Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

EURO 2012: Mỏi mắt đi tìm dấu ấn cá nhân

Thứ Tư 20/06/2012 15:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hai cầu thủ để lại nhiều dấu ấn cá nhân nhất ở một vòng bảng EURO nhiều lý trí hơn cảm xúc có lẽ là Alan Dzagoev, nhưng đội bóng của anh đã bị loại, và Andrea Pirlo của Italia, vốn không được chờ đợi nhiều.

Sự khan hiếm những dấu ấn cá nhân ở một kỳ giải lớn như EURO 2012 là xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến với bóng đá hiện đại, khi trình độ giữa các đối thủ ngày càng ít chênh lệch hơn, lối chơi ngày càng khoa học hơn và áp lực thành tích ngày càng nặng nề. Dễ thấy ở Ukraina và Ba Lan, những kết quả rất thường xuyên không tuân theo bảng xếp hạng của FIFA khi Đan Mạch đánh bại Hà Lan, Hy Lạp vượt qua Nga hay Ukraina thắng Thụy Điển. Có thể nói không ngoa là không như World Cup, ở EURO, mọi đội bóng đều có thể thua trận, dù trên lý thuyết họ mạnh đến đâu.

Andrea Pirlo là cá nhân hiêm hói để lại được dấu ấn ở Euro 2012
Andrea Pirlo là cá nhân hiêm hói để lại được dấu ấn ở Euro 2012

Sự phổ biến của sơ đồ một tiền đạo và hàng tiền vệ dày đặc cũng đang giết chết cảm hứng của những bậc thầy kiến tạo và sự ngẫu hứng. Bóng đá châu Âu đang ngày càng trở nên khoa học và được tối giản hóa về một mục tiêu duy nhất cho chiến thắng: giành, giữ và tận dụng lợi thế ở khu trung tuyến. Những cầu thủ như Wesley Sneijder (Hà Lan), Mesut Oezil (Đức) hay Cristiano Ronaldo (BĐN), nếu được đặt trong vị thế cầm trịch, có thể dễ dàng trở thành một ngôi sao thu hút mọi ánh nhìn, như những Luis Figo, Zinedine Zidane hay xa xưa hơn nữa là Marco van Basten, Michel Platini của quá khứ.

Tuy nhiên giờ đây trong bối cảnh mới của thứ bóng đá khúc chiết, rành mạch và hết sức lý trí, họ cũng chỉ còn là những con cờ không cảm xúc trên bàn cờ chiến thuật của các HLV, những người không muốn gì khác ngoài chiến thắng. Dzagoev là một ngoại lệ bởi tuổi trẻ, sự dấn thân và quan trọng hơn, lối đá có phần cởi mở quá đáng, đến mức ngây thơ như trong trận thua Hy Lạp, của đội bóng do Dick Advocaat dẫn dắt.

Với việc có quá nhiều đội sử dụng sơ đồ một tiền đạo, 4-2-3-1 hoặc 4-5-1, các cầu thủ tổ chức giờ đây cũng chỉ là một con ốc trong cỗ máy lớn. Một mình họ không còn có thể quyết định cục diện trận đấu khi sự tự do bị hạn chế, sự ngẫu hứng là cấm kị và gần như mọi bàn thắng đã đến ở EURO lần này đều là sự sắp đặt tỉ mỉ của những tình huống phối hợp đồng đội ăn ý.

Tính tập thể được mọi HLV nhấn mạnh và đề cao. Ronaldo đã tỏa sáng với cú đúp ở trận gặp Hà Lan, nhưng 2 trận trước đó, và cả 90 phút ở Kharkiv, tiền vệ của Real Madrid cũng không là gì khác ngoài một trong số 11 cầu thủ trên sân của HLV Paulo Bento. Tương tự, Đức đã thắng cả 3 trận vòng bảng, nhưng khó lòng nêu ra một cái tên nổi bật trong hành trình chinh phục bảng tử thần của Mannschaft. Oezil, Thomas Mueller, Lukas Podolski, Mario Gomez hay Bastian Schweinsteiger, tất cả đều chơi bóng với sự ý thức rõ ràng rằng họ là một phần của cỗ máy lớn hơn và tính chất trình diễn chỉ là thứ yếu khi đặt lên bàn cân, bên kia là 3 điểm.

Tây Ban Nha, vốn được chờ đợi là đội bóng hào hoa nhất, càng gây thất vọng nặng nề nếu nói về màn trình diễn của các cá nhân. Đội hình chật ních ngôi sao của HLV Vicente del Bosque hóa ra lại chẳng có ngôi sao nào thực sự tỏa sáng. Ngay từ trận mở màn với đội hình 4-6-0 lạ lẫm, TBN đã cho thấy họ không phải là một đội bóng của cảm hứng và những khoảnh khắc lóe sáng riêng lẻ, mà là một khối cố kết, cố gắng chiến thắng với sự tham gia của tất cả mọi người trên sân. Điều tương tự cũng đúng với Pháp và Anh, hai đại gia khác của EURO 2012.

Rốt cuộc, những ngôi sao lớn để lại dấu ấn cá nhân sâu đậm lại xuất hiện ở những đội bóng ít ngờ nhất. Andrea Pirlo ở Italia chẳng hạn. Một mình tiền vệ đã 33 tuổi của Juventus đã đưa Azurri vào tứ kết khi mà HLV Cesare Prandelli có trong tay đội hình yếu nhất so với khoảng hai thập kỷ trở lại đây của Italia ở các giải lớn. Hàng công vô duyên và thiếu những chân sút thực sự đẳng cấp, hàng thủ bị hành hạ bởi chấn thương và toàn đội ở trong tâm lý bất an vì bê bối dàn xếp tỉ số trong nước, Italia hẳn đã lâm vào khủng hoảng nếu không có Pirlo. Anh làm tất cả, chuyền bóng, ghi bàn, kiến tạo và quan trọng nhất, điều phối thế trận để Italia có thể chơi theo ý họ, mang về 2 trận hòa trên thế thắng trước TBN và Croatia cùng 3 điểm thoải mái trước Ireland.

Một cách ngắn gọn, lối chơi đặt nặng thành tích, quá khoa học, nhiều lý trí và sự phổ biến của hệ thống đội hình một tiền đạo đã thu hẹp rất nhiều đất diễn của các cá nhân và giết chết sự ngẫu hứng luôn được chờ đợi ở mỗi kỳ giải bóng đá lớn. Hy vọng từ vòng tứ kết, điều đó sẽ thay đổi.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X