Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

"Tai họa" luôn chực chờ giáng xuống đầu những đội mua thủ quân Arsenal

Thứ Ba 12/08/2014 09:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Suốt 9 năm qua, "Pháo thủ" thành London luôn giữ thói quen bán thủ lĩnh đầu đàn. Tất nhiên, họ chẳng mấy vui vẻ gì với chuyện này nhưng thật kỳ lạ, khi nỗi đau khổ đó được kéo dài sang cả đối tác mua cầu thủ của họ khi toàn gặp chuyện trong mùa đầu tiên.

Đúng là ở đời, kể cả trong bóng đá, luồn tồn tại những quy luật, lời nguyền rất khó lý giải mà nếu kể ra sẽ khiến không ít người phải giật mình bởi nó đúng một cách kỳ lạ. Vậy thì, hãy thử điểm lại sang những cựu thủ quân Arsenal đã mang lại gì cho đội bóng mới trong mùa đầu tiên khoác áo.

Tiền vệ Patrick Vieira (Gia nhập Juventus năm 2005 và "Bà đầm già" bị đánh tụt hạng do scandal)

Huyền thoại người Pháp đã khởi đầu cho xu thế "đội trưởng dứt áo" ra đi ở Emiraates. Sau 9 năm gắn bó trong thời kỳ hoàng kim nhất của CLB dưới triều đại Arsene Wenger (đỉnh cao là chức vô địch Premier League 2003-2004 với thành tích bất bại), Vieira đã quyết định chia tay "Pháo thủ" ở tuổi 29 khi sự nghiệp chưa hẳn đã bước sang sườn dốc bên kia. Nhờ vậy, cựu tiền vệ này dễ dàng hoà nhập vào môi trường bóng đá mới tại Juventus, lúc ấy đang là ĐKVĐ Serie A (thực ra, trước khi gia nhập Arsenal, Vieira từng khoác áo AC Milan nhưng tài năng gần như bị chôn vùi và chỉ đúng 2 lần được ra sân ở đội 1). Không mất nhiều thời gian, Vieira trở thành chủ lực của tuyến giữa "Lão bà" thành Turin, góp công sức lớn vào chiến dịch bảo vệ thành công ngôi báu. Tuy nhiên, mùa hè 2006, vụ scandal bán độ lừng danh mang tên Calciopioli đã nổ ra và hệ quả, Juventus bị tước cả hai Scudetto liên tiếp giành được rồi bị đẩy xuống Serie B. Chưa dừng lại ở đó, làm gì có ngôi sao nào còn muốn ở lại "con tàu đắm" Juventus. Thế là, một loạt hảo thủ bao gồm cả .... Patrick Vieira đã kéo tay nhau ra đi trong sự bất lực của ban lãnh đạo đội bóng.

Đội trưởng Arsenal đến đâu, ở đó có biến cố
Đội trưởng Arsenal đến đâu, ở đó có biến cố

Thierry Henry (Gia nhập Barcelona năm 2007 và đội bóng lâm vào cảnh trắng tay)

Chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử Arsenal chính là người kế thừa băng thủ quân danh giá do người đồng hương Vieira để lại. Nhưng anh cũng chỉ có 2 năm cầm đầu dàn "Pháo thủ" và quyết định ra đi khi không thể cưỡng lại lời mời gọi từ Barcelona. Tuy nhiên, lúc đó, ở tuổi 30, Henry thực sự đã có dấu hiệu suy giảm phong độ và thể lực cũng không còn được như xưa. Chỉ có thuyền trưởng đương nhiệm của Barca thời điểm ấy, Frank Rijkaard vẫn tin vào sự "hồi xuân" mạnh mẽ của Henry ở Nou Camp, qua đó hình thành ra hàng công siêu đẳng với Ronaldinho, Eto'o, Messi và Henry. Song thật đáng buồn, sự hiện diện của danh thủ người Pháp lại đặt dấu chấm hết cho triều đại Rijkaard ở Barca. Tuy chơi không quá tệ (19 bàn trên mọi đấu trường) nhưng nếu so với bản thân Henry thì đó vẫn là sự thụt lùi lớn (lưu ý, ở thời đỉnh cao, trong 5 mùa liên tiếp, Henry đều vượt mốc 30 bàn tại Arsenal) còn Barca không có nổi một danh hiệu nào, thậm chí chỉ đứng thứ 3 La Liga (sau đại kình địch Real Madrid và Villarreal). Thật kỳ lạ khi ở mùa giải kế tiếp dưới sự trị vì của Guardiola, Henry đã cải thiện được phong độ đáng kể (26 bàn) trong khi Blaugrana chạm tới đỉnh cao muôn trượng: cú ăn ba huyền thoại (VĐQG, cúp QG và Champions League) dù rằng công sức đóng góp của Henry trong đó có phần hạn chế. Song rõ ràng, lời nguyền có vẻ chỉ ứng nghiệm trong một mùa đầu tiên.

Cesc Fabregas (Gia nhập Barcelona năm 2011 và đội bóng không còn duy trì được sự thống trị)

Sau khi Henry ra đi, Fabregas nghiễm nhiên trở thành biểu tượng mới của Arsenal nhưng phải khoảng 1 năm sau (2008), F4 mới chính thức được nhận băng thủ quân. Dù đã vươn lên tầm cỡ tiền vệ trung tâm hàng đầu châu Âu và luôn là đầu tàu kéo cả đội song tiền vệ người TBN không thể cảm thấy hài lòng bởi đơn giản, đội bóng không thể giúp anh có được những danh hiệu cấp CLB sau khi đã từng đoạt chức vô địch Euro rồi VĐTG cùng ĐTQG Tây Ban Nha. Thế là năm 2011, mặc cho mọi nỗ lực níu kéo của đội bóng, Fabregas vẫn nhất quyết trở về chốn xưa Barcelona, nơi anh từng có những năm tháng niên thiếu rèn luyện ở lò La Masia dang tiếng. Khi ấy, dưới sự dẫn dắt của Josep Guardiola đại đế, Barca đang "hùng bá thiên hạ" ở cả TBN lẫn lục địa già với 3 chức vô địch La Liga liên tiếp và 2 chiếc cúp Champions League bằng một đội hình cực khủng. thuộc vào diện xuất sắc bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Do đó, sự có mặt của "vì sao đương đại" Fabregas được mô tả sẽ chắp thêm cánh cho Barca chinh phục nhiều đỉnh cao chói lọi khác tuy nhiên, rốt cục, anh lại mang đến vận đen cho đội bóng. Vẫn lực lượng như thế và chưa đến mức hết thời nhưng cuối cùng, Barca chỉ có nổi duy nhất chiếc cúp Nhà vua cùng 2 danh hiệu nhỏ hơn (Siêu cúp châu Âu và chức vô địch giải VĐTG dành cho các CLB) trong khi đánh mất La Liga vào tay đại kình địch Real Madrid và bị Chelsea loại khỏi bán kết Champions League. Dù rằng đội bóng nào rồi cũng sẽ đến lúc bị thoái trào nhưng hoàn toàn có lý do để người ta tin vào quy luật đáng sợ liên quan đến các thủ quân Arsenal. Đáng nói hơn, phong độ của Fabregas trong năm đầu tiên tại Barca lại không tồi chút nào (15 bàn, 20 đường chuyền kiến tạo) chứ chẳng phải vì anh chơi kém mà ảnh hưởng đến Barca. Giống như tiền bối Henry trước đó, ngay mùa thứ hai, khi Tito Vilanova lên thay Guardiola, Fabregas được giải toả cơn khát danh hiệu bằng chiếc cúp vô địch La Liga.

Robin van Persie (Gia nhập Man Utd năm 2012 và HLV huyền thoại Ferguson về hưu)

Thực ra, vô cùng khiên cưỡng nếu gán ghép sự kiện Sir Alex vĩ đại giải nghệ với sự có mặt của Percy bởi đơn giản, kế hoạch này đã được nhà cầm quân người Scotland nung nấu từ lâu và chỉ chờ dịp để công bố. Thêm vào đó, năm đầu tiên của "cỗ máy săn bàn" người Hà Lan lại vô cùng chói lọi khi anh toả sáng rực rỡ, giúp Man Utd băng băng về đích ở Premier League và lần thứ 20 đoạt chức VĐQG còn bản thân Van Persie bảo vệ được danh hiệu "Vua phá lưới giải đấu". Như vậy, Van Persie hiển nhiên đâu mang lại vận rủi cho đội bóng trong mùa đầu tiên như các thủ quân khác. Tuy nhiên, với những sự trùng hợp ngẫu nhiên trước đó thì vẫn buộc phải nhắc đến Van Persie. Ngoài ra, còn một nguyên do thuyết phục khác để giải thích vì sao lời nguyền được nối dài: cựu đội trưởng Arsenal đi đến đâu thì y như rằng triều đại của một HLV sẽ chấm dứt.

Vậy thì có lời cảnh báo nào cho Barcelona sau khi lại giang tay đón một "Pháo đầu đàn" nữa? Cũng may, mùa trước, họ lâm vào cảnh trắng tay nên kể cả có không danh hiệu một mùa nữa thì cũng chẳng thể viện cớ Vermaelen đã "ám quẻ" đội bóng. Người lo lắng nhất có lẽ là HLV Luis Enrique vì nếu nhìn lại quá khứ thì chưa biết chừng thương vụ này sẽ làm triều đại của ông ở Barca kết thúc một cách ngắn ngủi.

Thiên Bình

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X