Mùa hè vô tiền khoáng hậu của Premier League: Sân cỏ quá tải, rủi ro chấn thương quá nhiều (P1)

Tác giả Nam Khánh - Thứ Hai 22/06/2020 17:08(GMT+7)

Zalo

Các thói quen tập luyện đã phải được điều chỉnh lại, việc điều trị và phục hồi phải diễn ra mà không có những sự hỗ trợ phục hồi chức năng cơ bản, và các cầu thủ thậm chí còn phải học cách tự lo liệu chuyện ăn uống của bản thân – nghiêm túc đấy! Ngay cả các sân bóng cũng sẽ có sự khác biệt lớn.

Bóng đá đã trở lại, nhưng không hoàn toàn mang cái hình ảnh mà chúng ta đã quen thuộc ở nó. Không có những đám đông khán giả, không có những cái bắt tay hoặc high-five giữa các cầu thủ và, trong một số trường hợp, các đội bóng sẽ phải thay đồ trong những cabin dựng tạm ở bãi đậu xe của sân vận động để đảm bảo việc đáp ứng các nguyên tắc giãn cách xã hội khi môn thể thao vua được điều chỉnh dựa theo tình hình thực tế của cuộc sống thời Coronavirus.  

Đối phó với những vấn đề phát sinh khi tổ chức bóng đá vào mùa hè cũng là một thách thức khác. Đúng là trong hầu hết các mùa hè đều sẽ có một số giải đấu lớn cấp đội tuyển quốc gia, những sân chơi như các bài test về giới hạn thể chất và tâm lý của những cầu thủ ưu tú trên thế giới; nhưng sự xuất hiện của các đấu trường hàng đầu của bóng đá cấp câu lạc bộ vào thời điểm này trong năm là chuyện chưa từng diễn ra, và chắc chắn rằng, nó sẽ mang đến những hình ảnh và cảm nhận rất khác biệt cho tất cả mọi người.
 
Những người trong cuộc đang phải rất bận rộn với việc chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc hành trình khá gian nan khi họ cố gắng kết hợp một lịch thi đấu dày đặc – Premier League sẽ tổ chức 92 trận đấu trong vòng 47 ngày – với các quy định về y tế nghiêm ngặt được áp dụng để Dự Án Tái Khởi Động (Project Restart) được cho phép tiến hành. Các thói quen tập luyện đã phải được điều chỉnh lại, việc điều trị và phục hồi phải diễn ra mà không có những sự hỗ trợ phục hồi chức năng cơ bản, và các cầu thủ thậm chí còn phải học cách tự lo liệu chuyện ăn uống của bản thân – nghiêm túc đấy! Ngay cả các sân bóng cũng sẽ có sự khác biệt lớn. 
 
“Mọi người luôn bàn tán về những yêu cầu của chuyện thi đấu trong kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, với 3 hoặc 4 trận đấu diễn ra trong vòng chưa đầy 2 tuần (đối với mỗi đội), nhưng để có thể kết thúc mùa giải này, thì tình hình sẽ giống như ba cái Giáng Sinh diễn ra cùng một lúc vậy,” Tom Little, một chuyên gia về khoa học và dinh dưỡng thể thao, nhận định với ESPN. “Kết quả là, các cầu thủ bóng đá sẽ phải ăn uống và tập luyện theo một cách khác hẳn với thường lệ.”
 
“Chẳng hạn, thường thì một cầu thủ sẽ cần nạp 3.700 calo vào một ngày ra quân và 3.000 calo vào một ngày tập luyện thông thường. Nhưng với một lịch thi đấu dày đặc diễn ra vào mùa hè như hiện tại, họ sẽ cần phải nạp ít nhất là 4.000 calo vào một ngày ra quân. Họ sẽ cần phải tăng cường lượng carbohydrates nạp vào cơ thể trong ngày xuất trận, ngày trước đó và ngày hôm sau, cũng như đảm bảo rằng họ nạp đủ protein để hồi phục cơ bắp sau các trận đấu.”
 
“Và bởi vì các câu lạc bộ không được phép cho các cầu thủ dùng bữa tại trung tâm tập luyện do những quy tắc phòng ngừa COVID-19 – giới cầu thủ thường ăn sáng và ăn trưa ngay tại câu lạc bộ - họ sẽ phải học cách tự đảm bảo vấn đề dinh dưỡng của bản thân,” Little tiếp tục. “Công tác giảng dạy sẽ đóng vai trò rất quan trọng.” 
 
Little, người đứng đầu bộ phận phân tích hiệu suất thi đấu (head of performance) tại đội bóng đang chơi ở EFL Championship Preston North End, trước đây từng làm việc với Manchester City và Burnley, trong quá trình hành nghề, ông đã phát minh ra một ứng dụng dinh dưỡng tên là Colour Fit, hiện đang được sử dụng bởi Man City, Burnley, Manchester United, Newcastle United, và nhiều câu lạc bộ khác. Ông thừa nhận rằng, các cầu thủ bóng đá đã ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc ăn các loại thực phẩm chuẩn mực, nhưng thách thức mà rất nhiều người trong số họ phải đối mặt trong những tuần tới sẽ là liệu họ có thể nạp dinh dưỡng một cách đúng chuẩn mà không cần dựa vào đầu bếp của câu lạc bộ hay không.
 
“Vấn đề dinh dưỡng là vô cùng quan trọng, đó là lý do vì sao các câu lạc bộ cung cấp cho những cầu thủ của họ bữa sáng và bữa trưa ngay tại trung tâm tập luyện, cũng như các bữa ăn trước những trận đấu,”Little cho biết. “Giờ đây, các cầu thủ sẽ không có được sự phục vụ đó, nhưng nếu xử lý tình hình chu đáo và nghiêm túc, họ vẫn có thể ăn uống một cách khôn ngoan.”
 
“Cháo yến mạch hoặc yến mạch qua đêm (overnight oats) – là cháo yến mạch được ngâm với sữa hoặc sữa chua, có cho thêm trái cây, quả hạch và các loại hạt – là một bữa ăn hoàn hảo trước khi tập luyện. Bánh kếp, granola, thậm chí là bánh mì nướng mix trái cây sẽ đảm bảo họ có thể tập luyện với lượng dinh dưỡng nạp vào đúng chuẩn, nhưng đó là những điều mà rất nhiều cầu thủ chưa bao giờ cần phải nghĩ ngợi nhiều cho đến hiện tại.”
 
Thể lực sẽ là một vấn đề rất quan trọng trước một lịch thi đấu bận rộn đến vậy, nhưng tính cần thiết của việc giảm thiểu sự tiếp xúc trên sân tập đã khiến các buổi tập bị giới hạn nghiêm ngặt trong 75 phút. Little thừa nhận rằng, chuyện công tác tập luyện bị “cắt xén” đã dẫn đến kết quả là các câu lạc bộ cần phải thay đổi cách tiếp cận, nghĩa là các trận đấu tập mỗi đội 8 người hay mỗi đội 11 người đã được thay thế bằng mỗi đội 5 người để giữ cho các cầu thủ ở cách xa nhau hơn.

Nhưng đã có rất nhiều nghi ngại về việc liệu các cầu thủ sẽ có đủ thể lực để thi đấu như bình thường và tránh đi những chấn thương hay không, khi mà họ đã không hề bước ra lại sân cỏ kể từ khi bóng đá Anh bị tạm hoãn vào ngày 13 tháng 3.

(IFAB đã chấp nhận phê duyệt một sự thay đổi tạm thời đối với các quy tắc xoay quanh việc thay người, cho phép các đội bóng có thể thực hiện 5 lần thay người trong trận đấu, với hy vọng rằng động thái đó sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro phát sinh từ một lịch trình dày đặc được lập ra để có thể hoàn tất mùa giải 2019/2020.)
 
Sau sự kiện NFL Lockout vào năm 2011, khi các cầu thủ không thể sử dụng những cơ sở của câu lạc bộ chủ quản để luyện tập trong suốt 18 tuần, một nghiên cứu của tạp chí The Journal of Orthopaedic & Sports Physical Therapy đã ghi nhận một “con số cao chưa từng thấy về số ca đứt gân Achilles” khi họ quay trở lại tập luyện và thi đấu. Trên lý thuyết, thì sau một khoảng thời gian dài không tập luyện đúng cách sẽ dẫn đến việc bị mất cơ bắp, trong khi các khớp và gân sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng hơn. Các cầu thủ Premier League đã không thi đấu trong hơn 100 ngày, phải chăng họ cũng sẽ đối mặt với một rủi ro chấn thương cực kỳ cao?
 
“Một phần lớn của bóng đá, và chuyện tập luyện bên trong cái thế giới ấy, là những hành động mang tính ‘bùng nổ’,” Patrick Bradley, một nhà vật lý trị liệu thể thao, nhận định với ESPN. “Ngay cả khi chỉ là sút một quả bóng, thì tốc độ và sức mạnh mà một cầu thủ tại Premier League thực hiện sẽ đòi hỏi một sự bùng nổ năng lượng, thứ mà họ đã không có trong nhiều tuần qua.” 
 
“Cơ gân kheo và bắp đùi là những phần cơ bắp rất quan trọng khi xét đến sự bùng nổ và sức mạnh. Các cầu thủ sẽ thực hiện những bài chạy nước rút trong các buổi tập để giúp xây dựng lại những nhóm cơ đó một lần nữa, nhưng bạn không thể nào bắt chước được y hệt những gì diễn ra trong một trận đấu. Dù cho các cầu thủ đã được cung cấp những chương trình tập luyện phù hợp trong thời gian “lockdown”, nhưng tôi vẫn cho rằng họ sẽ gặp phải những vấn đề như viêm gân, hay các rắc rối với mắt cá chân, đầu gối và cơ gân kheo khi bắt đầu thi đấu trở lại.” 
 
“Với việc không thể sử dụng các cơ sở tập luyện và những trận đấu tập thông thường của họ, họ sẽ chủ yếu tập chạy và lặp đi lặp lại những bài tập khá vớ vẩn, thay vì được tập luyện theo một chương trình đặc thù của môn thể thao mà mình chơi, họ sẽ tập những bài hết sức bình thường, do đó, chắc chắn sẽ mất một khoảng thời gian để đưa mọi thứ trở lại như trước đây,” Bradley tiếp tục. “Tuy nhiên, vấn đề là hiện tại họ đã bị cắt xén bớt chương trình tập luyện, và với việc đang có rất nhiều trận đấu chờ đợi ở phía trước, cơ hội duy nhất để xây dựng lại nền tảng thể lực như trước sẽ là khi họ thi đấu, bởi vì tất cả mọi khoảng thời gian khác đều sẽ tập trung vào khía cạnh phục hồi.”
 
Khía cạnh phục hồi và phục hồi chức năng cũng đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng ngừa coronavirus. Sau những trận đấu và buổi tập, các cầu thủ chỉ có thể nhận được những liệu pháp chăm sóc “tối thiểu” trong tối đa 15 phút, đây là một thách thức khác đối với công tác chăm sóc những “món tài sản” trị giá hàng triệu bảng của câu lạc bộ. 
 
“Các cầu thủ sẽ không được mát xa, và liệu pháp dùng lạnh cũng không được phép sử dụng,” nhà khoa học thể thao Little cho biết. “Các câu lạc bộ chỉ có thể cung cấp những bồn tắm nước đá sử dụng một lần, vậy nên rõ ràng là họ sẽ bị hạn chế rất nhiều. Chúng có thể trông giống như những vấn đề tầm thường, nhưng phục hồi là một khía cạnh cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ một vận động viên nào; và sẽ có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều chấn thương hơn bởi vì một số phương tiện, liệu pháp phục vụ cho việc phục hồi sẽ không thể được sử dụng, đặc biệt là với những đội khách phải đi xe về nhà sau trận đấu chứ không ở lại qua đêm. 
 
Bradley, người từng làm việc với đội tuyển bóng bầu dục của Anh, tin rằng việc các cầu thủ không thể tiếp tục thực hiện các thói quen sau trận thông thường sẽ là một bài test đối với ý chí của họ. 
 
“Theo kinh nghiệm của tôi, những vận động viên hàng đầu có thể trở nên ‘lưu luyến’, và thậm chí là bị ám ảnh, với những thói quen của họ,” Bradley nhận định. “Từ góc độ thể chất và tâm lý, họ thường cảm thấy yên tâm khi được mát xa, tắm nước đá hoặc thực hiện liệu pháp giãn cơ, và nếu những điều đó bị tước đi, thì quá trình phục hồi của họ có thể sẽ bị chậm lại.”
 
“Nếu họ phải lên xe ngay sau buổi tập, tôi sẽ bảo các cầu thủ của mình hãy lái xe thẳng về nhà, tắm nước nóng, và sau đó là tập giãn cơ trong khoảng 20 đến 30 phút để kéo giãn các cơ bắp và tránh được việc bị căng cứng cơ, qua đó, giúp giảm đi nguy cơ chấn thương.”
 
Trên sân cỏ, những vấn đề xưa cũ của việc phải thi đấu trên những bề mặt sân cứng vào mùa hè đã không còn là một chuyện đáng lo vì công tác khoa học thể thao đã đảm bảo cho tất cả các sân bóng tại Premier League đều có điều kiện như nhau dù cho chúng được sử dụng vào tháng 8 hay tháng 12. Nhưng vẫn sẽ có những sự khác biệt so với điều kiện được xem là lý tưởng sau giai đoạn lockdown. 
 
“Chúng tôi thường sẽ để cỏ mọc cao khoảng 23 đến 25 mm (0,9 đến 1 inch) trong xuyên suốt mùa giải,” David Roberts, người đứng đầu bộ phận chăm sóc sân cỏ tại Liverpool, nói với ESPN. “Nhưng trong suốt mùa hè, chúng tôi sẽ để chúng mọc ở mức 21 milimét (0,8 inch) và hầu như chắc chắn là chúng tôi sẽ tiếp tục giữ chúng y như vậy khi các trận đấu trở lại. Vấn đề ở đây chính là làm thế nào để vừa có thể di chuyển quả bóng nhanh trên bề mặt sân, vừa không làm hư hại lớp cỏ bao phủ. Nếu để cỏ quá ngắn, thì chúng sẽ bị hư hại nhanh chóng; còn nếu để chúng quá dài, thì sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển động của quả bóng khi cỏ bị khô đi.” 
 
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều các điều chỉnh qua những phản hồi nhận được từ các huấn luyện viên, và những gì chúng tôi trực tiếp nhìn thấy về cái cách mà quả bóng ‘tương tác’ với bề mặt sân cỏ.” 
 
Và trong khi các cầu thủ bóng đá, và các fan hâm mộ, cảm thấy buồn bực, chán nản trong suốt 3 tháng trời thiếu vắng bóng đá vừa qua, Roberts thừa nhận rằng thậm chí ngay cả sân Anfield lừng lẫy cũng cần đến một sự chăm sóc đặc biệt. 
 
“Chuyện giữ cho sân bóng vẫn đạt chất lượng tốt nhất trong xuyên suốt giai đoạn giãn cách là một nhiệm vụ rất khó khăn,”

Ông nói. “Các sân bóng của Premier League cũng giống như một cầu thủ tại giải đấu này vậy: Chúng tôi không thể bỏ mặc họ/chúng được. Chúng tôi phải đảm bảo điều kiện chăm sóc ở mức tốt nhất và một chế độ bảo dưỡng tối thiểu để duy trì chất lượng của chúng và giúp chúng luôn sẵn sàng cho sự trở lại của các trận đấu, giống như các cầu thủ đã nỗ lực luyện tập để sẵn sàng cho việc tái xuất vậy.” 
 
“Nhưng sẽ không thể tránh khỏi những trường hợp kiểu, vào một ngày nắng nóng hoặc một buổi tối ấm áp, gió thổi nhẹ, nước sẽ bốc hơi nhanh và sân bị khô đi. Chúng tôi sẽ không thể làm được gì nhiều khi các trận đấu được bắt đầu, ngoài việc hy vọng rằng quả bóng sẽ chuyển động trên sân một cách tốt đẹp và chúng tôi giành chiến thắng.”
 
Nguồn: Lược dịch từ bài viết “Premier League's unprecedented summer: 4,000 calories on matchday, more risk of injuries, overused pitches” của tác giả Mark Ogden, đăng tải trên ESPN.
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow