(Bongda24h) - Xét về tuổi đời, Guardiola kém Di Matteo 1 tuổi nhưng nếu tính về bề dày kinh nghiệm làm HLV thì hiển nhiên, Di Matteo chỉ đáng bậc đàn em của Pep. Đó là còn chưa kể vô số chiến tích của Guardiola đạt được trong khi profile của nhà cầm quân người Italia gần như trống trơn. Ấy thế mà, thất bất ngờ và cũng hơi khó tin, trong cuộc đấu trí tại bán kết Champions League, Di Matteo đã chiến thắng một cách thuyết phục. Thành công của Di Matteo liệu có phải hoàn toàn do may mắn, cơ duyên hay đích thực, ông là một HLV đại tài.
Giờ đây, chắc chắn Roberto Di Matteo đã được bổ sung vào danh sách "thù vặt" của Guardiola mà vốn từ ngày khởi nghiệp HLV đến giờ, mới chỉ xuất hiện duy nhất một cái tên: Jose Mourinho. Nếu như cái chuyện "Người đặc biệt" đả bại được Pep xét cho cùng chẳng có gì quá ngạc nhiên bởi nói gì thì nói, Mourinho vẫn nằm trong số những HLV tài năng bậc nhất thế giới hiện nay thì việc Di Matteo buộc Pep phải ôm hận thực sự gây chấn động làng túc cầu. Đừng quên, cho đến giờ, Di Matteo vẫn chỉ là "kẻ đóng thế" tại The Blues mà thôi và ông mới chỉ có vài tháng được tiếp xúc với thứ bóng đá đỉnh cao nhất (trước đó, Di Matteo chỉ dẫn dắt West Brom, một CLB trung bình yếu của Premier League) và lần đầu được góp mặt ở Champions League. Có thể nhà cầm quân này đã được thần may mắn phù hộ cộng thêm trạng thái tâm lý thoải mái (thắng hay thua như nhau cả) nên mới đạt được công trạng vẻ vang như thế nhưng nếu gạt bỏ đi hai yếu tố này thì cần phải thừa nhận,ông đã đặt đấu ấn không nhỏ của mình lên Chelsea.
Di Matteo tung "đòn gió" trước trận đấu: Cậu yên tâm, tớ làm HLV Chelsea cho vui thôi ấy mà! Thế nhưng, "vui" được như Di Matteo kể cũng hiếm
Roberto Di Matteo: Tài năng tiềm ẩn dưới vẻ ngoài khắc khổ
Nhìn dung nhan của Di Matteo, hẳn nhiều người không nghĩ rằng ông thuộc thế hệ 7x, được coi là khá trẻ trong giới HLV. Khi Di Matteo được bổ nhiệm vào chiếc ghế thuyền trưởng thay cho Andre Villas-Boas, tất cả đều hoài nghi và không dám kỳ vọng quá nhiều vào ông. Bản thân Di Matteo lúc nào cũng giữ được sự khiêm tốn và chỉ dám tuyên bố: Sẽ làm hết sức mình chứ không đặt ra một mục tiêu cụ thể nào. Song dần dần, chiến lược gia này đã làm hồi sinh Chelsea và đội bóng thành London phần nào lấy lại được sự đáng sợ của mình. Ban đầu, nhiều chuyên gia cho rằng những gì Chelsea phiên bản Di Matteo làm được chủ yếu do đám cầu thủ trụ cột chịu đá, chịu bung sức hơn chứ không chống đối như khi Villas-Boas còn tại vị và dấu ấn của Di Matteo còn khá nhỏ bé, cùng lắm chỉ là mấy trò "khích tướng". Thế nhưng, vào lúc này, khi Chelsea đã đường hoàng có mặt ở chung kết Champions League qua hai trận bán kết khó quên với Barcelona, tài năng của Di Matteo đã bắt đầu được công nhận một cách rộng rãi.
Này nhé, nếu Di Matteo không giỏi thì tại sao lại có thể sắp xếp một đấu pháp phòng ngự tuyệt vời đến thế, được phát triển từ nguyên lý Catenaccio (phòng ngự đổ bê-tông) do quê hương Italia của ông sản sinh ra. Đúng là, Di Matteo chỉ thuộc diện "học mót và sáng tạo thêm" nhưng hãy nhớ, một người giỏi không nhất thiết phải tự mày mò nghĩ ra một cái gì hoàn toàn mới mà hoàn toàn có thể là một người "tự tin bước trên đôi chân của những người khổng lồ để bước xa hơn, nhanh hơn". Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng, hồi còn dẫn dắt Inter Milan, chính Jose Mourinho cũng đã phải "nhờ cậy" Catenaccio thì mới đánh bại được Barcelona nên Di Matteo có gì phải hổ thẹn khi "bắt chước". Đáng nói hơn, trong trận lượt về vào đêm qua, ngay cả khi Chelsea mất nguyên cặp trung vệ xịn và chỉ còn 10 người trên sân, hệ thống phòng ngự của The Blues không hề rơi vào cảnh rối loạn mà vẫn giữ được kỷ luật, tập trung cao độ cho đến tận những giây cuối cùng. Mọi cầu thủ đều tuân thủ tối đa chiến thuật, sự chỉ đạo của HLV trưởng và hầu như không mắc phải bất cứ một sai sót nào nghiêm trọng ở các động tác xử lý bóng, ngăn cản đối phương. Thử hỏi, làm được như thế đâu có đơn giản và nếu không "cao tay", đố Di Matteo chỉ huy thành công một lực lượng gồm nhiều gương mặt cao tuổi với lòng kiêu hãnh (ương bướng) đầy mình. Hãy nhìn Didier Drogba vui vẻ lăn xả trong vai trò ... hậu vệ cánh, đủ để thấy họ đã chịu nghe Di Matteo đến mức nào. Còn nếu ai đó bảo rằng: thắng Barca bằng lối chơi xấu xí, quá thực dụng thì có gì đáng khen thì dường như họ chẳng hiểu gì hoặc quá ngây thơ. Trong bóng đá, kết quả cuối cùng mới là quan trọng nhất và thứ phòng ngự đỉnh cao mà Chelsea thể hiện há chẳng phải nghệ thuật. Thêm nữa, chỉ có kẻ dại mới chọn phương án đôi công với Barca, trừ phi không thích thắng. Mới cả, đến Mourinho vĩ đại còn phải "thực dụng đến tận cùng" khi gặp Blaugrana thì một Di Matteo "nhỏ bé" tội gì không làm theo, đặc biệt thực tiễn đã chứng minh, đây là giải pháp đánh bại Barca phiên bản Guardiola hữu hiệu nhất.
Bên cạnh đó, mọi quyết định thay người, điều chỉnh nhân sự của Di Matteo đều rất kịp thời và quá chính xác. Lúc Fernando Torres vào sân thế chỗ của Drogba, một số người đã thầm nhủ "Sao dại thế" song rốt cục, El Nino chính là người đã kết liễu số phận của Barcelona. Trong bối cảnh bức tường phòng thủ của Chelsea tỏ ra quá vững chãi, Di Matteo đã nghĩ ngay đến chuyện phải tung ra đòn đánh trả thích đáng nên nhất thiết cần phải tung vào sân một tiền đạo nhanh, giỏi phản công, sung mãn thế lực và ông đã quá sáng suốt khi đặt niềm tin vào Torres.
Từng đó dữ kiện hẳn đã đủ để chứng minh Di Matteo không còn đơn thuần là một "diễn viên đóng thế" siêu đẳng mà giờ, ông đã đủ phẩm chất để đường hoàng sắm vai chính. Chủ tịch Roman Abramovich cần gì "mất công sức, tồn tiền của" đưa về Stamford Bridge một người đủ sức khoả lấp hoàn toàn hình ảnh của Jose Mourinho xưa kia khi mà trong tay ông đang sở hữu một "Mourinho đệ nhị" thứ thiệt
Bảo Phương