Lần thứ hai kể từ sau chức vô địch tại giải U-17 Thế giới năm 2004, thế hệ 1987, bao gồm Benzema, Ben Arfa, Menez và Nasri, mới lại cùng sát cánh bên nhau từ đầu trong một trận đấu của đội tuyển Pháp. Nhưng trận gặp Iceland vừa qua cho thấy rằng đó chưa phải là một thứ vũ khí đáng tin cậy của đội áo Lam, và họ buộc phải tìm thêm những phương án mới.
Kỳ vọng đặt lên vai thế hệ 87 là rất lớn, nhưng lần bên nhau thứ hai trong vòng 8 năm không mang lại nhiều tín hiệu tích cực, thậm chí là đáng thất vọng. Trước trận đấu này, họ chỉ cùng có mặt trên sân vỏn vẹn 18 phút trong trận đấu với Na Uy tại Oslo vào tháng 8/2010, trận đầu tiên dưới triều đại của ông Blanc. Hai năm trước là những mảnh ghép rời rạc, bởi họ chỉ mới tái hợp sau scandal kinh khủng ở Nam Phi. Bây giờ, khi EURO đã cận kề và người Pháp cần tìm một sức bật mới cho đội tuyển, thì những gì thể hiện ở trận gặp Iceland vẫn cho thấy thế hệ 1987 không phải là một điểm tựa đáng tin cậy.
Tuyển Pháp có nhiều cầu thủ thuộc hệ 1987
Việc chọn Iceland làm đối thủ cho trận giao hữu cuối cùng trước EURO cho thấy ông Blanc muốn đội Pháp sẵn sàng làm quen với lối chơi giàu thể lực, chịu va chạm và rất bền bỉ, tương tự cách đá của một đội Bắc Âu khác ở bảng D là Thụy Điển. Cuối cùng thì hàng thủ thủng lưới hai bàn, và bộ tứ tuổi mèo của đội áo Lam dễ dàng bị chia cắt bởi kiểu phòng ngự đơn giản, nhưng áp sát liên tục và tận dụng rất nhiều sức mạnh của Iceland. Sau hai bàn thua, họ càng chơi mất tự tin, và suốt 90 phút, chỉ có vài pha phối hợp đáng xem. Ông Blanc đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào kỹ thuật và trí tưởng tượng của họ, nhưng mối liên lạc của 4 cầu thủ này dễ dàng bị cắt đứt bởi lối phòng thủ thể lực đơn thuần.
Áp lực đã khiến họ không còn là những chàng trai vô tư như thời điểm cùng giương cao chức vô địch Thế giới U-17 cách đây 8 năm? Có thể. Trong một bài phỏng vấn mới đây, Ben Arfa tuyên bố rằng “đội Pháp không chỉ có thế hệ 1987, mà là tập hợp của những cầu thủ từ trẻ đến lão luyện”, và thế hệ của anh vẫn “cần phải trưởng thành hơn để tự mình gánh vác màu áo Lam”.
Những phương án mới
Pháp sẽ lại cất thế hệ 1987 lên ghế dự bị và tìm những phương án mới. Sự xuất sắc của Olivier Giroud trong trận gặp Iceland (ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn) là một gợi ý không thể tốt hơn cho ông Blanc, nhất là khi từ lâu, đội Pháp thiếu một dạng trung phong cắm cổ điển, với sức mạnh, khả năng làm tường và những kỹ năng dứt điểm đơn giản thuần thục.
Phía sau anh, Mathieu Valbuena sẽ thử sức ở vị trí tiền vệ biên phải, sau khi đã chơi khá tốt ở Marseille trong vai trò một hộ công ở mùa giải vừa qua. Marvin Martin của Sochaux vừa trải qua một mùa bóng khá tệ, nhưng kiểu tiền vệ công dứt khoát và hiện đại như anh là một nét mới, trong một đội hình mà các cầu thủ tấn công, đặc biệt lại là những người của thế hệ 1987, đều quá ham giữ bóng. Tương tự, Florent Malouda cũng sẽ giúp đội Pháp tiếp tục đơn giản hóa lối chơi, và tham gia hỗ trợ phòng ngự hiệu quả hơn.
Những gì diễn ra ở trận giao hữu với Serbia có thể hé mở một diện mạo mới của đội Pháp, sau những thất vọng mà thế hệ 1987 mang lại ở trận gặp Iceland. Sau khi làm quen với lối chơi giàu thể lực kiểu Bắc Âu, Serbia, với nền tảng kỹ thuật cực tốt và đội hình đang ở độ tuổi sung sức (trong danh sách triệu tập lần này của họ, không có cầu thủ nào từ 30 tuổi trở lên, và có đến 9 người là… 9x!). Với một hàng thủ có “cấu tạo” là những chiến binh dày dạn như Ivanovic (Chelsea), Subotic (Dortmund), Kolarov (Lazio), Lukovic (Udinese), hay Bisevac (PSG), Serbia sẽ là một thử thách lớn trong nỗ lực thử nghiệm khả năng công phá của đội tuyển Pháp.
Việc dựa vào một sự kết hợp có phần gượng gạo theo độ tuổi như “bộ tứ 1987” đã khiến đội tuyển Pháp không những không tạo ra được diện mạo mới trên hàng công, mà nó còn khiến đội ngũ của họ mất cân bằng. Bây giờ, cái họ cần phát huy là tính tập thể và sự hợp lý trong từng vị trí, tiến từng bước vững chắc và tìm dần trở lại bản ngã tấn công. Ở một thời đại mà những thế hệ vàng có lẽ chỉ còn trong dĩ vãng.
Đội hình dự kiến Pháp: Lloris - Reveilliere, Koscielny, Rami, Clichy - A. Diarra, M'Vila - Valbuena, Martin, Malouda – Giroud Những vấn đề trước giờ G Hàng thủ chưa đạt điểm rơi phong độ. Iceland, với lối tấn công khá đơn giản và nhịp độ cũng không cao, nhưng cũng là đủ để chọc thủng lưới Pháp hai bàn, chỉ với đúng hai cơ hội trong hiệp một. Mathieu Debuchy sai lầm ở bàn thua thứ hai, Adil Rami hăng hái tấn công hơn là phòng ngự (dưới triều đại Blanc, anh đứng thứ ba trong danh sách dứt điểm nhiều nhất, với 25 cú sút, chỉ sau Benzema và Malouda!), Evra có lỗi vị trí trong cả hai bàn thua và tham gia tấn công cũng không ấn tượng, dù đó vốn là điểm mạnh của anh. Sự sáng tạo vẫn thấp. Trong tay ông Blanc là không ít những cầu thủ sáng tạo, kết hợp được kỹ thuật và trí tưởng tượng (Nasri, Ribery, Martin), nhưng Pháp tấn công vẫn dựa quá nhiều vào những tình huống “hy sinh” cầu thủ ở vị trí phòng ngự để tăng nhân lực tấn công (các trung vệ và tiền vệ trụ dâng lên), hơn là dựa vào khả năng di chuyển và bóc tách hệ thống phòng ngự đối phương của các cầu thủ tấn công đang có. Pháp thường xuyên cầm bóng đến 60% mỗi trận, nhưng thiếu đột biến trong những tình huống cuối cùng. Thiếu sự sắc bén. Pháp tung ra đến 33 cú sút trong trận gặp Iceland, nhiều nhất dưới triều đại Blanc, nhưng chỉ 4 trong số đó đi trúng đích, và hai thành bàn. Họ cũng thiếu một thứ vũ khí để phá vỡ sự bế tắc: Trong 55 quả phạt trực tiếp gần đây được hưởng, Pháp không thể chuyển thành bàn thắng lần nào. Thiếu thủ lĩnh. Họ thiếu cả thủ lĩnh tinh thần và thủ lĩnh lối chơi. Zidane và Platini đã từng đảm nhận cả hai vai trò ấy ở các giải EURO 1984 và EURO 2000, nhưng giờ thì một cầu thủ đảm nhận riêng lẻ từng vai trò ấy cũng không có. Ribery có chuyên môn tốt nhất, nhưng ảnh hưởng lên đội tuyển thấp và cũng không tạo ra được dấu ấn đặc biệt trong lối chơi. Về mặt tinh thần, đội hình non trẻ hiện tại chắc chắn chưa tìm ra một thủ lĩnh thực sự. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)