Sau chiến thắng hoành tráng 4-0 trong thế hơn người trước Bồ Đào Nha, đoàn quân của HLV J.Loew tự tin bước vào trận đấu thứ 2 của mình với Ghana. Vẫn ra sân với đội hình không có tiền đạo cắm thực thụ, ĐT Đức dễ dàng kiểm soát thế trận với những pha phối hợp ngắn và trung bình, hạn chế tối đa những cuộc đua thể lực với đối thủ.
Thoạt nhìn thì thế trận mà đoàn quân của HLV J.Loew tạo ra mang đến sự an tâm cho người hâm mộ bởi lối đá ung dung không mất nhiều sức nhưng vẫn đủ để kết liễu đối thủ bất cứ lúc nào. Với sự cơ động của Gotze, Oezil và Muller các đợt lên bóng của ĐT Đức trải đều cả 2 cánh cũng như trung lộ.
Nhưng trước 1 đối thủ cơ bắp, thi đấu kỉ luật thì các pha lên bóng của Die Mannchaft chỉ dừng lại ở mức cơ hội. Các đường chuyền cuối cùng đều dễ dàng bị bẻ gãy vì thiếu sự sắc sảo.Trước lối chơi hợp lý của đối thủ, ĐT Đức đã gặp bế tắc thật sự. Họ cần lắm những nhân tố đột biến để tạo nên sự khác biệt.
Trong bối cảnh đó, Mesut Oezil là cầu thủ được chờ đợi nhất để giải quyết trận đấu nhưng có vẻ như sau 1 mùa giải không mấy thành công cùng Arsenal đã khiến cho tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất mình khá nhiều. Lối đá mềm mại, uyển chuyển cùng những đường chuyền với mức độ sát thương cực cao đã không còn. Thi đấu cố gắng, di chuyển nhiều nhưng với vai trò là bộ não của đội tuyển thì rõ ràng những gì mà Oezil thể hiện là thiếu thuyết phục.
Một người nữa được kì vọng là Mario Gotze, nhưng những gì mà cầu thủ được ví là “Messi của ĐT Đức” làm được là không nhiều.Trong giải đấu lớn đầu tiên được trao cơ hội đá chính khiến cho Mario Gotze có cảm giác bị “cóng”, anh xử lí các pha bóng khá đơn giản và không thể hiện được sự dứt khoát trong những pha bóng quyết định.
Trong khi đó, với những người còn lại thì Muller là người giỏi ghi bàn hơn là kiến tạo, Kroos là người phát động tấn công tốt, chuyền dài chính xác và có thể tung ra những cú sút xa đầy uy lực nhưng vị trí thi đấu của anh cách khá xa khung thành đối phương nên cơ hội tạo dấu ấn của anh là không nhiều.
Tựu chung lại, sức công phá của ĐT Đức phụ thuộc rất nhiều vào bộ 3 thi đấu cao nhất trên hàng tấn công, trong khi nhiệm vụ chính của Lahm, Khedira hay Toni Kroos là đảm bảo quyền kiểm soát thế trận cho đội nhà và hạn chế tối đa những tình huống phản công nhanh của đối thủ.
Khi theo dõi ĐT Đức thi đấu và chứng kiến sự bế tắc của các cầu thủ con cưng chắc hẳn không ít người hâm mộ “những cổ xe tăng” sẽ nghĩ về Marco Reus, người đáng lí ra đã đảm nhiệm 1 trong 3 vị trí chơi cao nhất của ĐT Đức ở World Cup lần này nếu không dính chấn thương vào phút chót. Tiền vệ của Dormund là người có thể thi đấu ở bất cứ vị trí nào trên hàng công từ vai trò nhạc trưởng, tiền đạo cánh hay là “số 9 ảo” trong sơ đồ của Loew.
Ở Reus người ta có thể chờ đợi rất nhiều điều. Đầu tiên là những pha bứt tốc cực nhanh ở biên để loại bỏ hậu vệ đối phương, điều mà Mario Gotze (người chơi thay vị trí của anh chưa làm được). Tiếp đến là những pha cầm bóng xộc thẳng vào hàng phòng ngự đối phương để ghi bàn (điều rất hiếm thấy ở Thomas Muller), hay khả năng đá phạt cực tốt ở anh.
Nhưng trên hết nếu có anh ĐT Đức sẽ có người san sẻ hay thậm chí là gánh vác thay Mesut Oezil ở khâu kiến tạo cho đồng đội. Phong độ thiếu ấn tượng của Oezil 1 phần là do sự sa sút của bản thân anh nhưng mặt khác là do anh bị đối phương chăm sóc quá kĩ, khoảng không dành cho anh là quá ít và vì thế cơ hội để anh tỏa sáng là không nhiều.
Rõ ràng, chấn thương của Marco Reus đã mang đến nhiều xáo trộn cho ĐT Đức. Người ta lo ngại những phản ứng dây chuyền không mấy tích cực sau chấn thương của tiền vệ này và những lo ngại đó đã trở thành hiện thực. Chứng kiến những gì Die Mannchaft thể hiện càng khiến cho người ta càng nhớ Marco Reus hơn.
Theo Bongda