Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều trường phái bóng đá nổi tiếng bị "tuyệt chủng" trong dòng chảy của bóng đá hiện đại: Catenaccio và bóng đá tổng lực chỉ còn tồn tại trên những cuốn băng hình, hoặc dưới dạng không hoàn chỉnh ở thì hiện tại. Bây giờ, số phận của Tiqui-taca sẽ thế nào?
Catenaccio thuần chất được cho đã "qua đời" được 40 năm, kể từ trận chung kết Cúp C1 năm 1972 giữa Ajax Amsterdam và Inter Milan. Trận ấy, cú đúp của thủ lĩnh Johan Cruyff đã thổi bay hệ thống phòng thủ dưới sự chỉ huy của Giacinto Facchetti, hậu vệ tiêu biểu nhất của trường phái Catenaccio, đánh dấu sự tan vỡ của hệ thống phòng ngự dạng kèm người.
Bóng đá tổng lực mà Ajax vận hành thời kỳ ấy, với khả năng hoán chuyển vị trí của tất cả các mắt xích trong đội hình, đã giải mã được Catenaccio, lối phòng thủ thật ra dựa trên sự ăn ý cao độ khi kèm người và bọc lót là chủ yếu, chứ không phải là khả năng tổ chức khoa học theo khu vực phòng ngự.
Xavi - Bộ não của tiqui-taca đã chơi khá tồi trong 2 trận gần đây
Biến thể của Catenaccio xuất hiện ngay sau đó: Cách phòng ngự theo kiểu kèm người bị thay thế bằng phòng ngự khu vực, nhưng vị trí libero vẫn được giữ lại và cầu thủ này sẽ đảm nhiệm vai trò đeo bám cầu thủ nguy hiểm nhất của đối phương. Với lối chơi này, Italia đã lên ngôi ở World Cup 1982, nơi mà Claudio Gentile đã kèm Maradona chặt chẽ đến nỗi "Cậu bé vàng" phải phát khóc.
Bóng đá tổng lực suy thoái khi cách chơi phòng ngự theo khu vực xuất hiện, và cho đến giữa thập niên 90 thế kỷ trước, khi vai trò libero bị phủ nhận hoàn toàn và hệ thống 4 hậu vệ giăng ngang ra đời, thì lối chơi tổng tấn công ấy chính thức "tuyệt chủng".
Hai trường phái lớn Catenaccio và bóng đá tổng lực đã bị tiêu diệt theo cùng một cách: Tính tổ chức phát triển ngày một cao hơn trong bóng đá hiện đại, khi các cầu thủ không chơi được phép chơi một cách quá phóng túng và phải "gò" mình trong một không gian nhất định trên sân, đã xóa bỏ những hệ thống đòi hỏi quá nhiều kỹ năng ở các cầu thủ (bóng đá tổng lực cần những cầu thủ chơi được tốt hầu hết các vị trí trên sân, còn Catenaccio cần những hậu vệ kết hợp được cả tư duy và kỹ năng phòng ngự tốt), mà phủ nhận đi phần nào tính chiến thuật.
Số phận của Tiqui-taca?
Tiqui-taca được coi là một dạng biến thể để thích ứng của bóng đá tổng lực, cũng đề cao kiểm soát bóng bằng những đường chuyền ở đoạn ngắn kết hợp di chuyển, nhưng không cho phép tất cả các cầu thủ được phép hoán chuyển vai trò cho nhau như bóng đá tổng lực (Puyol chỉ có thể chơi hậu vệ, chứ anh không thể nhao lên đá tiền vệ cánh, hoặc tiền vệ trung tâm). Đó là một hệ thống mang tính tổ chức cao hơn bóng đá tổng lực, chắt lọc được những tinh hoa của lối chơi huyền thoại này và được vận hành bởi các cầu thủ đã "ăn tập" với nhau từ bé. Đó là lý do giải thích tại sao lối chơi này được nâng lên thành một trường phái thống trị thế giới, ngang hàng Catenaccio và tổng lực trước kia.
Nhưng sau khi chứng kiến những gì mà Inter Milan cách đây hai năm và Chelsea của mùa giải này làm được, chúng ta thấy rằng tính tổ chức và kỷ luật trong phòng ngự của bóng đá hiện đại đã phát triển đến một mức độ cao thế nào: Một tiền đạo như Drogba cũng có ý thức và các kỹ năng phòng ngự không tồi, và trong một khoảng không gian chật hẹp như những gì đã diễn ra rạng sáng qua, lối chơi của Barca có thời điểm gần như đã trở thành vô nghĩa, không khác gì việc húc đầu vào đá.
Nhưng chúng ta cũng có lý do để tin tưởng rằng Tiqui-taca sẽ không bị dồn đến bờ vực "tuyệt chủng" như Catenaccio hay bóng đá tổng lực, bởi nó không bị giải mã dựa trên việc các đội bóng đã tìm ra khắc chế bằng việc đưa ra lối chơi có tính tổ chức cao hơn để bẻ gãy Tiqui-taca một cách thực sự. Những gì diễn ra rạng sáng qua và cả trận gặp Inter cách đây 2 năm cho thấy có rất nhiều điều kiện đặc thù phải xảy ra để một đội bóng có thể khiến Tiqui-taca phải đầu hàng: Rất nhiều may mắn, thể lực suy giảm đến khó tin của Barcelona, và đặc biệt là phải đủ sự kiên định để theo đuổi một lối chơi tử thủ trong khoảng không gian rất hẹp ở 30 mét cuối cùng. Điều kiện thứ ba có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, và Chelsea 2012 lẫn Inter 2010 đều đã có lý do để "dựng xe bus" ở Camp Nou (họ đều bị mất người và cần bảo vệ lợi thế). Chính kiểu chơi ấy đã "trói" Tiqui-taca lại và phủ nhận tính nhịp điệu của nó vô cùng hiệu quả.
Vì thế, hãy tin tưởng rằng ngày Tiqui-taca thoái trào vẫn còn xa lắm, ít nhất là khi La Masia vẫn còn tạo ra được những Xavi, Iniesta thế hệ thứ 2, thứ 3...
(Theo Thể Thao Văn Hoá)