Trưởng đoàn Trần Đức Phấn đánh giá việc xếp 3 hay 4 SEA Games 29 không quan trọng với thể thao Việt Nam vào lúc này vì chúng ta hướng đến đấu trường lớn hơn là ASIAD và Olympic.
Đội tuyển điền kinh đã trở thành đội tuyển thi đấu thành công nhất ở SEA Games 29. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games, điền kinh Việt Nam thắng lớn với 17 HCV, gần gấp đôi Thái Lan, bỏ xa các đối thủ còn lại trong khu vực.
Điền kinh Việt Nam có kỳ SEA Games thành công rực rỡ. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn khẳng định, Thái Lan mang tới lực lượng mạnh nhất chứ không phải tham dự với các VĐV trẻ, vì thế mà thành tích của điền kinh Việt Nam là hoàn toàn đúng thực lực, những chiến thắng đều rất ý nghĩa.
Thành công ngoài mong đợi của điền kinh là thành quả xứng đáng từ chiến lược đầu tư đúng hướng, trọng tâm, dựa trên một lực lượng hùng hậu, thiện chiến nhất từ trước tới nay.
Đó là sự tỏa sáng ở nội dung chạy ngắn 100m, 200m của “Nữ hoàng điền kinh” mới Lê Tú Chinh, hay sự khẳng định sự thống trị ở 3 nội dung 400m, 400m rào và 4x400m tiếp sức. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những thành tích ấn tượng ở cự ly trung bình, 5.000m, nhảy cao, nhảy xa, nhảy 3 bước và đặc biệt là tấm HCV lịch sử của đội tiếp sức 4x100 nữ, khi lần đầu tiên đánh bại Thái Lan để phá kỷ lục SEA Games.
Vẫn còn chút gì đó tiếc nuối khi Phan Thị Bích Hà bị đối thủ “cướp” HCV ở môn đi bộ 10.000m, hay sự vô duyên đến khó hiểu với tấm HCV của Quách Công Lịch, nhưng với 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ, điền kinh Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công mỹ mãn.
Chiến thắng trên nhiều mặt trận
Ánh Viên tiếp tục tỏa sáng trên đường đua xanh. Ảnh: Zing.vn |
Ở đội tuyển bơi, dù Ánh Viên không hoàn thành chỉ tiêu 10 HCV, nhưng VĐV người Cần Thơ vẫn giành tới 8 HCV, phá 4 kỷ lục, là một thành tích không phải ai cũng làm được.
Ở những môn Olympic khác, bên cạnh điền kinh lần đầu thống trị khu vực, TDDC nam cũng gom 5/7 HCV ở của đại hội, bóng bàn vượt qua Singapore để vô địch đồng đội nam, hay tấm HCV, phá kỷ lục gây “sốc” của Văn Vinh ở môn cử tạ (đánh bại đối thủ đang là Á quân Olympic), còn đấu kiếm cũng đã không có đối thủ ở những nội dung thế mạnh.
Đặc biệt ở SEA Games 29, đoàn TTVN đã trình làng rất nhiều gương mặt trẻ. Không ai có thể ngờ VĐV mới 15 tuổi như Kim Sơn lại giành HCV, phá kỷ lục ở nội dung khó ở môn bơi là 400m hỗn hợp.
Người hơn Sơn 2 tuổi là Huy Hoàng cũng làm được điều tương tự ở 1.500m tự do. Ở môn điền kinh, sự xuất sắc của gương mặt trẻ Lê Tú Chinh đã mang về 3 tấm HCV, trong đó có một kỷ lục SEA Games và có lẽ cũng là một trong những tấm HCV quý giá nhất ở đường chạy 4x100m tiếp sức nữ, khi lần đầu vượt qua sự thống trị của Thái Lan để phá kỷ lục đại hội.
Vẫn còn nhiều những gương mặt xuất sắc của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, nói như trưởng đoàn Trần Đức Phấn, thì ngay cả các VĐV giành HCB, HCĐ hay vượt lên chính mình, đều rất đáng được trân trọng.
Thể thao Việt Nam hướng tới sân chơi lớn ASIAD và Olympic. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Từ bàn đạp SEA Games hướng tới ASIAD
Dù sao SEA Games vẫn chỉ là sân chơi ở tầm khu vực, những thành tích đạt được của các VĐV sẽ thực sự được ghi nhận xứng đáng nếu họ làm được điều tương tự ở ASIAD, sẽ diễn ra sau đây 1 năm.
Chia sẻ với báo chí trước thời điểm SEA Games 29 khép lại bằng lễ bế mạc, trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân tôi cho rằng thứ 3 hay thứ 4 không quan trọng với TTVN lúc này, vì chúng ta mong muốn những đấu trường lớn hơn như ASIAD hay Olympic. Chúng tôi lấy ASIAD làm trọng tâm để quay quanh trục SEA Games.
So sánh với Đông Á thì VĐV của chúng ta kém hơn so với họ, nếu muốn lấy HCV ASIAD thì phải tính toán lại, chỉ khoảng 3, 4 nội dung có thể tranh chấp ở năm sau. Sẽ phải tính toán lại và đầu tư rất tốt thì mới có hy vọng HCV”.
Trong hai kỳ ASIAD gần nhất, TTVN chỉ giành được 1 HCV. Liệu từ sức bật của SEA Games 29, TTVN có cải thiện được thành tích của mình ở đấu trường châu lục?
Theo Vietnamnet.vn