- Những thông tin, con số thú vị xung quanh thắng lợi siêu kịch tính của Hà Lan tại vòng 1/8
- Chùm ảnh: "Vua nhảy cầu" kiêm "cao thủ kiếm pen" Arjen Robben
- Hà Lan thắng ngược Mexico: Bản lĩnh lốc da cam
Quá phụ thuộc vào cặp đôi Van Persie – Robben
Thật ra đây là điều đã được dự liệu từ trước khi World Cup diễn ra. Dễ dàng nhận thấy đội hình của Hà Lan năm nay đã trẻ hoá rất nhiều và chủ yếu là các gương mặt còn mới lạ với đấu trường quốc tế. Hàng công vốn luôn được coi là điểm mạnh của đội bóng xứ sở hoa tulip với “Thánh” Johan Cruyff những năm 70, bộ ba “Người Hà Lan bay” vào cuối thập kỷ 80 hay thế hệ của Patrick Kluivert, Dennis Berkamp hay Marc Overmars cuối những năm 90.
Hà Lan đang quá phụ thuộc và Van Persie và Robben |
Nhưng bước vào giải đấu năm nay, Hà Lan thật sự chỉ còn biết trông chờ vào bộ đôi Robin Van Persie và Arjen Robben trên hàng công. Wesley Sneijder đã không còn ở thời kỳ đỉnh cao như 4 năm trước ở Nam Phi, Klaas Jan Huntelaar cũng chỉ còn là cái bóng của chính mình ở mùa giải vừa rồi với vỏn vẹn 12 bàn cho Schalke 04. Còn những cái tên trẻ như Jeremain Lens hay Memphis Depay dù đã có những bước tiến bộ nhưng còn lâu mới có thể đảm nhiệm vai trò lĩnh xướng hàng công được
Thực tế cho thấy trong những trận ở vòng bảng, mặc dù Van Persie và Robben đã được liệt vào danh sách “cần chăm sóc kỹ” nhưng hiểm khi cả hai bị đối thủ kèm chết, vẫn có ít nhất một người toả sáng và đem lại niềm vui cho các CĐV Hà Lan. Trong tổng số 10 bàn thắng ở vòng bảng của Hà Lan, có tới 8 bàn có dấu giày của bộ đôi này, và số bàn thắng của cặp “song sát” trên hàng công cũng đã chiếm tới hơn nửa trong số đó
Vì thế không ngạc nhiên khi Hà Lan thi đấu như gà mắc tóc trong trận đấu với Mexico trong một ngày mà hàng thủ Mexico dưới sự chỉ huy của đội trưởng Rafael Marquez đã gần như khoá chặt Van Persie và Robben . Dĩ nhiên Robben đã trở thành người hùng với pha đột phá vào phút cuối để đem lại quả penalty quý như vàng cho ĐT Hà Lan, nhưng giả dụ nếu Sneijder không toả sáng đúng lúc (một khoảnh khắc hiếm hoi mà Sneijder toả sáng ở World Cup năm nay) thì không biết chừng Robben cũng chẳng thể làm gì trước hàng thủ Mexico trong những phút còn lại
Tử huyệt nơi hàng thủ
Một trong những vấn đề lớn nhất của ĐT Hà Lan lộ ra trong trận đấu ngày hôm qua là sự lỏng lẻo nơi hàng thủ. Không thể phủ nhận bộ tứ nơi hàng phòng ngự của Cơn lốc màu da cam là những cầu thủ rất triển vọng, và thậm chí đã chơi khá tốt trong những trận đấu vòng bảng, nhưng chính sự non trẻ của các cầu thủ đã là con dao hai lưỡi suýt chút nữa khiến Hà Lan nếm trái đắng
Trong một trận đấu lớn có tính quyết định, hoặc là đi tiếp, hoặc là về nhà, các hậu vệ của Hà Lan đã phần nào bị “khớp” và nhiều lúc tỏ ra lúng túng khi Mexico chủ động đá áp sát ngay bên phần sân đối phương. Hơn nữa, một điều quan trọng là ĐT Hà Lan đã không còn đá với sơ đồ 5-3-2 quen thuộc mà chuyển sang đá 4-5-1. Hệ thống phòng ngự với 3 trung vệ chắc chắn đã chỉ còn 2 và ngay lập tức các hậu vệ của Hà Lan đã không thích nghi kịp.
Hàng thủ của Hà Lan đã thi đấu chuệch choạc trong trận đấu hôm qua |
Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi nếu như 2 hậu vệ biên của Hà Lan dâng cao để hỗ trợ tấn công, sơ đồ 5-3-2 sẽ lập tức biến thành 3-5-2, và để 3 hậu vệ non kinh nghiệm của Hà Lan đối đầu với 2 tiền đạo của Mexico là điều quá mạo hiểm với HLV Van Gaal
Một điều nữa cũng cần lưu ý với hàng thủ của Hà Lan là ở họ thường bị “khắc chế” bởi những tiền đạo cắm có tốc độ và kỹ thuật. Trước khi Tây Ban Nha nhận liên tiếp 5 bàn thua, một mình Diego Costa cũng đã “làm khổ” 3 trung vệ của Hà Lan và mang về cho Los Blancos 1 quả penalty. Sở dĩ Hà Lan không gặp nhiều khó khăn ở 2 trận còn lại là bởi Chile và Australia đều không có những tiền đạo cắm thực thụ (Vargas và Alexis Sanchez của Chile đá rộng, Tim Cahill của Australia được đôn lên đá tiền đạo).
Nhưng nếu như đá với Costa Rica ở vòng tứ kết tới, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Với vị thế “cửa trên”, Hà Lan có lẽ sẽ bắt buộc phải đá tấn công với sơ đồ 4-3-3 hoặc 4-5-1, và hàng phòng ngự của Cơn lốc màu da cam hãy dè chừng cặp tiền đạo Joel Campbell – Bryan Ruiz, những chuyên gia đá cắm đích thực
Tuyến giữa quá “hẻo” người
Tính theo cơ học, Hà Lan mang tới Brazil 6 tiền vệ, một con số không quá ít với một ĐT, nhất là khi Hà Lan thường xuyên chỉ chơi với 3 tiền vệ đúng nghĩa ở giữa sân. Tuy nhiên số lượng không đi kèm với chất lượng
Ở vị trí tiền vệ trụ, chỉ có một mình De Jong là chơi đúng nghĩa theo kiểu “máy quét” ở khu vực giữa sân, còn de Guzman hay Leroy Fer tuy có thể hình không tồi, nhưng thiên về mẫu cầu thủ con thoi hơn là đánh chặn. Hậu quả là khi De Jong bị chấn thương và rời sân ngay ở phút thứ 9 ở trận đấu với Mexico, Van Gaal đã buộc phải đẩy Blind lên đá tiền vệ phòng ngự, và dĩ nhiên anh không thể làm tốt công việc của mình như người đàn anh được.
Sự phối hợp không ăn ý giữa bộ đôi tiền vệ là nguyên nhân dẫn đến bàn thua của Hà Lan |
Những con số đã nói lên sự kém hiệu quả của hệ thống phòng ngự từ xa của Hà Lan. Cặp đôi tiền vệ Blind – Wijnaldum chỉ có tổng cộng 5 cú tắc bóng và chỉ chính xác có…1 cú duy nhất. Bàn thua của Hà Lan cũng là minh chứng rõ nhất cho sự yếu kém của cặp đôi tiền vệ đánh chặn của Hà Lan khi cả Blind và Wjnaldum đã phối hợp không ăn ý và để Giovanni dos Santos tung cú sút chân trái hạ gục Cillessen
Trong khi đó ở vị trí tiền vệ tấn công, cũng chỉ có Sneijder là cáng đáng được trọng trách này, bất chấp việc anh đã không còn thi đấu bùng nổ và là đầu tàu của cả đội như 4 năm về trước. Dirt Kuyt đá thiên công như chỉ lệch cánh, còn phương án khả dĩ nhất thay thế cho Sneijder là Jordy Clasie còn quá non kinh nghiệm. Mặc dù Sneijder chỉ đóng góp dấu giày vào 2 bàn thắng, trong số đó có 1 bàn thắng vào lưới Mexico, tỷ lệ chuyền bóng chỉ đạt 77% và sút cầu môn chính xác 33% nhưng HLV Van Gaal cũng chẳng còn sự lựa chọn nào hợp lý hơn cựu tiền vệ của Inter Milan cho vị trí “số 10”
Kết luận
Nói tóm lại, sau trận đấu hôm qua, Hà Lan đã bộc lộ những yếu điểm chết người, và chỉ có sự toả sáng của những cá nhân ở phút chót mới có thể giúp đại diện của châu Âu đi tiếp trong một trận đấu mà họ xứng đáng thua. Tuy nhiên đây cũng sẽ là những bài học quý giá để thầy trò HLV Van Gaal kịp thời có phương án khắc phục để chuẩn bị cho trận đấu với “hiện tượng” Costa Rica
Vả lại, Hà Lan vẫn có một điểm tựa từ cái đầu của Van Gaal. Ông vẫn tỏ ra rất sắc sảo trong vấn đề thay người khi tung Huntelaar vào sân và rút Van Persie ra thay vì Sneijder như mọi người vẫn lầm tưởng (tăng số lượng tiền đạo trên sân). Kết quả đã quá rõ, cả Sneijder và Huntelaar đều đã lập công và đưa Hà Lan vào tứ kết. Vì thế tài dùng người của HLV 62 tuổi sẽ là một vũ khí sắc bén giúp Hà Lan vượt qua sóng gió và khó khăn ở thời điểm hiện tại
Thế Hưng