Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Catenaccio: Từ sơ khai đến hiện đại

Chủ Nhật 24/06/2012 20:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một tuyển Anh chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách Italia sẽ đối diện với một Italia đang cải cách, cả hai đều mang nhiều dấu ấn của một trường phái bóng đá cổ điển tưởng như đã bị khai tử từ lâu.

Nguồn gốc ở CLB

Mọi chuyện có lẽ bắt đầu vào cuối những năm 1940, khi Gipo Viana, HLV của Salernitana sử dụng 3 trung vệ, khi đó được coi là nhiều, kèm theo một cầu thủ đá quét, hay một libero, một hậu vệ tự do. Đó là một trong những hệ thống phòng ngự khó đánh bại nhất thời bấy giờ và Salernitana sử dụng đội hình đó để thăng hạng Serie A năm 1947 với thành tích phòng ngự tốt nhất giải (dù mùa sau đó họ rớt hạng, không thắng nổi một trận nào, có lẽ vì quá tập trung cho phòng thủ).

Nereo Rocco, một trong những HLV vĩ đại nhất ở AC Milan, trở thành người đầu tiên phổ biến hệ thống đó, khi ông còn làm việc cho CLB quê nhà của mình, Triestina. Trước sau chỉ là một CLB làng nhàng với những nguồn lực hạn hẹp, Triestina đã có một trong những mùa giải thành công nhất với vị trí thứ hai ở Serie A và bất bại trên sân nhà trong cả mùa với catenaccio.

HLV huyền thoại Helenio Herrera đã định nghĩa lại Catenaccio
HLV huyền thoại Helenio Herrera đã định nghĩa lại Catenaccio

Khi Rocco tới dẫn dắt AC Milan, ông sử dụng đội hình catenaccio ở đó và đạt được thành công vang dội. Tất nhiên, với tư cách là một đội lớn, phong cách của Milan đỡ tiêu cực hơn nhiều so với những gì Rocco đã làm tại Triestina hay Viana ở Salernitana. Mặc dù Milan giành scudetto mùa giải 1961-1962 với tư cách đội ghi bàn nhiều nhất ở Serie A với 83 bàn, Rocco luôn tỏ ra nghi ngờ những cầu thủ chơi quá nghệ sĩ và không lao động cật lực trên sân. Jimmy Greaves nhanh chóng phải khăn gói trở lại Anh bất chấp thành tích ghi bàn tuyệt vời và có những thời điểm ngay cả cậu bé vàng của bóng đá Italia, Gianni Rivera, cũng thất sủng. Milan, với chiến thuật phòng ngự chắc chắn đó, đăng quang ở Cúp C1 1963, như lời khẳng định về một xu hướng đang lên và không thể ngăn cản.

Nhưng không đội nào làm nổi danh catenaccio như Inter Milan dưới thời Helenio Herrera. Nerazzuri đã định nghĩa lại catenaccio và là lý do chính khiến hệ thống này mang hình ảnh tiêu cực như ngày nay. Thay vì chơi với một cầu thủ đá quét sau 3 hậu vệ, Herrera tăng cường thêm sự an toàn cho khung thành bằng một tiền vệ phòng ngự nữa để tuyến phòng ngự trở thành một khối bê-tông đích thực. Gianfranco Bedin là người được trao nhiệm vụ đó ở Inter. Ở hàng thủ, Armando Picchi chơi như cỗ máy quét tự do. Anh là người bọc lót cho cả ba hậu vệ và luôn ra sân với mệnh lệnh an toàn trước hết. Phía trước Picchi là trung vệ Aristide Guarneri, hậu vệ phải Tarcisio Burgnich, được bố trí giữa vị trí của một trung vệ và một hậu vệ cánh phải khuôn mẫu.

Tương tự bên trái là Giacinto Facchetti, người được quyền dâng cao hơn trong các tình huống tấn công. Còn gây tranh cãi, nhưng Facchetti có lẽ là mẫu cầu thủ đá treo cánh đầu tiên trong lịch sử bóng đá khi anh chạy lên xuống liên tục bên cánh trái và hỗ trợ tấn công cực kỳ hiệu quả. Điều này cho phép Mario Corso, đáng lẽ là tiền vệ trái, bó vào trong hỗ trợ Luis Suarez ở vị trí tiền vệ kiến tạo. Ban đầu, đội hình của Herrera tỏ ra kém cân bằng trong mắt nhiều người, nhưng sự hiệu quả sau đó đã làm câm lặng mọi chỉ trích. Inter vô địch Serie A các năm 1963, 1965 và 1966, giành Cúp C1 1964 và 1965, thêm một lần vào chung kết năm 1967 (thua Celtic).

Trước sau Herrera luôn khẳng định đội bóng của ông không phải là một đội phòng ngự, nhưng sự tiêu cực trong lối chơi của Inter ở rất nhiều trận, đáng chú ý nhất là chung kết Cúp C1 1967, khiến không mấy CĐV trung lập thấy hứng thú với hệ thống này. Sự căm ghét catenaccio thể hiện qua nhận xét của HLV người Anh huyền thoại Bill Shankly. Ông đã ca ngợi đồng nghiệp người Scotland, Jock Stein, là “bất tử” sau khi Celtic đánh bại Inter trong trận đấu đó để chứng minh với thế giới rằng chơi bóng tích cực cũng có thể mang lại thành công.

Và sự thay đổi ở đội tuyển

Ít người muốn tranh cãi rằng sức mạnh của bóng đá Italia nằm ở khâu phòng ngự. Thành công của Azzurri trên đấu trường quốc tế luôn xuất phát từ hàng thủ mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua nhiều năm, người Italia đã biến hóa phong cách của họ với những đặc điểm mới, khả năng phản công sắc bén và lối chơi khoa học. Kết quả là họ sản sinh ra những tiền đạo hiệu quả bậc nhất thế giới.

Catenaccio tương thích mạnh mẽ với một lối chơi và triết lý bóng đá như vậy, bất chấp sự phàn nàn của các CĐV muốn chứng kiến nhiều bàn thắng và những pha tấn công đẹp mắt liên tục. Trong tiếng Italia, catenaccio có nghĩa là “chốt cửa”, một sự so sánh rất hình tượng cho việc nỗ lực ngăn cản đối phương ghi bàn. Tuy nhiên, sơ đồ catenaccio cổ điển trở nên lỗi thời vào những năm 1970 khi cuộc cách mạng bóng đá tổng lực kiểu Hà Lan bắt đầu. Hệ thống bóng đá biến hóa, hoán đổi vị trí liên tục này khiến cho việc kèm người không còn hiệu quả nữa

Một số khía cạnh của catenaccio bị loại khỏi đời sống bóng đá, nhưng người Italia không từ bỏ hoàn toàn truyền thống của mình. Thay vào đó, họ cải thiện sơ đồ phòng ngự mới với tư duy phòng thủ giờ đây là Zona Mista (kết hợp khu vực). Zona Mista về cơ bản vẫn là đội hình catenaccio, nhưng thay vì kèm người, thì giờ là phòng ngự khu vực với tư duy hiện đại và một thứ bóng đá trôi chẩy hơn. Khác biệt lớn nhất là hệ thống phòng ngự khu vực cho phép bắt chết cầu thủ nguy hiểm nhất của đối phương, khi người đá quét sẽ hỗ trợ cho hậu vệ ở khu vực nào dễ bị tổn thương nhất.

Với hệ thống này, Italia đã vô địch World Cup 1982, chức vô địch thứ ba trong lịch sử. Năm đó, đội hình Italia là một bản sao về mặt chiến thuật của Inter những năm 1960 với Gaetano Scirea đá quét, cặp trung vệ Fulvio Collovito, Giuseppe Bergomi và cầu thủ đá cánh trái dâng cao Antonio Cabrini. Cùng danh hiệu đó, Italia chính thức trở thành một siêu cường bóng đá và lối chơi của họ, vẫn duy trì một trường phái riêng, ngày càng hiện đại hơn, với khả năng phản công sắc sảo nhờ những đường bóng dài chết người, vũ khí chính giúp họ vô địch World Cup 2006 và đang gây ấn tượng mạnh mẽ ở EURO 2012.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X