“Nay đa số các cầu thủ Croatia đá không đúng phong độ. Không biết do kiệt sức vì trận tứ kết phải đá pen hay có sự can thiệp nào mà các cầu thủ đá như mất hồn vậy nhất là Rakitic.” – Xin trích lại nguyên văn một comment trong một bài viết thuộc loạt bài cập nhật diễn biến trận bán kết Anh-Croatia đêm qua.
|
Góc nhìn sau trận Anh vs Croatia: Hãy thưởng thức bóng đá qua gam màu sáng |
Vì sao người viết lại chủ động đưa vấn đề này lên đây? Vì gần đây xuất hiện quá nhiều những nhận xét có nội dung như thế. Và hẳn khi các bạn đã viết ra và nhấn Enter để những dòng này hiện lên, các bạn cũng phần nào muốn nhận lại phản hồi từ phía chúng tôi.
Và câu trả lời mà chúng tôi gửi đến chính là những bức ảnh bên dưới. Những bức ảnh cho ta thấy mặt trái của bóng đá ở trên sân cỏ. Những va chạm, chấn thương và nguy hiểm mà những cầu thủ đã đối diện. Để có được những bàn thắng, hay những chiến thắng, các cầu thủ đã phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ, ngay cả bản thân mình.
“Tại sao Rakitic thi đấu thất thểu như thế ở trận đấu đêm qua?” Thay vì đặt câu hỏi như thế, chúng ta nên hướng đến một cách nhìn khác. “Làm sao mà Rakitic có thể chạy tiếp 120 phút trong đêm qua, khi mà anh đã chạy hết cả 240 phút trong hai trận đấu trước đó?”
Ngồi suốt hai tiếng để xem một trận bóng trên TV, chúng ta cũng đã đau lưng, mỏi gối. Vì thế khó trách cầu thủ chạy suốt thời gian ấy xương cốt rã rời. Dù có tập luyện chuyên nghiệp như thế nào thì họ cũng là con người, và đều có giới hạn.
Trong một mùa giải chuyên nghiệp, các câu lạc bộ nhiều lắm cũng chỉ trải qua ba trận một tuần, trong những quãng thời gian cao điểm. Nhưng ở đó, với lực lượng dồi dào, và tính chất của giải đấu, các huấn luyện viên có quyền xoay vòng đội hình để các cầu thủ luân phiên nghỉ ngơi.
Còn World Cup thì sao? Suốt một tháng qua, những con người ấy phải ra sân liên tục. Tính chất sống còn, ý nghĩa của giải đấu không cho phép các huấn luyện viên có sự lựa chọn khác. Modric hôm qua “lết” trên sân trong hai hiệp phụ, nhưng Zlatko Dalic chỉ dám thay anh khi mọi sự gần như ngã ngũ.
|
Luka Modric: Ngọn cờ đầu của người Croatia |
Tính hết trận đấu đêm qua, đội hình chính của Croatia đã trải qua hơn 360 phút thi đấu với cường độ cao, tức là đến bốn trận liên tiếp trong vòng mười ngày. Tuổi đôi mươi còn khó thở với lịch thi đấu như thế chứ chưa nói đến những người đã chớm đầu ba. Và đi cùng với thể trạng, tinh thần chắc chắn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Đó là về bản thân các cầu thủ Croatia. Còn về đối thủ, Croatia đối diện với một tập thể trẻ khoẻ bậc nhất World Cup năm nay. Và với việc liên tiếp bị áp sát bởi những đôi chân trẻ trung hơn, cộng thêm lý do trên, chuyện Rakitic xử lý lỗi âu cũng không có gì là lạ.
Bởi thế đừng vì một hiệp đấu không đúng sức mà đánh giá cả sự trung thực của Rakitic. Chính anh chứ không phải ai khác, đã quyết định thắng thua của đội nhà ở những trận đấu trước.
|
Croatia vs Anh |
Đứng về phía tuyển Anh cũng như thế. Ai xem từ đầu giải hay kể cả tuyển Anh những ngày trước cũng giống như đêm qua, họ đều chơi chùng xuống khi có bàn thắng để bảo toàn tỷ số. Đó là toan tính của huấn luyện viên. Cũng hợp lý thôi, Pháp cũng thu về khi có bàn thắng, Uruguay cũng thu về khi có bàn thắng và họ đều có thắng lợi. Chỉ là canh bạc mà Southgate sử dụng đã thất bại. Nhưng nhìn cách Pickford lăn xả cản phá cũng cho thấy quyết tâm chiến thắng rất rõ ràng.
Và nhìn rộng ra cũng không nên đánh giá sự trung thực của các cầu thủ một cách quá đáng như thế.
Dĩ nhiên, bóng đá vẫn còn đó những góc khuất khó có thể vén màn hết được. Nhưng ở sân chơi lớn như World Cup, các cầu thủ phải thi đấu dưới sự giám sát của nhiều cơ quan, bộ phận, tổ chức, thậm chí là kể cả nguyên thủ quốc gia. Chỉ một sự gian dối sẽ bị đem đi điều tra ngay lập tức. Và trước khi có những chứng cứ cụ thể, thiết nghĩ chúng ta không nên đánh giá dựa theo cái nhìn chủ quan, đặc biệt là khi cái nhìn ấy đánh vào lòng tự trọng của những con người đang cống hiến hết mình trên sân cỏ.
Đặc biệt nhất là khi những đôi chân ấy còn thi đấu dưới con mắt của hàng tỷ người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới, và đại diện cho cả một đất nước. Và không ai khác, chính những người hâm mộ là bộ phận giám sát khắt khe và công tâm nhất.
Họ sẵn sàng ném đủ thứ vào cầu thủ và la ó như những gì đội tuyển Brazil phải chịu, nhưng họ cũng sẵn sàng ăn mừng, động viên như người dân Nhật Bản dành cho những người con ưu tú của đất nước. Nếu có sự gian dối, liệu những phản ứng này có đúng là sự thật?
|
Người hùng Mario Mandzukic khoác cờ Croatia lên người. |
Thế nên, thay vì nghi ngờ những tình huống xử lý lỗi, hãy nhìn vào hình ảnh trên. Không có một nhà cái nào có thể bắt Pickford...cắm đầu xuống đất, không có một thế lực nào có thể buộc Mandzukic phải lao người với tốc độ cao vào đầu gối của thủ thành đối phương. Khó có đồng tiền nào có thể bắt Trippier phải chảy những dòng nước mắt đau đớn, hay những dòng nước mắt hạnh phúc Modric, Lovren ở bên kia chiến tuyến. Còn đó hình ảnh Rakitic lao vào đòi ăn đủ với Alli. Hình ảnh Vrsaljko bình yên trên lá quốc kỳ, Vida vui đùa cùng những đứa bé. Và kể cả các cầu thủ Anh xin lỗi người hâm mộ, để rồi gia đình đã trao cho các anh những cái ôm an ủi trên khán đài.
Thay vì theo đuổi những gam màu tối, nhưng không rõ ràng. Tại sao chúng ta không thưởng thức bóng đá bằng gam màu sáng đang hiển hiện phía trước mắt?
PHƯƠNG GP (TTVN)