Đã rất nhiều lần tiến gần đến vinh quang nhưng rốt cục đến thời điểm này bóng đá Bồ Đào Nha vẫn chưa giành được một danh hiệu nào ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Họ thiếu tài năng, không có bản sắc, hay đơn giản chỉ là quá thiếu may mắn?
Bồ Đào Nha chắc chắn không thiếu tài năng, chắc chắn. Từ thập niên 60 là sự hiện diện của "Báo đen" Eusebio, một trong những chân sút vĩ đại nhất trong thế giới bóng đá. Sang những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, bóng đá Bồ Đào Nha nở rộ những tài năng của thế hệ từng hai lần vô địch giải trẻ thế giới 1989, 1991 (Fernando Couto, Rui Costa, Figo,...) Và hiện tại là Cristiano Ronaldo, ngôi sao đắt giá và tài năng bậc nhất thế giới, người có khả năng chinh phục những ngưỡng khó tin của các kỷ lục.
BĐN vẫn chưa một lần vô địch ở các giải lớn
Bồ Đào Nha dĩ nhiên cũng không phải đội bóng thiếu bản sắc, bởi không phải vô cớ mà người ta gọi họ là Brazil của châu Âu. Thời nào, bóng đá nước này cũng sản xuất ra những cầu thủ đậm chất kỹ thuật để làm nền tảng cho lối chơi của ĐTQG và các CLB. Việc được coi như một trạm trung chuyển giữa Nam Mỹ và châu Âu giúp cho các cầu thủ bản địa có nhiều cơ hội tích lũy và trau dồi kỹ chiến thuật với những tài năng lớn của bóng đá Mỹ La tinh, mà trường hợp của Benfica, Sporting Lisbon hay Porto là một minh chứng.
Vậy điều gì đã khiến bóng đá Bồ Đào Nha vẫn mãi vô duyên với các danh hiệu? Sự may rủi chăng? Có thể lắm nếu biết rằng năm 1966, Bồ Đào Nha từng thua ĐT Anh ở bán kết trong một trận đấu mà Eusebio đã sút ầm ầm, đưa bóng vào lưới đội chủ nhà đến 5 lần, nhưng 4 lần bị thổi phạt việt vị, và trong đó có không ít tình huống gây tranh cãi. Hay như những thất bại trước người Pháp ở EURO 1984, 2000, đều đến vào những phút cuối cùng của hiệp phụ. Và có một điều đặc biệt, hầu như đội bóng nào đánh bại BĐN ở bán kết, sau đó đều lên ngôi vô địch cả. Chỉ có ĐT Pháp ở World Cup 2006 là một ngoại lệ khi thua Ý ở trận chung kết.
Chờ cho đến bao giờ?
Năm 1966, Eusebio gần như một mình kéo ĐT Bồ Đào Nha đi lên và giành vị trí thứ ba tại World Cup. Song rõ ràng, huyền thoại gốc Mozambique là ngôi sao cô đơn và dĩ nhiên một mình ông không thể làm nên chuyện. Trái lại, đó lại là một giai đoạn mà Sir Alf Ramsey có trong tay mình một thế hệ vàng thực sự với những cái tên như Gordon Banks, Bobby Charlton, Bobby Moore, Geoff Hurst,... Sự đồng đều về mặt đội hình, cộng thêm chút may mắn đã giúp người Anh đăng quang trên sân nhà. Năm 1984, Bồ thua Pháp, đội bóng sở hữu ngôi sao sáng chói Platini, cũng như bộ tứ huyền ảo. Còn năm 2000, Figo và đồng đội đã phải chạm trán một thế hệ nữa cũng cực kỳ xuất sắc: thế hệ Zidane.
Tất nhiên, nhân tố con người cũng không thể biện bạch cho những thất bại. Tám năm trước, người Bồ tiến sát nhất đến một danh hiệu khi họ được chơi trận chung kết EURO 2004 trên sân nhà, và đối thủ chỉ là một Hy Lạp vốn không được đánh giá cao trước giải. Nhưng rốt cục, đội bóng của Felipe Scolari đã gục ngã 0-1 bởi pha làm bàn duy nhất của Charisteas, còn Hy Lạp viết lên một câu chuyện thần thoại thực sự.
Thật ra ở giải đấu năm nay, người ta cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào ĐT Bồ, một phần vì họ rơi vào bảng tử thần (cùng Đan Mạch, Đức, Hà Lan), một phần vì những gì mà họ thể hiện ở vòng loại cũng không thực sự thuyết phục (hàng công có hiệu suất quá kém, dù đang sở hữu chân sút đã ghi đến 60 bàn thắng cho Real ở mùa giải vừa qua. Sự kỳ vọng chỉ được đánh thức sau khi Ronaldo hồi sinh trong hai trận đấu với Hà Lan và CH Czech. Thế nhưng chừng ấy là chưa đủ để tạo nên một cỗ máy chiến thắng. Việc Bồ Đào Nha chơi ngang ngửa với ĐKVĐ Tây Ban Nha ở trận đấu vừa qua là cực kỳ đáng khen, nhưng họ lại không đủ sự lạnh lùng và sắc sảo để có thể tự quyết định số phận ngay trong thời gian thi đấu chính thức.
Thật ra, trước khi trở thành một thế lực của bóng đá châu Âu và thế giới, người TBN cũng giống như Bồ Đào Nha bây giờ: không hề thiếu siêu sao (Sanchis, Hierro, Raul Gonzalez,...) nhưng chỉ được coi là ông vua vòng loại. Người Tây Ban Nha đã phải đợi 44 năm để giải tỏa cơn khát danh hiệu.
Còn Ronaldo và đồng đội? Bao giờ cho tới bao giờ?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)