Mỗi đội tuyển cần một thủ lĩnh chiến thuật và một thủ lĩnh tinh thần. Người ta quen gọi những cầu thủ đó là “ngôi sao”. Nhưng thực chất, 3 khái niệm này khác nhau: đôi khi, một đội chỉ có ngôi sao chứ không có thủ lĩnh.
Tách riêng ba khái niệm “thủ lĩnh chiến thuật”, “thủ lĩnh tinh thần” và “ngôi sao”, sẽ rất dễ phân biệt đẳng cấp của một cầu thủ là trung tâm trong đội. Zinedine Zidane sẽ là mẫu thủ lĩnh ở đẳng cấp cao nhất: anh dẫn dắt lối chơi bằng kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật bậc thày, chỉ huy tinh thần bằng nhân cách và uy tín vượt bậc, sở hữu ánh hào quang nổi tiếng của cầu thủ đắt giá nhất hành tinh và có khả năng giải quyết trận đấu theo kiểu… ngôi sao.
Một người khác, David Beckham, ở cấp độ thấp hơn Zidane một chút: anh có các yếu tố “ngôi sao” và “thủ lĩnh tinh thần”, chứ không đóng vai trò điều tiết lối chơi của ĐT Anh (đội bóng đã từ lâu không có một thủ lĩnh chiến thuật). Đôi khi, một đội bóng có 2 thủ lĩnh trên sân, như đội tuyển Đức trong thập kỷ trước, có Kahn làm thủ lĩnh tinh thần và Ballack làm thủ lĩnh chiến thuật kiêm ngôi sao sáng nhất. Lại có lúc, họ có một ngôi sao và một thủ lĩnh, ví dụ như ở M.U, nơi ánh hào quang danh vọng dồn vào Rooney, nhưng Giggs lại là người chỉ huy chiến thuật.
Và tất nhiên, đội bóng ít may mắn nhất chỉ có “ngôi sao” chứ không có thủ lĩnh: chúng ta đang nói tới Bồ Đào Nha, với một Cristiano Ronaldo hào nhoáng, người phá kỷ lục giá chuyển nhượng của Zidane, nhưng không thể giúp Bồ Đào Nha trở thành một đội bóng lớn vì sự vị kỷ. Cách phối hợp phổ biến nhất của ngôi sao này trong màu áo Seleccao là nhận bóng từ đồng đội và hùng hục chạy về phía khung thành rồi tìm cách dứt điểm. Anh không giúp đỡ bất kỳ ai. Xin nhấn mạnh: một ĐT kiểu này ít may mắn hơn cả đội không có bất kỳ ai đảm nhận 3 vai trò trên. Đơn giản là “ngôi sao” họ sở hữu nếu không trở thành thủ lĩnh thì sẽ trở thành kẻ phá vỡ sự đoàn kết trong lối chơi.
Thực chất, danh từ “ngôi sao” chỉ có giá trị với giới truyền thông, hay rộng ra một chút, trong tâm thức CĐV, giúp đội tuyển ở khâu… bán áo thi đấu. Họ xây dựng được danh tiếng từ những thành tích hào nhoáng ở cấp CLB, nhưng điều này không đảm bảo cho thành công ở ĐTQG, nơi có một hệ thống chiến thuật khác.
Để trở thành nhà vô địch, một đội bóng cần thủ lĩnh hơn là ngôi sao. Hy Lạp, với chức vô địch EURO 2004, là bằng chứng có sức nặng thuyết phục nhất. Giải năm ấy, UEFA đã trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất cho Theodoros Zagorakis, một cầu thủ mà trải nghiệm ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu chỉ dừng lại ở… Leicester City và Bologna. Nhưng đội trưởng của Hy Lạp là một thủ lĩnh 2-trong-1, cả chiến thuật và tinh thần, là chất keo giữ cho lối chơi của đội bóng kỳ lạ ấy gắn kết nên thành một khối rắn chắc.
EURO 2012, rất khó tìm được một thủ lĩnh 3-trong-1 hoặc 2-trong-1. Nếu có, may chăng chỉ có thể kể đến Rosicky của Czech, một người chắc chắn vẫn rất có uy tín và sẽ đóng vai trò điều tiết lối chơi, nhưng tư cách “ngôi sao” thì đáng bị nghi ngờ khi đã ở bên kia sườn dốc. Những đội trưởng hậu vệ như Lahm, Agger hay là thủ môn như Casillas, Buffon lại càng không thể trở thành thủ lĩnh chiến thuật.
Chỉ còn biết hy vọng rằng mỗi người sẽ làm tròn vai trò của riêng mình, chứ không có đội tuyển nào “chết” vì… có ngôi sao như cách Bồ Đào Nha vẫn thường gặp.
(Theo báo Bóng Đá)