Chủ Nhật, 29/12/2024 Mới nhất
Zalo

Hậu Super Sunday: Khi M.U bất ngờ... đá cánh

Thứ Ba 30/10/2012 08:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một thời, nói đến M.U là phải nói đến giá trị của cặp tiền vệ biên Giggs - Beckham, điểm xuất phát của hầu hết mọi đường bóng tấn công của Quỷ đỏ. Nhưng bây giờ, tiền vệ biên lại là cái gì đó… lạ lẫm!

Cũng chẳng lạ, bởi suy cho cùng thì “đặc sản” của bóng đá Anh trong nửa thế kỷ liên tiếp (từ khi đội Anh vô địch World Cup 1966) vẫn là sơ đồ 4-4-2, là những pha dốc biên của tiền vệ cánh, và bài bản tạt cánh đánh đầu tuy quen thuộc nhưng không bao giờ mất đi tính hiệu quả.

Thế rồi, những xu hướng mới đã dần xuất hiện, theo sự xâm nhập ngày càng đông đúc của các “nghệ sĩ” đến từ trường phái Latin trên sân cỏ Anh. Cách chơi dẫn đến thành công của các đội mạnh trên đấu trường EURO, World Cup hoặc sự du nhập triết lý mới từ những Carlo Ancelotti, Jose Mourinho cũng làm cho bóng đá Anh nói chung cũng như M.U nói riêng thay đổi đặc điểm trong cách chơi từng rất đơn điệu của họ.

manchester united
 

Mùa này, M.U hầu như không đá cánh nữa. Đấy là một ví dụ rõ rệt về thay đổi lớn trong lối chơi của thầy trò Ferguson. Hàng tiền vệ “phẳng” quen thuộc giờ được thay bằng tiền vệ “hình thoi”, bó hẹp vào giữa, với Wayne Rooney vốn là tiền đạo nay chơi ở “đỉnh hình thoi”. Chelsea cũng thay đổi quá nhiều so với thời kỳ mà thể lực và cơ bắp của Claude Makelele, Michael Ballack, Frank Lampard ở hàng tiền vệ và Didier Drogba phía trên gần như quyết định tất cả. Lần đầu tiên kể từ sau thời Gianfranco Zola, Chelsea mới có ngôi sao tấn công thiên về kỹ thuật và sự sáng tạo. Và họ có ba ngôi sao sáng tạo cùng lúc, chứ không phải một!

Trong vô số nhận định chuyên môn trước trận đấu lớn Chelsea - M.U, điểm chung rõ nhất là đội hình mà đôi bên sẽ bố trí. Chelsea rõ như ban ngày, từ chuyện Ramires và Mikel đá tiền vệ trụ (Frank Lampard chấn thương), Gary Cahill thay chỗ trung vệ bị treo giò John Terry, đến sơ đồ tổng quát 4-2-3-1. Vì đội hình của Chelsea quá “lộ”, nên hệ quả là sự thắng bại sẽ đến từ phía bày binh bố trận của M.U. Xếp quân không hay, M.U sẽ thua. Còn nếu xuất sắc, M.U sẽ thắng, trước một Chelsea coi như “cố định”.

Cái hay của Alex Ferguson là ông đã gây bất ngờ khi quay về với cách đá biên quen thuộc, một vũ khí tưởng chừng đã bị M.U chôn vùi. Một mặt, những tình huống lặp đi lặp lại ở cánh phải của M.U cho thấy sự hỗ trợ của hậu vệ Rafael đối với tiền vệ chuyên bám biên Antonio Valencia là bài bản có chủ đích chứ không phải là những tình huống ngẫu nhiên.

Nói cách khác, Ferguson đã tạo ra một sự đột biến trong lối chơi so với những gì người ta biết về M.U trong mùa bóng này, và đấy là chi tiết quan trọng dẫn đến việc M.U sớm chiếm ưu thế, dẫn đến 2 bàn trên sân Stamford Bridge - vốn là nơi mà M.U chưa từng thắng từ năm 2002. Mặt khác, cách chơi “2 đánh 1” ở cánh phải nói lên rằng, Ferguson đã nhận định chính xác điểm yếu bên cánh trái của hàng thủ Chelsea.

Chẳng phải Ashley Cole kém (anh rất giỏi là đằng khác), nhưng thiên hướng tấn công của tiền vệ trái Eden Hazard làm cho Chelsea chỉ còn mỗi Cole trấn giữ hành lang này. Đối đầu tay đôi, Cole thắng Valencia đến 5/6 lần. Nhưng khi Valencia được Rafael tích cực hỗ trợ thì Cole “chịu chết”. Bàn thứ hai của M.U vừa nói lên nhược điểm ở cánh trái của hàng phòng ngự Chelsea, vừa làm cho giới hâm mộ nhớ lại sự phối hợp nhịp nhàng giữa Gary Neville và David Beckham ngày nào. Lâu lắm mới thấy M.U trở lại với cách chơi này.

Vẫn là một Quỷ đỏ “lấy công, bù thủ”

Bàn mở tỷ số của M.U trong trận thắng Chelsea 3-2 vừa qua là bàn thắng sớm nhất tại sân Stamford Bridge trong khuôn khổ Premier League suốt 17 năm nay. Chi tiết này có nói lên quan điểm luôn thiên về tấn công trong cách chơi của M.U?

Chúng ta hãy nhìn vào một thống kê quan trọng khác: đã có 5 trận ở Premier League mùa này, nghĩa là hơn 50% số trận đã đấu, M.U vừa ghi ít nhất 2 bàn, vừa thủng lưới ít nhất 2 bàn. Trong toàn bộ 5 giải VĐQG lớn tại châu Âu, không có đội bóng nào khác giống như vậy.

3 trận gần đây nhất của M.U, đều là các trận thắng mà chính họ thủng lưới 2 bàn (4-2 trước Stoke, 3-2 trước Braga, 3-2 trên sân Chelsea). Tính chung mọi giải, M.U mùa này đã thi đấu 13 trận, với tổng số bàn thắng và bàn thua là 49. Bình quân là 3,77 bàn/trận. Chỉ có 3 lần M.U ra sân nhà không thủng lưới.

Áo số 9 thường dành cho tiền đạo, là mẫu cầu thủ mà các hàng phòng ngự phải đối phó nhiều nhất. Ở trận thắng Chelsea vừa qua, cánh phải M.U với hậu vệ số 2 Rafael và tiền vệ số 7 Valencia cũng tỏ ra nguy hiểm không thua bất kỳ “số 9” nào. Họ chơi chồng biên, bọc lót hoặc hỗ trợ cho nhau nhịp nhàng chẳng kém gì “số 2” Gary Neville và “số 7” David Beckham trong thời hoàng kim.

Kinh Thi - Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X