Aguero, bàn thắng phút “93:20” và khoảnh khắc điên rồ nhất lịch sử Premier League

Tác giả Elflaco - Thứ Năm 09/04/2020 15:07(GMT+7)

Zalo

Etihad bùng nổ trong “cơn điên” chưa từng có trong lịch sử CLB. Đó không chỉ là những tiếng la hét. Đó là câu chuyện tuyệt đẹp của cảm xúc ẩn sau những thành âm ồn ã, cuồng nộ, phấn khích… dưới sân và trên khán đài. Cảm xúc của những người vừa rơi xuống hố sâu tuyệt vọng giờ bay thẳng tới đỉnh cao của niềm hạnh phúc.

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Etihad. Ngày 13/5/2012. 16h48, giờ địa phương. Và Man City đang đứng ngay sát miệng vực của nỗi thất vọng.

khoanh khac dien ro nhat lich su Premier League2
 
Tất cả những gì Man City cần vào lúc đó là sự tập trung, thứ mà họ đã đánh mất hoàn toàn trong vài chục phút trước đó. Áp lực khủng khiếp, sự lo lắng và tỉ số thua 1-2 đang rút cạn niềm tin của họ về cơ hội giành chức vô địch Premier League 2012/13. Sâu thẳm trong lòng Etihad là nỗi tuyệt vọng.
 
Trên khán đài Etihad, một người phụ nữ giấu đi đôi mắt ậng nước của mình sau chiếc khăn xanh truyền thống của CLB. Một CĐV Man City khác, nam giới, trút nỗi thất vọng vào… những cú giậm chân liên hồi vào thành ghế. Những người khác, quanh anh ta, thì… chết lặng. Cách đó không xa, những âm thanh náo nhiệt vang lên ở khu vực dành riêng cho các CĐV đội khách QPR.
 
Một CĐV trung niên có lẽ đã vượt qua giới hạn cao nhất của sự chịu đựng. Ông rời ghế, bước về phía cửa ra, gương mặt thất thần. Ông, cũng như hàng vạn người Man City có mặt tại Etihad hôm nay đã chờ đợi 44 năm để có cơ hội chứng kiến “The Citizens” lên ngôi vô địch bóng đá Anh. Nhưng những gì đã và đang diễn ra trước mắt, trong 90 phút trước QPR, là… quá đủ rồi. Nửa đời chờ đợi nhưng ông không thể trụ thêm được 5 phút bù giờ nữa.
 
Ông đã bỏ lỡ một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất, khó tin nhất, vĩ đại nhất và chắc chắn là đáng nhớ nhất trong lịch sử Man City nói riêng và Premier League nói chung. Nhưng nhiều người khác thì không…
 
********

Trước đối thủ ở nhóm cuối bảng QPR, Man City đã tung ra cả thảy 44 pha dứt điểm. Nhưng khi đồng hồ điểm sang phút 90, họ vẫn bị đội khách dẫn trước với tỉ số 2-1. PQR chỉ chơi với 10 người từ đầu hiệp hai nhưng đội khách hoàn toàn thoải mái. Áp lực mà Man City tạo lên hàng phòng ngự QPR thậm chí còn không lớn bằng sức ép đang đè nặng lên đôi chân và tâm trí các cầu thủ chủ nhà.
 
Vào thời điểm ấy, mọi suy nghĩ trong đầu tôi chỉ là “Vậy là hết, mọi thứ đã kết thúc. Cơ hội đã vuột xa khỏi tầm tay rồi” – tiến sỹ Gary James, giảng viên môn lịch sử thể thao tại đại học Manchester Metropolitan đồng thời là tác giả nhiều đầu sách được ưa thích về Man City nhớ lại.
 
Một số CĐV Man City vẫn dõi theo các cầu thủ đội nhà trên sân cỏ, hi vọng vào kì tích mong manh. Nhưng đó là số ít. Đa số chìm trong nỗi thất vọng và sự tức giận.
 
Các cầu thủ cũng rơi vào một trạng thái tương tự. “Tôi nhớ rằng, trong một khoảng thời gian toàn đội hoàn toàn mất kiểm soát trận đấu” – Vicent Kompany – thủ quân Man City nói trong bộ phim tài liệu “93:20”. Cảm giác của Kompany cũng như các đồng đội của anh lúc ấy, rất rõ ràng: “cả mùa nỗ lực và hôm nay chúng ta đã phá hỏng tất thảy”.
 
Ngay cả khi Edin Dzeko ghi bàn thắng quân bình tỉ số hòa 2-2 ở phút bù giờ thứ 2, nó vẫn giống như một sự an ủi cho Man City nhiều hơn là mở ra một tia hi vọng nhỏ nhoi. Đội chủ sân Etihad vẫn cần thêm 1 bàn nữa trong bối cảnh Man Utd đã khép lại vòng đấu hạ màn của họ tại Sunderland với phần thắng 1-0. Với nhiều CĐV Man City, những người đã chờ đợi hơn 4 thập kỉ, pha lập công của Dzeko chẳng khác nào việc Thần May Mắn cố tình trêu đùa họ, khiến nối đau của họ thêm dài…
 
Toàn đội Man City tràn lên ngay khi QPR đá giao bóng. Một tình huống tranh cãi sau đó khi trọng tài cho đội khách được hưởng quyền ném biên thay vì Man City tốn thêm vài giây quý giá của đội chủ nhà. Cựu hậu vệ Man City, Nedum Onuoha là người thực hiện quả ném biên cho QPR. Cú ném quá cao so với tầm kiểm soát của Jay Bothroyd. Bóng chạm đầu Joleon Lescott và đến chân Nigel de Jong. Tiền vệ người Hà Lan kéo bóng sang phần sân QPR mà không gặp phải sự truy cản nào bởi toàn bộ cầu thủ đội khách đã lui về “bu” chặt cầu môn.
 
Những gì diễn ra sau đó, đặc biệt là khoảnh khắc bất tử “93 phút – 20 giây”, thời gian hiển thị trên đồng hồ điện tử sân Etihad thời điểm trái bóng từ pha dứt điểm của Sergio Aguero làm tung lưới QPR, đã trở thành một trong những bàn thắng nổi tiếng nhất từng được ghi trong lịch sử bóng đá Anh.
 
Về mặt kĩ thuật, pha lập công của Aguero không thể so sánh với những bàn thắng nổi tiếng được ghi bởi Francis Lee, Brian Kidd và Dennis Tuetart những năm 1970 (s), hay tình huống đi bóng qua hàng loạt cầu thủ Southampton ghi bàn của Georgi Kinkladze năm 1995 hoặc gần đây pha lập công của Ilkay Gundogan vào lưới Man United sau 44 đường chuyền liên tiếp hồi tháng 11/2018.
 
Nhưng pha dứt điểm thành bàn của Aguero vào buổi chiều 13/5/2012 ấy mang một tầm vóc hoàn toàn khác biệt. Một bàn thắng đúng kiểu… cải tử hoàn sinh. Một bàn thắng chính thức đánh đấu sự vươn lên của Man City, sau nhiều thập kỉ dài khuất sau cái bóng của gã khổng lồ cùng thành phố United. 
 
Aguero vs QPR Khoảnh khắc điên rồ nhất lịch sử Premier League hình ảnh
 
********
 
QPR cần 1 điểm để chắc chắn trụ hạng mà không cần quan tâm kết quả các trận đấu khác. Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng, giữ chặt cầu môn nhà trong hơn 2 phút bù giờ cuối cùng còn lại. Án ngữ trước khung thành của Paddy Kenny là 4 hậu vệ Onuoha – Anton Ferdinand – Scott Hill – Taye Taiwo. Cao hơn một chút là lớp phòng ngự 5 người gồm cặp tiền đạo Bothroyd – Djibril Cisse, các tiền vệ Shaun Wright-Phillips, Jamie Mackie, Shaun Derry. Không gian để Man City triển khai các miếng đánh là gần như không có trong bối cảnh hàng thủ hai lớp của QPR lèn chặt ở gần 30m cuối sân.
 
Trong bộ phim tài liệu “93:20”, Aguero kể rằng, ngay sau Dzeko ghi bàn thắng gỡ hòa anh đã nói với Balotelli thế này: “Cậu đá ở vai trò “số 9” nhé, nhớ án ngữ ở trung tâm trước cầu môn QPR, còn tớ sẽ tìm cách kéo giãn hàng thủ đối phương. Nếu tớ có bóng, điều đầu tiên tớ sẽ làm là phối hợp đập nhả với cậu”.
 
Phút 93- giây thứ 7. De Jong đã đưa bóng được sang phần sân QPR. Đám đông trên khán đài Etihad gầm lên những tiếng thúc giục. Nhưng trước mắt De Jong là bức tường người kiên cố của QPR. Nhiều cầu thủ Man City đã di chuyển vào vòng 16m50 QPR nhưng không gian để triển khai một đường chuyền sáng nước là hoàn toàn không có.
 
Phút 93- giây thứ 10: Bằng một nỗ lực tuyệt vời cùng những bước di chuyển không bóng khôn ngoan, Aguero đã thoát khỏi tầm kiểm soát của Hill. Hậu vệ QPR có lẽ nghĩ đó là “cái bẫy” của Aguero nên anh đã chọn giải pháp giữ nguyên vị trí của mình thay vì theo người. 
 
Khoảng trống quý giá đã xuất hiện. Phút 93- giây thứ 14, Aguero nhận được đường chuyền chính xác từ De Jong. Khoảng cách giữa anh và khung thành QPR là 30m. Trước mặt Aguero là Dzeko và Balotelli. Ngay sau lưng anh là thủ quân Kompany. Và tất nhiên 9 cầu-thủ-phòng-ngự QPR trước khung thành của Kenny. Quyết định duy nhất, giống như Aguero đã nói với Balotelli 2 phút trước đó, chuyền bóng cho tiền đạo tuyển Italia còn bản thân thì chạy xộc về phía trước với hi vọng Balotelli sẽ làm tốt phần việc của mình để trao cho anh một đường chuyền thay đổi vận mệnh! 
 
********
 
Aguero, bàn thắng phút 9320 và khoảnh khắc điên rồ nhất lịch sử Premier League hình ảnh gốc 2
 
Năm tuần trước đó, Balotelli nhận thẻ đỏ trong trận thua Arsenal, thất bại khiến Man City rơi vào thế bất lợi trong cuộc đua vô địch với United. Trước QPR, Balotelli được HLV Roberto Mancini tung vào sân ở phút 76 (thay Tevez). Đấy có thể là động thái cuối cùng trong nỗ lực… tuyệt vọng của Mancini nhưng Balotelli ở thời điểm vào sân có một lợi thế tâm lý đặc biệt. Anh, một gã lúc nào cũng tưng tửng, không trực tiếp trải qua hàng chục phút mất kiểm soát và hoảng loạn trước đó như đa số các đồng đội. 
 
Balotelli nhận bóng từ Aguero trong tư thế xoay lưng với khung thành QPR. Kiểm soát bước một gọn gàng, nhưng vào thời khắc Balotelli xoay người chuẩn bị gạt bóng cho Aguero thì anh bị tác động từ phía sau bởi Anton Ferdinand. Mất thăng bằng nhưng trong đà ngã xuống, Balotelli vẫn kịp đẩy trái bóng vào đúng tầm di chuyển của đồng đội. Thời điểm ấy, đồng hồ điện tử sân Etihad hiện thị: “93:17”.
 
Aguero tăng tốc, lách qua Wright-Phillips và Derry, bên cạnh anh là Anton và phía trước mặt là Taiwo đang lao ra. Một cú chích mũi giầy nhanh và tinh tế đủ để Aguero thoát khỏi pha xoạc bóng bạo liệt của Taiwo. Nhiều cầu thủ khác có lẽ sẽ chọn phương án căng ngang vào trong cho đồng đội nhưng trong đầu Aguero lúc đó chỉ tồn tại duy nhất 1 ý niệm: sút ngay lập tức.
 
Phút 93- giây thứ 20: “AgueroooooooOOOOOOOOOOOOOOOOOOOooooooooooooooooooooooooo!”
 
Tiếng hét của Martin Tyler, cựu cầu thủ và BLV của kênh Sky Sports. Và trong suốt 11 giây sau đó, ông không nói thêm một từ nào. “Tôi dám chắc rằng, bạn sẽ không bao giờ được chứng kiến một điều kì diệu tương tự thếm bất cứ một lần nào nữa trong đời. Thế nên, hãy chiêm ngưỡng nó thật kĩ, hãy tận hưởng khoảnh khắc không tưởng này” - Tyler.
 
Etihad bùng nổ trong “cơn điên” chưa từng có trong lịch sử CLB. Đó không chỉ là những tiếng la hét. Đó là câu chuyện tuyệt đẹp của cảm xúc ẩn sau những thành âm ồn ã, cuồng nộ, phấn khích… dưới sân và trên khán đài. Cảm xúc của những người vừa rơi xuống hố sâu tuyệt vọng giờ bay thẳng tới đỉnh cao của niềm hạnh phúc. 
 
Bàn thắng của Aguero và khoảnh khắc “93:20” ấy là sự giải phóng diệu kì cho biết bao chất chứa, thất vọng, hoài nghi và chờ đợi tích tục suốt 44 năm dài của người Man City… Khoảnh khắc thay đổi vận mệnh và mở ra một thời đại hoàn toàn mới tại Etihad!

Lược dịch từ: Man City’s greatest goals: Aguerooooooooooooooooooooooooooooo! (The Athletic)
 
 
 
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow