phải tìm ra cách chọc thủng lưới họ ngay cả khi tỷ lệ kiểm soát bóng chỉ là 30%. Có nghĩa là, mỗi khi cầm được bóng, bạn phải tận dụng tối đa.

Anh cùng với Argentina và Hà Lan là những thách thức lớn nhất với TBN. Lý do tại sao tôi lại yêu mến ĐT Anh đến vậy trong kỳ WC này chính là viêc họ đang có niềm tin rất mãnh liệt và được sự ủng hộ đông đảo của người dân đảo quốc sương mù. Ở nước Anh, mọi người đều thất vọng đến phát khùng khi mà ĐT Anh thất bại ở các kỳ WC nhưng không vì thế họ mất niềm tin. Mỗi khi giải đấu này diễn ra, tất cả người dân đều lại cực kỳ tin tưởng vào khả năng đội nhà sẽ đăng quang. Chính thứ tình yêu mãnh liệt đó của người hâm mộ đã khiến tôi muốn được chứng kiến ĐT Anh vô địch World Cup. Tại London, mọi chiếc xe đi trên đường đều treo quốc kỳ của Anh trong khi tuần trước, tôi ở Paris (thủ đô nước Pháp) và chẳng thấy bóng dáng một lá cờ nào của Pháp. Điều đó đã nói lên tất cả.

Niềm tin của Wenger là có cơ sở?

Nếu tôi đi xem một trận đấu của ĐT Anh, tôi luôn phải vội vàng để không bị trễ giờ bởi tôi không muốn bỏ qua nghi thức hát quốc ca. Ở Anh, mọi khán giả có mặt trên sân đều tự hào cất lên lời ca của God Save The Queen (Quốc ca của Anh). Trong khi tại Pháp, tôi chẳng có gì phải vội vàng vì phải đến một nửa SVĐ chẳng thèm hát quốc ca trước mỗi trận đấu. Đó chính là điểm khác biệt cơ bản giữa 2 quốc gia. Người Anh rõ ràng rất yêu tổ quốc mình.

ĐT Pháp có thể là một thế lực ở kỳ WC này nhưng họ thiếu sự cổ vũ nhiệt thành từ CĐV khi toàn bộ đất nước đều cho rằng, ĐT không xứng đáng có mặt ở Nam Phi sau trận đấu đáng xấu hổ trước CH Ai Len. Họ sở hữu nhiều cầu thủ giỏi, biết cách chơi phản công nhưng họ lại không thi đấu thuyết phục trước những đội bóng lựa chọn cách đá phòng ngự. Ngoài ra, Pháp gặp phải một vấn đề khác liên quan đến Thierry Henry. Cậu ấy không còn giữ được vị trí trong đội hình chính thức và đã mất niềm tin vào chính mình. Vì thế vấn đề cần phải thuyết phục Henry rằng cậu ấy vẫn là một cầu thủ quan trọng của ĐT. Les Bleus không ghi được nhiều bàn và Henry có đủ đẳng cấp cũng như trình độ để thay đổi điều đó. Nhưng đầu tiên, ban huấn luyện cần phải giúp Henry hoà nhập lại với ĐT.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi Samir Nasri và Theo Walcott (hai học trò của Wenger ở Arsenal - PV) bị loại khỏi ĐTQG tham dự World Cup 2010. Họ đã phải rất khó khăn chấp nhận thực tế đau buồn này bởi họ đã tin rằng mình có đến 90% cơ hội được tới Nam Phi. Nhưng họ sẽ không thể là những cầu thủ lớn nếu không biết cách vượt qua những nỗi thất vọng gặp phải trong sự nghiệp. Tôi hy vọng cú sốc lần này sẽ giúp họ có thêm động lực để phấn đấu trong tương lai.

Điểm rất dễ nhận ra ở kỳ WC 2010 là tồn tại quá nhiều áp lực. Tôi có thể chỉ ra đến 10 quốc gia sẽ coi việc không đăng quang ở WC là nỗi thất vọng lớn lao. Nếu một ĐT không biết tự điều chỉnh lại mục tiêu thì sẽ phải luôn sống trong áp lực. Mà áp lực đa phần xuất phát từ lòng tự hào dân tộc quá cao. Ngay cả những chính trị gia cũng không tham gia vào bóng đá và đặt mục tiêu cho ĐTQG.

Dĩ nhiên, khi một ĐT không đáp ứng được sự trông đợi của cả dân tộc, HLV sẽ người bị "sờ gáy" đầu tiên. Ông ta sẽ chẳng thể có cách nào giảm bớt được áp lực mà nên tập trung tối đa vào công việc chuyên môn và đừng quan tâm đến hệ quả của việc giành chiến thắng hay gặp thất bại. Khi xuất hiện trên băng ghế bên ngoài đường piste, bạn không thể im lặng mãi. Đôi lúc, bạn cần phải trở thành một kịch sĩ tài năng, giấu đi cảm xúc thật trong lòng và không được biểu lộ ra ngoài. Công việc của bạn là làm cho các cầu thủ cảm thấy rằng họ muốn thành công chứ họ không bị bắt phải thành công. Nếu bạn không làm được, sự sáng tạo và thanh thoát trong đội hình sẽ không còn. Vì thế, tôi cảm thấy rất thú vị khi được chứng kiến Diego Maradona sẽ xoay sở ra sao với chức vụ HLV trưởng ĐT Argentina. 

Maradona có tên tuổi, có danh tiếng và dĩ nhiên muốn giành chức vô địch World Cup nhưng câu hỏi được đặt ra là ông ấy cỏ đủ kinh nghiệm để giữ được một cái đầu lạnh để luôn đưa ra được các quyết định đúng đắn. Bởi hầu hết các chiến lược gia hàng đầu ở World Cup đều trên 50 tuổi và có trên 20 năm kinh nghiệm trong khi Maradona chỉ là gương mặt còn "non choẹt" trong giới HLV. Tuy nhiên, ông ấy lại sở hữu trong tay thứ vũ khi đáng sợ: Lionel Messi. Cậu ta là một thiên tài nhưng phong độ của Messi sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào mặt sân.  Messi cần một thảm cỏ mềm, ướt để phát huy hết tố chất, để có thể dẫn bóng ở tốc độ cao nhất, chuyển hướng và không bao giờ mất bóng. Cũng vì lẽ đó mà Messi thường không giữ được phong độ đã thể hiện ở CLB Barcelona khi lên chơi ở ĐTQG bởi các sân ở khu vực Nam Mỹ thường cứng, làm hạn chế khá nhiều khả năng của Messi. Sân Nou Camp thì quá phù hợp với Messi khiến không ai có thể cản nổi. Hy vọng, mặt sân ở Nam Phi sẽ giúp Messi thể hiện hết phong độ. Song tôi không dám tin người hâm mộ sẽ được chứng kiến một giải đấu sôi động, đậm chất tấn công bởi kỳ vọng quá cao và nhiều đội luôn lo sợ thất bại.

  • Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Liệu Liverpool đã sẵn sàng để buông tay với Mohamed Salah?

Trong chưa đầy 2 tháng nữa, Mohamed Salah sẽ có quyền ký vào một thoả thuận trước hợp đồng với một đội bóng nước ngoài. Và giờ là lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Liệu Liverpool đã sẵn sàng để chia tay vị Vua Ai Cập của họ hay chưa?

Xem thêm
top-arrow
X