Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

Sơ đồ 4-2-3-1 sụp đổ như thế nào ở EURO 2012?

Thứ Ba 03/07/2012 21:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Càng vào sâu ở EURO 2012 thì sự phổ biến của “mốt” 4-2-3-1 càng phai nhạt, rồi đến trận đấu quyết định thì chẳng ai chơi theo cái sơ đồ phổ biến ấy nữa...

Sơ đồ 4-2-3-1 là cách xếp quân phổ biến nhất trên sân cỏ quốc tế trong suốt những năm gần đây. Ở thời điểm EURO 2012 khai cuộc, người ta nhận ra ít nhất phân nửa số đội tại giải xuất phát với đội hình này. Thế nhưng, ngay từ vòng bảng đã có những đội thuộc “phe” 4-2-3-1 thất bại, thậm chí là thất bại thảm hại. Càng vào sâu thì sự phổ biến của “mốt” 4-2-3-1 càng phai nhạt, rồi đến trận đấu quyết định thì chẳng ai chơi theo cái sơ đồ phổ biến ấy nữa.

Sơ đồ 4-2-3-1 sụp đổ như thế nào ở EURO 2012
Sơ đồ 4-2-3-1 sụp đổ như thế nào ở EURO 2012

Hà Lan, với dàn ngôi sao tấn công nổi tiếng thế giới, lầm lũi ra về với kỷ lục không muốn có: lần đầu tiên thua cả 3 trận vòng bảng ở một giải lớn. Ngay trước đó là thất bại khá bất ngờ của Nga – đội bóng nổi đình nổi đám từ trận ra quân với chiến thắng áp đảo 4-1 trước Czech. Nga và Hà Lan đều là những đội tiêu biểu nhất trong trường phái 4-2-3-1. Họ tuân thủ triệt để cách chơi này không chỉ về mặt sơ đồ mà cả về tinh thần nữa (hàng công trông cậy và khả năng vừa xuyên phá vừa ghi bàn của các cầu thủ đá cánh). Cũng chẳng lạ, khi HLV Dick Advocaat của đội tuyển Nga là người Hà Lan. Một gương mặt nữa tiêu biểu cho thất bại của sơ đồ 4-2-3-1 là đội tuyển Pháp.

Vào đến bán kết thì Đức là đội duy nhất chơi theo sơ đồ 4-2-3-1, và đấy cũng là đội gây thất vọng nhất trong số 4 đội cuối cùng. BĐN tuy cũng dừng chân ở vòng bán kết như Đức, nhưng lại ra đi trong thế ngẩng cao đầu, để lại cảm giác nuối tiếc chứ không bị ai chỉ trích. BĐN luôn chơi 4-3-3 với đội hình chính gần như không đổi trong suốt giải (trừ phi có cầu thủ vắng mặt một cách bất khả kháng). TBN thì thay đổi đội hình một cách linh hoạt, lúc có tiền đạo mũi nhọn Fernando Torres, lúc lại không có. Nhưng ấn tượng đáng nhớ nhất về TBN tại EURO này chắc chắn là cách chơi không cần tiền đạo, theo sơ đồ 4-3-3-0. Đội bóng của HLV Vicente Del Bosque khởi đầu chiến dịch bảo vệ vương miện như thế, và cũng xếp quân như thế ở thời điểm bóng lăn trong trận chung kết.

Trong số 4 đội cuối cùng, Italia cũng đáng gọi là thành công ngoài mong đợi (dù thua đến 0-4 trong trận cuối cùng). Đoàn quân màu Thiên thanh khởi đầu chiến dịch EURO bằng cách chơi 3-5-2 cổ điển, sau đó chuyển dần sang 4-4-2 với các tiền vệ hình thoi và đứng rất gần nhau. Tóm lại, Azzurri cũng “chê” 4-2-3-1.

Như đã nêu trong trường hợp của Hà Lan hoặc Nga, vấn đề của cách chơi 4-2-3-1 không chỉ nằm ở việc xếp đội hình, mà còn ở tinh thần nữa. Đá kiểu ấy thì phải trông cậy rất nhiều vào 2 tiền vệ cánh. Thế nên, khi nhìn vào thành công của Italia thì đội này cũng không chỉ đơn giản là ngó lơ đội hình 4-2-3-1. Khi bố trí 4 tiền vệ co cụm thành một hình thoi nhỏ xíu ở khu giữa sân, thì điểm mấu chốt trong cách chơi của Italia là họ cũng coi như không cần dùng tiền vệ cánh. TBN chơi ở khu giữa là chính, dù phải nói thêm rằng đội bóng này quá thành công tại EURO 2012, đến nỗi thực ra thì họ muốn chơi kiểu gì cũng được!

Đội Anh đá 4-4-2 “cổ điển”, giống Croatia và Ukraine. Chẳng ai xem các đội này là ứng cử viên vô địch. Thế nên, việc Anh chia tay EURO với thành tích không thua trận nào, chỉ nhường vé vào bán kết cho Italia sau loạt “xổ số” luân lưu, kể như cũng đạt. Ukraine cũng để lại chút ấn tượng với các bàn thắng đẹp như mơ của Andriy Shevchenko trong trận ra quân. Còn Croatia, nếu có thêm chút may mắn, thì rất có thể chính họ đã loại TBN hoặc Italia ra khỏi cuộc chơi ngay sau vòng bảng.

(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X