Thứ Ba, 24/12/2024 Mới nhất
Sài Gòn

Thống Nhất

Official Website: saigonfc.com

Sài Gòn

Sân vận động Thống Nhất - Sân nhà câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC

Sân vận động Thống Nhất là một sân vận động nằm ở số 138 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đang là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn và câu lạc bộ bóng đá TP. Hồ Chí Minh thuộc giải V-League.

Thông tin trong bài viết sử dụng tư liệu từ wikipedia.

1. Tổng quan 


Sân Thống Nhất

Tên đầy đủ

Sân vận động Thống Nhất

Tên cũ

Renault, Cộng Hòa

Vị trí

138 Đào Duy Từ, Phường 6, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Sức chứa

16.000

Xây dựng

Khởi công

1929

Khánh thành

1931

Sửa chữa

1967

Sử dụng

Sài Gòn

TP. HCM

Mancons Sài Gòn

Sài Gòn Xuân Thành (2010-2013)

Navibank Sài Gòn (2009-2012)

Nữ Việt Nam

Việt Nam

 

2. Lịch sử

2.1 Thời Pháp thuộc

Năm 1929, Ủy hội Thành phố (Commission municipale) của Thành phố Chợ Lớn (Ville de Cholon) đã quyết định cho khởi công xây dựng một sân vận động trên địa bàn thành phố. Năm 1931, sân vận động được hoàn thành và được gọi là sân Renault, theo tên của Philippe Oreste Renault, Tham biện hạng 1, Chủ tịch Ủy hội Thành phố Chợ Lớn kiêm Chủ tỉnh Chợ Lớn. Ban đầu, sân chỉ mới có khán đài chính, chưa có các khán đài phụ. Tất cả đều theo kiến trúc mới như các sân bên Pháp, mái che được đúc bằng xi măng cốt thép, có trên 20 bậc ngồi, từ dưới lên cao trông rất quy mô, đó là chưa kể những hàng ghế xếp riêng trong một khu vực đẹp dành cho quan chức. Sân được xem là một công trình thể thao đồ sộ, được coi như lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. 

Sân được khánh thành ngày 18 tháng 10 năm 1931 và được mở đầu bằng trận giao hữu giữa đội Cảnh sát Chợ Lớn và Ngôi sao Gia Định. Kết quả trận đấu, Cảnh sát Chợ Lớn thắng Ngôi sao Gia Định 1-0.
 
Kể từ khi được khánh thành, sân là nơi diễn ra nhiều trận thi đấu bóng đá giữa những đội bóng hàng đầu của Nam Kỳ và sau là Nam phần Việt Nam như các đội bóng người Việt Ngôi sao Gia Định, Hoa kiều Chợ Lớn, Cảnh sát Sài Gòn… hay các đội của người Pháp như Cercle Sportif Saigonnais, Stade Militaire hay Transitaire… 

2.2 Thời Việt Nam Cộng hòa

Năm 1959, sân được chỉnh trang, nâng cấp lớn lại theo tiêu chuẩn quốc tế thời bấy giờ. Khán đài chính được nới rộng thêm, các khán đài phụ cũng được bổ sung, nâng sức chứa của sân lên 16.000 người, trang bị giàn đèn chiếu sáng hiện đại. Công việc cải tạo nâng cấp mãi đến tháng 10 năm 1960 mới hoàn thành. Sân cũng được đổi tên thành Sân vận động Cộng Hòa. Theo nhiều tài liệu khi nhận, trong trận cầu đầu tiên sau khi sân mới được khánh thành, nữ nghệ sĩ Thanh Nga được mời đá quả bóng đầu tiên trước khi trận thi đấu giữa hai đội bóng đá Quan thuế của Tổng cục Quan thuế và AJS của Cảnh sát Quốc gia. Hình ảnh này sau đó được lan truyền trên các báo, được cho là góp phần làm tăng thêm danh tiếng cho nữ nghệ sĩ này. 

Năm 1967, sân một lần nữa được cải tạo và nâng cấp. Suốt thời gian từ 1955 đến 1975, đây là địa điểm thi đấu của các giải khu vực, châu lục, tiếp đón nhiều đội danh cầu nước ngoài đến để học tập và trao đổi kinh nghiệm. Sân cũng chứng kiến nhiều trận thi đấu lịch sử của nền bóng đá Việt Nam Cộng hòa như
  • Giải bóng đá vô địch Thiếu niên châu Á lần thứ 6 – 1964 (từ ngày 18 tháng 4 đến 28 tháng 4).
  • Trận thi đấu giành quyền vào vòng loại bóng đá trong kỳ Thế vận hội Mùa hè 1964 giữa Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa và Đội tuyển bóng đá quốc gia Do Thái. Kết quả chung cuộc Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa thắng với tỷ số 2-0 và giành quyền được vào thi đấu vòng loại.
  • Trận thi đấu vòng loại bóng đá trong kỳ Thế vận hội Mùa hè 1964 giữa Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa và Đội tuyển bóng đá quốc gia Nam Hàn trước 30.000 khán giả. Sau 2 trận thi đấu (28 tháng 6 và 30 tháng 6 năm 1964), kết quả chung cuộc Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam Cộng hòa thua với tỷ số 4-3 và bị loại.
  • Trận bóng đá đầu tiên của 2 đội bóng nữ Nam Phương và Nhị Trưng (3-0) vào ngày 23 tháng 6 năm 1974.
     
Năm 1966 sau khi đội tuyển Việt Nam Cộng hòa đoạt giải đá banh Merdeka ở Malaysia thì cúp vô địch bằng vàng được lưu trữ ở trụ sở Tổng cuộc Túc cầu trong sân vận động Cộng Hòa. Cúp này thất lạc sau khi sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 năm 1975, và cho đến ngày nay vẫn chưa xác định lưu lạc ở đâu.

2.3 Sau năm 1975

Sân vận động Thống Nhất - Sân nhà Sài Gòn FC, CLB TPHồ Chí Minh hình ảnh

Sân vận động Thống Nhất tại giải Tứ Hùng, 10/1/2014

Sau khi chính quyền lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kiểm soát hoàn toàn miền Nam, ngày 2 tháng 9 năm 1975, một trận thi đấu giao hữu giữa đội Hải Quan (với nòng cốt là các cầu thủ của đội Quan Thuế cũ) với đội Ngân hàng (với nòng cốt là các cầu thủ của đội Việt Nam Thương Tín cũ) được tổ chức tại đây với sự có mặt của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ. Trận đấu được tổ chức dưới bầu không khí nghi kỵ của người dân đối với chính quyền mới vì thành phần 2 đội bóng là các viên chức cũ của Việt Nam Cộng hòa, trong đó không ít người từng là quân nhân, cảnh sát cũ. Một số lời đồn đại sẽ có cuộc "tắm máu" tập thể tại đây. Tuy nhiên, trận đấu vẫn được tổ chức thành công với tỉ số 3-1 nghiêng về các viên chức Hải quan và cũng không có cuộc tắm máu nào xảy ra. Hành động này được đánh giá là một thủ thuật thành công của chính quyền mới nhằm thu phục nhân tâm. Sau trận đấu này, sân cũng được đổi sang tên mới là Sân vận động Thống Nhất và giữ tên gọi này cho đến tận ngày nay. 

Ngày 7 tháng 11 năm 1976, trận thi đấu giao hữu giữa Đội bóng đá Tổng cục Đường sắt và Đội bóng đá Cảng Sài Gòn được tổ chức tại đây. Đây là cuộc chạm trán đầu tiên giữa bóng đá hai miền sau ngày thống nhất đất nước. Kết quả trận đấu là 2-0 với phần thắng nghiêng về đội Tổng cục Đường sắt. 

Qua các mùa giải, kể từ khi Giải vô địch quốc gia Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên năm 1980 cho đến trước khi giải chuyên nghiệp được tổ chức, đây là sân nhà của các đội Cảng Sài Sòn, Hải Quan, Sở Công nghiệp, Công an TpHCM… Sau khi Giải Vô địch Quốc gia chuyên nghiệp đầu tiên được tổ chức, qua các mùa giải, sân được chọn là sân nhà của các đội chuyên nghiệp Cảng Sài Sòn (sau là Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn rồi Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh, Công an TpHCM (sau chuyển thành Ngân hàng Đông Á), Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn FC. 

3. Thiết kế và sử dụng 

Trước năm 2003, sân Thống Nhất là sân bóng đá lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam, được chọn làm Sân vận động Quốc gia (National Stadium). Thập niên 1990, sân một lần nữa được cải tạo, nâng cấp lên sức chứa 18.000 người, và bổ sung thêm công năng thi đấu thể thao đa năng. Mãi đến năm 2003, khi sân Mỹ Đình được xây dựng xong với sức chứa 40.000 người, vai trò Sân vận động Quốc gia của sân Thống Nhất mới kết thúc. 

Năm 2005, sân một lần nữa được sửa chữa lớn để chuẩn bị phục vụ cho Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ V năm 2006. Tuy nhiên, đợt sửa chữa lớn này đã gây ra nhiều tai tiếng khi chất lượng cải tạo quá tệ hại và thời gian thi công kéo dài, họ đã đập bỏ bớt các bậc ngồi của 2 khán đài C và D làm giảm chỗ ngồi từ 18.000 chỗ ngồi xuống còn 16.000 chỗ ngồi để làm sân điền kinh. Mãi đến cuối tháng 6 năm 2007, sân mới được báo cáo cải tạo xong tất cả các hạng mục với tổng kinh phí phát sinh lên đến 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, chất lượng hạ tầng kém của sân vẫn để lại nhiều tiếng xấu cho đến thời điển hiện tại.

Trong suốt các mùa giải bóng đá, sân luôn được chọn là sân nhà của từ 1 đến 2 đội bóng đang thi đấu tại Giải bóng đá vô địch quốc gia. Riêng liên tiếp trong 3 mùa giải 2013, 2014, 2015, không có đội bóng đang thi đấu ở Giải bóng đá vô địch quốc gia chọn sân Thống Nhất làm sân nhà. Mãi đến mùa giải V-League 2016, một đội bóng nhập khẩu từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh là Sài Gòn FC mới sử dụng sân Thống Nhất làm sân nhà. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh vốn thi đấu ở giải hạng nhất được thăng hạng và sẽ được thi đấu ở V-League 2017. Hiện tại ở V-League 2020 đang là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh và Sài Gòn FC.

top-arrow
X