Trường hợp của Robin van Persie một lần nữa cho thấy một khuynh hướng đã dần trở thành tất yếu: lòng trung thành trong bóng đá phải nhường chỗ cho những tham vọng cá nhân.
Giống như rất nhiều câu chuyện chuyển nhượng nhùng nhằng gần như mỗi mùa hè trong vài năm trở lại đây, tối hậu thư của Van Persie đã được đưa ra ngày thứ Bảy và Arsenal, dù hết sức miễn cưỡng, phải ra một tuyên bố công khai khẳng định đội trưởng của họ, sẽ không đi cùng đội cho chuyến du đấu đầu mùa tới châu Á. Lý do chính thức là vì tình trạng thể lực của anh không sẵn sàng, nhưng nguyên nhân thật sự thì ai cũng hiểu.
Tình trạng thể lực đúng là một vấn đề từng đeo bám Van Persie ở Emirates, nhưng mùa trước chắc chắn là một ngoại lệ khi chân sút 29 tuổi này ra sân trong mọi trận ở Premier League, ghi 30 bàn, thành tích tốt nhất của anh kể từ khi tới Arsenal vào tháng 5/2004. Thực ra, những gì Van Persie làm được không phải lúc nào cũng ấn tượng như thế. Tính trung bình trong 8 mùa giải ở Emirates, chân sút người Hà Lan chỉ có 12 bàn mỗi mùa, thuộc vào loại tiền đạo tầm tầm ở Premier League. Tuy nhiên, ngay cả với bản lý lịch công việc không thật sự ấn tượng đó, kèm theo tiền sử chấn thương dài dằng dặc và tuổi tác không còn hứa hẹn, chỉ với một mùa tỏa sáng là Van Persie đã có thể ra đủ mọi điều kiện, không chỉ với Arsenal, mà với cả những CLB đang theo đuổi anh.
Mọi việc tiền đạo người Hà Lan làm đều chống lại CLB mà anh đã gắn bó gần như trong suốt giai đoạn đẹp nhất sự nghiệp. Đòi ra đi, công khai tuyên bố Arsenal không có tham vọng, và gián tiếp chỉ trích chính sách của HLV Arsene Wenger, trong khi trên thực tế mùa hè này, đội bóng áo đỏ trắng đã có những sự tăng cường đáng kể trên hàng công với tổng cộng 22 triệu bảng cho Lukas Podolski và Olivier Giroud.
Cũng chính Van Persie, trên trang web cá nhân của anh vào đầu tháng, tự giảm mức phí chuyển nhượng xuống đáng kể để thu hút những kẻ theo đuổi như Man City, M.U và Juventus, trong bối cảnh anh biết rõ rằng Arsenal đang cần phải thu về một khoản tiền đáng kể. Tóm lại, không một chút lòng trung thành nào được thể hiện với đội bóng và HLV mà anh đã gắn bó trong 8 năm trời, đã có những giai đoạn chờ đợi, tưởng như là mỏi mòn, cho tới khi Van Persie có thể tỏa sáng.
Chỉ là một ví dụ
Vào những năm mà van Persie bị chấn thương gần cả mùa, dù còn trẻ tuổi, anh tỏ ra hài lòng với tham vọng và sự đầu tư ở Arsenal. Anh không lên tiếng đòi đi và cũng không chỉ trích ai. Nhưng ngay khi tìm thấy phong độ đỉnh cao của mình, tiền đạo người Hà Lan đã đổi ý. Trong một tuần lễ mà Ledley King, một hậu vệ từng được coi là giỏi nhất nước Anh và biểu tượng ở Tottenham, tuyên bố treo giầy vì chấn thương đầu gối dai dẳng, thật buồn khi thấy rằng ở Premier League vẫn còn một hàng dài những người coi thường các giá trị truyền thống như Van Persie.
Chân sút người Hà Lan chỉ là một ví dụ về khuynh hướng đang ngày càng áp đảo trong thế giới bóng đá. Carlos Tevez năm ngoái đã cho thấy sự vô kỷ luật và ích kỷ của một cầu thủ có thể lên đến đỉnh điểm ra sao khi gần như xổ toẹt vào mọi cam kết với đội bóng đã trả cho anh mức lương cầu thủ gần như cao nhất hành tinh. Wayne Rooney cũng từng công khai đòi rời Old Trafford vào tháng 10/2010 và chỉ dịu lại khi nhận mức lương tăng khổng lồ 2 ngày sau đó. HLV Alex Ferguson giải thích rằng Rooney đã bị người đại diện Paul Stretford xui dại, nhưng điều đó rất khó tin vì Rooney khi đó đã 24 tuổi và chơi bóng đỉnh cao được hơn 8 năm.
Luật Bosman về việc cầu thủ được quyền chuyển nhượng tự do sau khi kết thúc hợp đồng đã đẩy nhiều đội bóng vào thế phải nắm ở đằng lưỡi trong cuộc thương lượng mà các cầu thủ là người nắm cán dao. Tình hình thêm bi đát cho những CLB không đủ sức mạnh tài chính khi những đòi hỏi và tham vọng của một cá nhân là vô hạn, còn nguồn lực của đội bóng lại là giới hạn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)