Luka Modric vừa là cầu thủ Croatia trẻ nhất lẫn lớn tuổi nhất ghi bàn ở một vòng chung kết Euro. Cả chiều dài dòng thời gian sự nghiệp của anh được kết tinh qua bàn thắng đó. Suốt cả sự nghiệp, Luka Modric thường xuyên sử dụng má ngoài để chơi bóng. Nó trở thành một thứ đặc sản của tiền vệ Croatia, làm nên thương hiệu của anh. Anh làm nó nhiều đến mức mà giới truyền thông không ưa Rafa Benitez đã gán cho chiến lược gia người Tây Ban Nha việc ông cấm Modric không được sử dụng má ngoài nữa.
Benitez sau đó phải lên tiếng đính chính: “Tôi chỉ bảo cậu ấy rằng khi có thể chuyền bóng đơn giản, cậu phải chuyền nó bằng lòng trong vì đồng đội sẽ dễ xử lý hơn. Khi thi đấu, tôi cũng từng dùng má ngoài nhưng chỉ là những đường chuyền trong khoảng 10-15m. Những ai biết tôi điều biết việc tôi bảo Modric ngừng dùng má ngoài là dối trá”.
Nhưng tất nhiên, Modric sử dụng nó hiệu quả, và thành thục đến mức động tác được thực hiện một cách rất nhẹ nhàng khi nhìn bằng mắt thường. Nhưng bàn thắng của anh hôm nay còn lớn lao hơn thế, đó là thứ đẳng cấp mà người Croatia trông chờ, nương nhờ vào người đội trưởng của họ. Là ngôi sao số một của đội bóng, đội trưởng của cả tập thể, một trong những thành viên còn lại của thế hệ vàng đã vào đến chung kết World Cup 3 năm trước, Lukita hiểu anh mang trọng trách to lớn đến nhường nào.
Về cơ bản, Luka Modric là một dạng thủ lĩnh trầm lặng. Có thể ở hậu trường, anh sẽ có những đặc quyền nào đó, nhưng trên sân, Modric tạo cho chúng ta cảm giác anh chỉ tập trung vào chơi bóng. Không cần la lối, không cần đao to búa lớn, đôi chân anh nhún nhẩy cùng trái bóng, cái đầu quan sát khắp nơi thôi cũng là nguồn cảm hứng cho phần còn lại.
Tất nhiên, những mẫu cầu thủ thông minh như Modric, mọi hành động trên sân đều có mục đích, và đôi khi, mọi thứ được thực hiện một cách nhẹ bẫng đến mức chúng ta có thể đôi lúc nghĩ rằng chơi bóng ở đẳng cấp thế giới, chơi bóng ở đẳng cấp Quả bóng Vàng lại đơn giản như vậy sao?
Ở tuổi 35, Modric vẫn là linh hồn của Croatia, đó là điều không thể khác. Thậm chí, Modric chơi đúng với đẳng cấp của mình chứ không chỉ là dạng thủ lĩnh tinh thần đơn thuần. Trước CH Czech, anh chơi trọn 90 phút với đẳng cấp cao nhất của một người đã quá hiểu bóng đá, quá hiểu về trận đấu, mọi thứ được thực hiện đúng nhịp điệu. Sau trận, ban tổ chức trao cho đội trưởng Croatia danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận.
Ảnh: Getty Images
Trước Scotland, anh lại là người chỉ huy lối chơi của Croatia bằng nhịp điệu không hề mất đi. Ngôi sao 35 tuổi chạm bóng 115 lần, tung ra 98 đường chuyền, thực hiện 2 cú dứt điểm, có 1 pha cắt bóng, tạo ra 1 cơ hội ghi bàn, có 1 bàn thắng và 1 kiến tạo. Nhưng tất nhiên, những con số thống kê không thể nào lột tả hết cái “đã”, cái “sướng” khi xem Modric thi đấu. Xem những cầu thủ như anh chơi bóng, đôi khi chúng ta cần gạt bỏ những số liệu sang một bên để tận hưởng từng pha lắc hông, những cú trivela, những pha di chuyển không bóng.
Modric không phải gánh nặng cho đội như nhiều cầu thủ đã ở tuổi 35 như anh, thậm chí sự xuất chúng của anh còn kéo cả tập thể đi lên. Không còn ở thể lực sung mãn nhất nhưng với những cầu thủ chơi bóng bằng cái đầu như Lukita, vấn đề là họ có thể giải quyết ổn thỏa để không trải qua cảm giác hẫng. Modric còn ra sân, người Croatia còn có quyền hy vọng.
Và người ta cũng sẽ quên đi đã có lúc anh từng là “kẻ thù” trong mắt dư luận trong nước vì những dính líu liên quan tới Zdravko Mamic, cựu giám đốc điều hành Dinamo Zagreb, người bị cho là vươn vòi bạch tuộc thao túng cả nền bóng đá Croatia. Modric gia nhập Dinamo Zagreb năm 14 tuổi và được Mamic cưu mang, giúp đỡ từ đồ dùng tập luyện, thi đấu cho tới nhà lầu, xe hơi.
Năm 2018, anh bị cáo buộc khai man trong vụ án Mamic, vụ án truy tố ông về tội tham nhũng bằng cách hợp thức hóa qua các giáo dịch chuyển nhượng cầu thủ Dinamo Zagreb, trong đó có Modric. Trước tòa, anh nói rằng mình không nhớ những giấy tờ mà Mamic đưa ra cho mình ký.
Ảnh: Getty Images
Khách sạn Zadar ở Croatia, nơi gia đình Modric sống suốt nhiều năm trong thời chiến tranh, bị mọi người vẽ những bức grafiti phản đối. “Luka, rồi một ngày anh sẽ nhớ ra thôi!”, “Con điếm của Mamic” là những dòng chữ được phun sơn lên tường.
Nhưng người ta quên đi những thù hằn khi thấy Modric kéo cả tập thể đi lên. Có lẽ với người nổi tiếng, chúng ta cần học cách làm quen với việc tách bạch con người ngoài đời thường và con người trong nghề nghiệp của họ. Với giới cầu thủ cũng vậy. Chúng ta không hoàn toàn biết con người của Modric ở bên ngoài sân cỏ, nhưng ở trên sân, khi khoác bộ đồ trang phục thi đấu vào, anh mang lại sự mãn nhãn cho tất cả bằng thứ bóng đá đầu óc, đó là thứ chúng ta được chứng kiến dù chỉ là qua chiếc màn hình.
Mùa giải vừa rồi, Modric là cầu thủ xuất sắc nhất của Real Madrid. Ở đội tuyển quốc gia, anh vẫn là nguồn cảm hứng vô tận, là ngọn hải đăng để tất cả nhìn vào, thấy ánh sáng và đi đúng hướng. Dẫu biết bóng đá là môn thể thao của tập thể, nhưng cần phải nhắc lại lần nữa, chừng nào Modric còn ra sân, người Croatia còn có quyền hy vọng.
Trước thềm diễn ra Copa America 2024, Lautaro Martinez chỉ có được duy nhất 1 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia Argentina trong 17 trận gần nhất anh có cơ hội ra sân thi đấu. Đó quả là một thành tích trái ngược hoàn toàn so với những gì anh đã thể hiện trong màu áo của Inter Milan những mùa giải gần đây. Nhiều người còn tự đặt ra câu hỏi rằng liệu anh có quá vô duyên khi lên tuyển hay không? Phải chăng trong màu áo của Albiceleste, anh không thể phát tiết được hết những gì mình làm tốt nhất?
Không ổn, thực sự tình hình là không ổn khi Szoboszlai nhìn thấy những cái vẫy tay liên tục của trung vệ Endre Botka. Những cái vẫy tay kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế trong khoảnh khắc có cầu thủ nằm sân chưa bao giờ là phút giây dễ chịu với bất kỳ cầu thủ hay vận động viên thể thao nói chung...
Ghi 35 bàn và trở thành vua phá lưới của một giải đấu cũng có không ít sao số khiến giờ đây chúng ta lại phải băn khoăn: liệu đến khi nào cái tên Ronaldo đó mới thôi ghi bàn và chịu dừng lại?
Năm 2016, Gian Piero Gasperini tới Atalanta với nhiệm vụ tránh để đội bóng phải xuống chơi ở Serie B. Và từ một đội bóng xếp hạng 13 chung cuộc ở mùa giải 2015/16, Atalanta dưới bàn tay của Gasperini đã vươn lên về đích ở vị trí thứ 4 ở mùa giải sau đó và có được tấm vé tham dự Europa League vào mùa tiếp theo.
Ngày ông rời đi, Liverpool không có được một kết quả mĩ mãn để tri ân ông. Nhưng bóng đá có bao giờ tròn vẹn. Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở, bài ca hay thì có kết thúc “mở” để tiếp tục viết tiếp những vần thơ.