Premier League 2019/20 sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử của bóng đá Anh. Bởi sau tất cả, VAR (Video Assistant Referee) - trợ lý trọng tài video sẽ chính thức được áp dụng, ở toàn bộ 380 trận đấu trong suốt mùa giải. Trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Premier League chính là giải đấu cuối cùng coi VAR như là một phần của cuộc chơi.
Premier League 2019/20 sẽ đánh dấu một cột mốc lịch sử của bóng đá Anh. Bởi sau tất cả, VAR (Video Assistant Referee) - trợ lý trọng tài video sẽ chính thức được áp dụng, ở toàn bộ 380 trận đấu trong suốt mùa giải. Trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Premier League chính là giải đấu cuối cùng coi VAR như là một phần của cuộc chơi.
|
Tất cả những gì bạn cần biết về VAR – Premier League 2019/20 |
VAR, với những người từng theo dõi thường xuyên Bundesliga, La Liga, Serie A, Ligue 1 và dĩ nhiên VCK World Cup 2018 hay Asian Cup đầu năm nay, đã không còn là thứ gì đó quá xa lạ. Về cơ bản VAR tại Premier League ở mùa giải sắp khai diễn sẽ tuân theo những tiêu chuẩn chung của Công nghệ “trợ lý trọng tài video” đã áp dụng ở nhiều trận đấu, giải đấu khác, trong 2 năm qua. Tất nhiên, vẫn có một chút dị biệt và một số hạng mục mà Premier League sẽ không coi VAR như là một giải pháp hỗ trợ. Dưới đây, là tất cả những gì bạn – người hâm mộ Ngoại hạng Anh – cần biết về VAR của Premier League 2019/20.
VAR sẽ được áp dụng trong những trường hợp nào
Những lỗi rõ ràng và các tình huống (mà trọng tài chính) bỏ qua mà có ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi trận đấu thuộc pham vi xử lý của VAR. Theo đó, VAR sẽ tự động kiểm tra các tình huống thuộc 4 trường hợp sau đây: Bàn thắng xảy ra (hợp lệ hay không); Một quả phạt đền (dù trọng tài đã quyết định trước đó hay bỏ qua); Thẻ đỏ trực tiếp; Nhận dạng nhầm cầu thủ (phạt thẻ không đúng người).
Sau khi kiểm tra các tình huống thuộc 4 trường hợp vừa nêu, VAR sẽ gửi tín hiệu thông báo tới trọng tài chính. “Vua áo đen” trên sân sẽ chủ động lựa chọn mình sẽ làm gì sau đó: Hoặc bỏ qua thông báo của VAR, hoặc tới màn hình video đặt ở ngoài đường pitch để xem lại tình huống ở các góc quay khác nhau. Và chi tiết quan trọng nhất, sau tất cả VAR chỉ là một trợ lý, quyết định cuối cùng là ở trọng tài chính.
Những tình huống trọng tài “quên” thổi phạt việt vị, trái bóng đã ra hết đường biên (ngang hoặc dọc) sẽ thuộc phận sự của VAR, nếu dẫn tới bàn thắng. Những tình huống phạm lỗi trên sân cũng chỉ được VAR kiểm tra và gửi tín hiệu cho trọng tài, nếu nó liên quan tới vị trí điểm phạt là trong hay ngoài vòng cấm (tức có penalty hay không).
Ngoài 4 trường hợp kể trên, VAR không “can dự” vào bất kì các tình huống nào khác, bao gồm phạt góc, ném biên, thẻ vàng, kể cả thẻ vàng thư hai (dẫn tới 1 thẻ đỏ) mà trọng tài rút ra.
VAR có khi nào… sai không?
Có, nhưng sai số là rất nhỏ. Chủ yếu liên quan đến những tình huống xác định một cầu thủ, chính xác có mắc lỗi việt vị hay không. Bởi công nghệ “đường kẻ ngang” để xác định vị trí việt vị của VAR áp dụng ở các giải đấu quốc nội, tính đến thời hết mùa trước, vẫn chỉ là hình ảnh 2D. Và nó tạo ra những tranh cãi nhất định khi đặt trong mối quan hệ so sánh với công nghệ hình ảnh đa chiều hơn.
Ví dụ như pha ghi bàn của Harry Kane vào lưới Chelsea ở bán kết lượt đi League Cup Anh mùa trước. Công nghệ hình ảnh 2D của VAR xác định chân sút của Tottenham không việt vị. Nhưng sau trận đấu, khi kết quả đã rồi, phía Chelsea đã cung cấp những hình ảnh ở một góc quay chuẩn xác hơn, cho thấy một phần vai của Kane đã ở dưới cầu thủ cuối cùng trên thủ môn The Blues ở tình huống đó. Tức Kane đã việt vị khi ghi bàn.
Nhưng với các fan Ngoại hạng Anh và các CLB của giải đấu, họ có thể yên tâm khi bước vào mùa giải 2019/20 bởi VAR của Premier League sẽ áp dụng công nghệ hình ảnh “đường 3D”, tương tự như Champions League 2018/19. Sai số, ở các quyết định liên quan đến lỗi việt vị (dẫn tới 1 tình huống ghi bàn), vì thế còn được giảm thiểu hơn nữa.
Thời gian trận đấu bị “delay” bởi VAR
Tháng trước, Premier League khẳng định VAR sẽ không đảm bảo độ chính xác 100% tất cả các quyết định, các tình huống trên sân. Thực tế 100% là điều không thể. Trước khi áp dụng VAR, độ chính xác trong các quyết định của trọng tài ở Premier League là 82%. Và Premier League, tin rằng, với VAR, con số đó sẽ được cải thiện lớn.
Một thống kê cho thấy, tỉ lệ chính xác trong các quyết định của trọng tài, nhờ trợ lý VAR, tại Bundesliga mùa trước là 92,5%, cao hơn so với bình quân 10 mùa giải trước khi áp dụng Công nghệ trợ lý trọng tài video (85%).
Tại World Cup 2018, bình quân mỗi trận đấu có 3,2 tình huống phải “delay” vì VAR. Con số này ở World Cup nữ Hè qua là 1,9 lần/trận. Thống kê từ các giải đấu trong năm 2018 cho thấy, bình quân mỗi trận VAR sẽ thực hiện 8 lần kiểm tra, liên quan tới các tình huống quan trọng như bàn thắng, thẻ đỏ, phạt đền.
Một thử nghiệm của Hội đồng Kỹ thuật Premier League cho thấy thời gian “delay” trung bình cho mỗi quyết định tham khảo VAR của trọng tài là 84 giây. Con số mà Premier League kì vọng, qua thử nghiệm của mình, là bình quân mỗi trận mùa tới, “chỉ” 2 lần có sự can thiệp của VAR.
Khu vực chuyên biệt để trọng tài đánh giá các gợi ý của VAR (RRA) sẽ sớm được thiết lập tại các sân vận động ở Anh, thay vì chỉ phụ thuộc vào một màn hình TV nhỏ đặt cạnh lối ra sân như chúng ta vẫn thường thấy ở World Cup 2018 hay các giải đấu khác. Qua đó giúp các ông Vua sân cỏ, có thể đánh giá chính xác hơn và nhanh hơn các tình huống có sự can thiệp của VAR.
Mục tiêu số 1 của Premier League, chính là giảm thiểu thời gian “delay” vì VAR để đảm bảo tính liên tục và nhịp điệu của trận đấu. Premier League, vì thế, cũng khuyến nghị các trọng tài không nên phụ thuộc vào VAR. Đội ngũ VAR, trong khi đó cũng được Premier League yêu cầu không nên “soi mói” quá nhiều quá kĩ vào các tình huống hậu vệ để bóng-vô-tình chạm tay trong vòng cấm địa.
VAR và sự kết nối với các CĐV trên sân
Trừ Anfield (Liverpool) và Old Trafford (Man Utd), 18/20 CLB dự Premier League 2019/20 đều sở hữu màn hình led cỡ đại tại sân nhà. Và màn hình này chính là “địa chỉ” để kết nối VAR với các CĐV trên sân. Các kĩ thuật viên của Đội “trợ lý trọng tài video” sẽ gửi thông báo tới màn hình này, bất kì khi nào họ tiến hành xem xét và kiểm tra một tình huống bóng quan trọng. Kết quả của VAR và một đoạn clip ngắn mô tả lại tình huống bóng đó sẽ được hiển thì trên màn hình sau đó.
Premier League, bên cạnh đó, cũng đang xem xét khả năng phát triển một ứng dụng giúp các CĐV có thể kết nối, xem lại các tình huống có sự can thiệp của VAR.
Cảm nhận chủ quan của trọng tài vẫn là thứ quan trọng nhất
Cờ từ trọng tài biên sẽ được phất khi họ phát hiện ra lỗi việt vị rõ ràng. Nhưng có một sự thống nhất quan trọng giữa đội ngũ trọng tài trên sân và Đội VAR: những lỗi (có vẻ) việt vị mà trực tiếp dẫn tới bàn thắng, VAR khuyến nghị trọng tài biên trì hoãn việc phất cờ, và trọng tài chính khoan thổi, cho đến khi tình huống bóng kết thúc. Nếu tình huống bóng đó dẫn tới 1 bàn thắng hay 1 quả phạt đền, VAR sẽ kiểm tra và trọng tài chính sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Bởi vì VAR chỉ xử lý các lỗi "rõ ràng và hiển nhiên" hoặc "tình huống nghiêm trọng bị bỏ lỡ”, nên nếu trọng tài Đã-Nhìn-Thấy một tình huống phạm lỗi và đưa ra phán quyết của mình (thổi phạt, phạt thẻ vàng) thì kể cả khi VAR phát hiện đó là một lỗi rất nặng, xứng đáng với thẻ đỏ thì quyết định của trọng tài chính vẫn là Không-thể-thay-đổi.
"VAR là trợ lý, là cánh tay nối dài cho đội ngũ trọng tài trên sân chứ không phải “kẻ phán xử” trọng tài khi trận đấu diễn ra. Điều tối kỵ là việc lạm dụng VAR, dẫn tới phá vỡ cường độ cũng như nhịp điệu của trận đấu. Trọng tài chính và quyết định của họ, phải luôn được tin tưởng và tôn trọng" – cựu trọng tài Mike Riley, người đứng đầu người đứng đầu Professional Game Match Officials Ltd cho biết.
VAR – Premier League sẽ không can thiệp vào vị trí của thủ môn ở mỗi quả phạt đền
Nếu theo dõi World Cup nữ 2019, bạn hẳn chứng kiến vài lần VAR can thiệp vào vị trí của thủ môn (đứng cao hơn vạch vôi đường biên ngang, di chuyển lên phía trên trước khi cầu thủ đá penalty chạm bóng…) trong tình huống mà họ phải đối mặt với một quả phạt đền khiến tình huống đá penalty phải thực hiện lại.
Với Premier League, ít nhất là mùa giải 2019/20 sắp khai diễn, VAR đứng ngoài “cuộc chơi” này. Quyết định cuối cùng vẫn là ở cảm nhận và đánh giá của đội ngũ trọng tài trên sân.
Lược dịch từ “VAR in the Premier League: Everything you need to know” – Sky Sports
EL FLACO (TTVN)