Thứ Năm, 26/12/2024 Mới nhất
Zalo

"Hiệu ứng" của World Cup tới TTCN: Giá trị ảo

Thứ Tư 16/07/2014 16:54(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhìn dưới góc độ kinh doanh, thì những giải đấu quốc tế lớn như World Cup hay Euro vẫn luôn được xem là "hội chợ" để các đội bóng tìm kiếm nhân tài phù hợp với mình và các cầu thủ cũng được dịp phô diễn tài năng nhằm mong "đổi đời" chỉ sau khoảng thời gian ngắn ngủi. Song cần lưu ý một chi tiết rằng, đa phần những gương mặt tham dự đều ít nhiều có tên tuổi trong làng túc cầu giáo nên việc họ thi đấu ra sao tại các giải này chưa chắc đã phản ánh thật sự chính xác tài năng, đẳng cấp, trình độ thật sự của họ.

Trong khoảng thời gian World Cup 2014 đang diễn ra, đã có không ít vụ chuyển nhượng đình đám được hoàn tất về mặt giấy tờ và chỉ còn chờ thời điểm thích hợp để công bố. Nói một cách khác, không ít đội bóng đã đưa ra quyết định mua bán mà chẳng quá phụ thuộc vào diễn biến cụ thể của giải đấu bởi ai cũng hiểu theo logic thông thường, cầu thủ nào chơi hay đương nhiên giá trị sẽ tăng và ngược lại. Có thể kể ra những thương vụ đình đám như Diego Costa, Cesc Fabregas (sang Chelsea), David Luiz (sang PSG), Alexis Sanchez (sang Argenal) hay Luke Shaw (sang Man Utd).

Diego Costa:
Diego Costa: "Lởm" ở World Cup nhưng dư sức toả sáng ở Chelsea

Chắc chắn đánh giá qua những bản hợp đồng "bom tấn" này, kiểu gì cũng có người thốt lên rằng: Chelsea quá dại dội khi bỏ ra cả đống tiền mang về một chân sút thể hiện quá tệ trong màu áo ĐTQG Tây Ban Nha tại World Cup 2014 và quá sáng suốt khi tống khứ đi một "cục nợ" như David Luiz, hậu vệ chơi cực tệ trong màu áo Brazil ở hai trận cuối, cho "gã nhà giàu" thành Paris. Song "phán" sớm như thế liệu có quá hồ đồ. Đầu tiên hãy xét đến trường hợp của Diego Costa. Rõ ràng, tài ghi bàn của tiền đạo gốc Brazil đã được khẳng định ở mùa vừa rồi khi chỉ chịu thua kém duy nhất đương kim "Quả bóng vàng FIFA" Cristiano Ronaldo ở La Liga (27 bàn so với 31). Việc Costa mờ nhạt ở La Furia Roja không hoàn toàn do lỗi của anh vì mấy lý do: 1) Costa mới thi đấu ở ĐT Tây Ban Nha chưa được bao lâu (tính cả World Cup, Costa mới vẻn vẹn ... 4 lần thi đấu khoác áo ĐTQG) nên làm sao kịp bắt nhịp với nhiều đồng đội vốn đã gắn bó bên nhau nhiều năm. 2) TBN luôn trung thành với phong cách tiqui-taka mà đây đâu phải là lối đá sở trường của CLB Atletico Madrid nên càng khó cho Costa trong chuyện hoà nhập. Không khó để nhận ra, Costa khá lạc lõng trong đội hình xây dựng từ bộ khung Barcelona, vốn luôn được xem là nền tảng của ĐTQG Tây Ban Nha trong triều đại thống trị 2008-2014. Ngoài ra, không chỉ Costa mà cả những đồng đội của anh ở Atletico như Juanfran, Koke cũng đâu để lại được dấu ấn gì đặc biệt, càng chứng tỏ thực tế rằng TBN dường như chỉ phù hợp với những cầu thủ mang gốc gác Barcelona mà thôi.

Vậy thì 32 triệu bảng mà Mourinho bỏ ra cho Costa xem ra vẫn rất xứng đáng với giá trị thực của cầu thủ này, mục tiêu mà ông đã theo dõi, quan sát từ rất lâu rồi mới đưa ra quyết định. Thêm vào đó, đừng quên Chelsea phiên bản Mourinho đương nhiên sẽ mãi trung thành với triết lý thực dụng, thiên về phòng ngự - phản công, đề cao tính hiệu quả nên xét về mặt lý thuyết thì Costa rõ ràng vô cùng phù hợp, dễ dàng thích ứng nhanh và chẳng cần phải thay đổi gì trong cách chơi. Tiếp đó đến trường hợp của David Luiz. Đúng là "chiến binh tóc xù" có phần hơi ham hố dâng lên tấn công nhưng không thể nói, kỹ năng phòng ngự của Luiz chỉ ở mức trung bình yếu, qua hai trận bán kết và chung kết World Cup. Màn trình diễn thảm hoạ của Luiz, đặc biệt ở thất bại lịch sử 1-7 trước người Đức có vai trò không nhỏ từ cách chỉ đạo, ý đồ chiến thuật của HLV Scolari khi tự đặt Brazil ngang hàng với người Đức mà không chịu nhận cửa dưới để có cách tiếp cận chặt chẽ, chắc chắn hơn thay vì chỉ đạo các học trò ào lên chơi đôi công với Mannschaft. Nếu Scolari ngay từ đầu chọn lối đá thực dụng thì tin chắc, David Luiz chẳng bao giờ dám thi đấu như một tiền vệ. Danh tiếng của Luiz đã được thể hiện từ hồi còn khoác áo Benfica, tất nhiên không phải vì tài săn bàn (Luiz chỉ có đúng 6 bàn qua 5 mùa chơi bóng tại BĐN, một con số khá khiêm tốn) và được Chelsea đưa về vào năm 2011 sau cuộc tranh giành quyết liệt. Chuyện Luiz không được lòng Jose Mourinho chủ yếu do quan điểm của Mou về một hậu vệ (chỉ cần phòng thủ chắc là được và không nhất thiết phải biết tham gia tấn công) chứ không hẳn Luiz "kém tắm".

Có thể PSG quá chơi trội khi dám bỏ ra đến 50 triệu bảng cho Luiz, qua đó biến anh chàng này thành hậu vệ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá thế giới nhưng cần nhớ, PSG với tiềm lực tài chính hùng hậu, lại vẫn đang trong thời kỳ đầu tư nên không bao giờ lăn tăn về chuyện tiền bạc khi mua cẩu thủ. Chính suy nghĩ đó làm cho PSG dễ dàng bị ép giá, giống như câu chuyện của Man City (đố tìm ra cầu thủ nào mà hai đại gia này mua về những năm qua có giá trị thực cao hơn khoản tiền phải chi ra). PSG cũng chẳng "ngu" rước David Luiz về nếu như hiện giờ, họ không sở hữu Thiago Silva, đối tác thân thiết của Luiz ở ĐTQG Brazil (với 50 triệu bảng thì PSG thích mua hậu vệ nào trên thế giới chẳng được). Có Thiago Silva chơi bên cạnh, Luiz sẽ "như cá gặp nước" và chắc gì đã trở thành thảm hoạ mà phàm một cầu thủ chứng tỏ được mình tại CLB mới thì yếu tố đắt - rẻ chỉ còn mang tính chất tham khảo mà thôi.

Trái ngược với Diego Costa và David Luiz (phí chuyển nhượng không tương xứng xét theo hệ quy chiếu phong độ tại World Cup), là trường hợp của Alexis Sanchez. Nhiều chuyên gia đã khen Arsenal gặt được món hời khi chỉ tốn khoảng hơn 30 triệu bảng là đã đón được tiền vệ chơi vô cùng ấn tượng trong màu áo tuyển Chile (tức là giá trị hiện tại phải cao hơn mức đó). Song họ lại quên mất rằng, Alexis lại không thể đảm nhận vị trí trung phong cắm vốn là đang chỗ yếu nhất trong đội hình hiện tại của Arsenal. Alexis có tốc độ, tinh quái nhưng lại hơi yếu về mặt thể lực, thể hình mà đây lại là những tố chất cần thiết của một tiền đạo cắm muốn toả sáng ở Premier League. Sở trường của Alexis thực chất là tiền vệ tấn công (cánh hoặc trung tâm) mà hiện Arsenal đâu thiếu sự lựa chọn, thậm chí có phần dư thừa nhân sự ở vị trí này. Alexis rất khó cạnh tranh nổi với Ozil trong vai trò nhạc trưởng đội bóng vì đánh giá toàn diện, Ozil vẫn là một "số 10" bẩm sinh dù sự thể hiện của anh không được như Wenger kỳ vọng. Tất nhiên, trên đời này, làm gì có đội nào dám bố trí đến hai "số 10" ở trên sân. Vậy thì, Alexis sẽ phải dạt cánh nhưng hiện Theo Walcott, Podolski, Chamberlain, thậm chí Santi Cazorla đủ sức đá biên rất hiệu quả. Sự có mặt của Alexis càng khiến khu vực tấn công phía dưới trung phong trở nên chật chội, dễ nảy sinh mâu thuẫn ngoài ý muốn và Wenger hẳn sẽ phải rất đau đầu sắp xếp. Do đó, chưa chắc số tiền đầu tư vào Alexis đã là sự hợp lý khi mà với khoản tiền này, "Giáo sư" người Pháp hoàn toàn có thể đưa về một chân sút "hàng hiệu".

James Rodriguez
James Rodriguez: Lên giá vù vù sau World Cup nhưng liệu có quá "ảo"?

Một câu chuyện khác: Gần đây, thiên hạ đồn ầm lên rằng Real sẵn sàng bỏ ra số tiền có thể lên tới 80, 90 triệu Euro để mang về James Rodriguez, phát hiện lớn nhất của kỳ World Cup vừa rồi và xuất sắc đoạt danh hiệu "Chiếc giày vàng" dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn nhất giải (6 bàn cùng 2 đường chuyền kiến tạo). Đương nhiên, với những gì đã trình diễn, Rodriguez đang là món hàng cực hot trên TTCN song liệu hiện giờ giá trị của cầu thủ này đã lên đến mức khủng khiếp như thế, ngang hàng với những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới. Đúng là, trong quá khứ, Real đã từng tạo bom tấn chuyển nhượng khi chiêu mộ Cristiano Ronaldo, Bale (đều trên 90 triệu Euro ở thời điểm gia nhập Real) hay gần đây nhất, Barca bỏ ra đến 75 triệu bảng mua Luis Suarez (quy đổi sang Euro thì cũng khoảng trên 90 triệu Euro). Song đừng quên, họ đã thể hiện xuất sắc, thi đấu ổn định với phong độ cao trong một khoảng thời gian dài (ít nhất một mùa giải) chứ không phải chỉ trong vài tháng ngắn ngủi để rồi nhờ đó, mới được mua về bằng số tiền kỷ lục. Đằng này, James Rodriguez dù không phủ nhận đầy tài năng, giàu triển vọng song ở Porto trước kia và Monaco mùa vừa rồi thì tiền vệ 22 tuổi này đâu đã đạt đến mức độ "đỉnh" như thế. Còn nhớ, Real Madrid từng mua Fabio Coentrao từ Benfica với mức phí lên tới 30 triệu Euro, phần nhiều do ấn tượng mạnh mà Coentrao tạo ra ở World Cup 2010 và kết quả, cầu thủ này thể hiện nhạt nhoà ra sao ở Bernabeu chẳng cần phải bàn cãi nhiều.

Xem ra, sẽ thật là sai lầm khi cho rằng, giá trị của một cầu thủ sẽ tăng đột biến (hoặc giảm sâu) chỉ sau 1 tháng ngắn ngủi của World Cup. Minh chứng hùng hồn: Chẳng nhẽ Cristiano Ronaldo bây giờ chỉ có giá trị tương đương Luis Suarez hoặc thấp hơn chỉ vì anh chơi quá tầm thường trong màu áo tuyển BĐN ở giải vừa rồi. Chắc chắn Ronaldo vẫn đang là cầu thủ cao giá nhất hành tinh (xét trên mọi khía cạnh) và nếu có giảm thì phải tuỳ thuộc vào phong độ của anh ở mùa giải tới. Kết luận cuối cùng: World Cup đích thực là một "phiên chợ phù hoa" nơi mà người mua dễ lầm còn người bán không bao giờ lầm và tồn tại quá nhiều giá trị ảo nên đừng vội "võ đoán" việc đắt - rẻ hay ai khôn hơn ai. Đội nào mua cầu thủ chỉ vì những gì anh ta thể hiện trong một tháng ngắn ngủi rất có thế sẽ nhận phải trái đắng.

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X