Khổng lồ và tí hon
Tây Ban Nha và Italia từng vào chung kết EURO 2012. Tròn một năm trước, họ cũng nằm trong top 3 đội mạnh nhất Confederations Cup, giải đấu chuẩn bị cho World Cup 2014. Đây cũng là những đội bóng đăng quang hai kỳ World Cup gần nhất. Italia vô địch trên đất Đức năm 2006 và 4 năm sau, đến lượt Tây Ban Nha lần đầu tiên được lên đỉnh cao thế giới.
Tây Ban Nha trải qua một kỳ World Cup đáng quên |
Thế nên họ đều được đánh giá là những đối thủ mạnh. Đội quân của HLV Vicente Del Bosque được xem là một trong hai ứng viên sáng giá nhất cho ngôi quán quân, cùng với chủ nhà Brazil. Azzurri cũng được đánh giá có khả năng vào tứ kết, thậm chí bán kết.
Kết quả, Tây Ban Nha trở thành nhà vô địch đầu tiên bị loại ở kỳ World Cup tiếp theo chỉ sau 2 trận đấu. Italia cũng theo bước ra về, khi thua liên tiếp hai trận đấu mang tính quyết định, đặc biệt là cuộc chiến với đối thủ Uruguay. Những gã khổng lồ về mặt danh tiếng đã trở thành những kẻ tí hon trên đất Brazil.
"Nhóm bạn châu Âu" về nước sớm còn có sự hiện diện của Anh. Tam sư đứng chót bảng D, với chỉ 1 điểm nhờ trận hòa với Costa Rica đã hoàn thành mục tiêu sớm. Có thể không chung đẳng cấp với Tây Ban Nha và Italia, đồng thời đang trong cuộc trẻ hóa, nhưng Anh không phải đội bóng yếu. Đội bóng ấy lọt vào tứ kết EURO 2012.
Điều quan trọng hơn, trong lịch sử các kỳ World Cup mà mình tham dự, tính đến trước World Cup 2014, lần duy nhất Anh bị loại từ vòng bảng là Brazil 1950 (cũng lại Brazil). Người Anh có lý do để thất vọng khi đội nhà về nước sớm.
Vấn đề chung: bảo thủ và tiền đạo "lởm"
Có ít nhất hai điểm chung dẫn đến thất bại của ba đội bóng trên. Thứ nhất, các HLV quá bảo thủ. Thứ hai, những tiền đạo của họ đều quá tệ khi đứng trước khung thành đối phương. Vấn đề của Tây Ban Nha từng được nhắc đến sớm, khi Del Bosque không chấp nhận làm mới đội hình, hoặc làm mới một cách nửa vời. Del Bosque quá tin dùng mô hình Barca đã mất hiệu nghiệm trong vòng hai năm nay.
Trong hai trận đấu đầu tiên, khi Tây Ban Nha lần lượt thua Hà Lan và Chile, Del Bosque sử dụng 3 cầu thủ cho vị trí tiền đạo. Diego Costa sút 5 lần nhưng đều ra ngoài, trong khi Torres và Fabregas thậm chí không sút lần nào.
Về phía Italia, Prandelli đã quá ưu ái bộ khung Juventus, đội bóng mà hai mùa giải vừa qua khi ra sân chơi lớn đều dễ dàng gục ngã. Những con người ấy thiếu bản lĩnh và sự lạnh lùng ở thời điểm quyết định, mà sai lầm của Chiellini trong bàn thua trước Costa Rica, rồi thẻ đỏ của Marchisio là minh chứng.
Prandelli còn tin tưởng thái quá vào Balotelli, cầu thủ đã xuống phong độ cùng Milan mùa 2013-14. Chân sút trẻ Immobile không có chút kinh nghiệm, hay một Cassano đã già và hai năm không đá cho ĐTQG cũng được ưu ái. Rất nhiều tifosi đã nhớ Luca Toni, cầu thủ lớn tuổi nhưng thừa kinh nghiệm và khát khao.
Trong khi đó, Roy Hodgson làm mới mạnh mẽ tuyển Anh, nhưng ông đặt trọn niềm tin vào Steven Gerrard. Đội trưởng của Liverpool không có duyên với Tam sư và chính anh là nguyên nhân khiến đội nhà về nước sớm.
Xây dựng hàng công dựa trên Wayne Rooney là sai lầm khác của Hodgson. Ông cũng quá tin vào Sturridge mà không có dự bị xứng đáng. Sturridge đá tốt trận Italia, nhưng sau đó là phong độ nhạt nhòa và liên tục bỏ lỡ cơ hội ngon ăn. Về mặt danh tiếng, việc Tây Ban Nha, Anh rồi Italia lần lượt nắm tay nhau về nước là một bất ngờ. Nhưng bất ngờ ấy đều hợp lý, khi nhìn vào sự chuẩn bị và các mà họ thể hiện trong các trận vòng bảng.
Theo Vietnamnet