Chức vô địch đơn nam SEA Games 27 có thể là lời chia tay đẹp cho Tiến Minh khi sự nghiệp đỉnh cao đang tới hồi kết, nhưng rõ ràng, nếu nhìn vào sự phát triển chung của TTVN, thì những tấm HCV của Ánh Viên mới thực sự là tương lai.
Đứng trong Top 10 thế giới, từng tham dự 2 kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012 cùng vô số những danh hiệu quốc tế, nhưng ở tuổi 30, không thể phủ nhận rằng, Tiến Minh đã bước sang sườn bên kia của sự nghiệp.
Con đường thể thao của Tiến Minh bắt đầu từ năm 2002 với chức VĐQG khi anh mới 19 tuổi. Tuy nhiên, đó là cuộc hành trình riêng của cây vợt nam TPHCM với những nỗ lực của cá nhân, của gia đình, thay vì quá trình đầu tư bài bản từ phía Nhà nước. Bởi vậy, chẳng là quá lời, khi một đồng nghiệp đã nhận xét: "Chúng ta nợ Tiến Minh".
Tấm HCV quý giá của Ánh Viên cho bơi Việt Nam. |
Và rõ ràng, cuộc hành trình đơn độc của Tiến Minh không phải là cái đường đi chung cho cả nền thể thao quốc gia, bởi chẳng phải lúc nào, chúng ta cũng có được những tài năng "từ trên trời rơi xuống" như thế. Tiến Minh hay kỳ thủ Lê Quang Liêm là những minh chứng rõ nhất.
Vậy nên, tấm HCV SEA Games không chỉ là khát khao cho cả nền thể thao nói chung với những cách làm đã cũ mà còn là sự tưởng thưởng tuyệt vời nhất cho Tiến Minh sau những nỗ lực cá nhân tuyệt vời của mình.Tấm vé vào bán kết đã có trong tay, cơ hội đang mở ra cho cây vợt nam 30 tuổi, cái tuổi mà gần như chắc chắn SEA Games 27 là cơ hội cuối cùng, trong khi phía sau anh vẫn là khoảng trống mênh mông về lực lượng kế cận.
Như đã đề cập, một nền thể thao để có thể phát triển hơn, không thể chỉ trông chờ vào những tài năng kiểu lúa trời và nỗ lực tự thân của chính họ mà phải là thành quả từ sự đầu tư bài bản, khoa học. Cũng tại đấu trường SEA Games, khoảng hơn 1 thập niên trước kia, TTVN đã từng chọn cách làm kiểu "đi tắt, đón đầu", du nhập những môn thể thao mới, những môn, những nội dung dễ giành được huy chương để bật lên về mặt thành tích. Huy chương lúc ấy được xem là thước đo cho tất cả từ những suy tính đơn giản như: Võ, vật, bắn (súng), cờ...
Tất nhiên, cách làm kiểu "đi tắt, đón đầu" ấy cũng mang lại hiệu quả nhất định khi TTVN dần xác định được vị thế trên đấu trường quốc tế. Nhưng khi mà SEA Games không còn là cái đích chính, để nâng tầm lên châu lục và thế giới, thì chúng ta cần phải có cách làm hoàn toàn khác! Cách làm đó chính là Ánh Viên, cô gái mới 17 tuổi, nhưng đã liên tiếp gặt hái những thành công lớn.
15 tuổi đã có huy chương SEA Games; 16 tuổi có huy chương châu Á và 5 tấm HCV Đông Nam Á để giành suất tham dự chính thức Olympíc London 2012. Đến tuổi 17, đã giành 3 HCV Đại hội Thể thao Trẻ châu Á và bây giờ là 2 chức vô địch đầu tiên tại SEA Games 27. Và hãy nhớ, đã 54 năm rồi thể thao Việt Nam mới có chức vô địch bơi nữ đầu tiên tại đấu trường SEA Games.
Tố chất và tài năng của Ánh Viên là không thể phủ nhận (mới 16 tuổi nhưng Ánh Viên đã cao 1,7m, sải tay dài đến 1,98m, bàn chân to và có nhóm cơ suôn dài. Đó là những tố chất rất thích hợp với những VĐV bơi lội đỉnh cao), nhưng quan trọng hơn là cách đầu tư hợp lý để tài năng này được tỏa sáng.
Những chuyến tập huấn tại Mỹ trong 2 năm 2012 và 2013 cùng số kinh phí lên tới hàng tỷ đồng cho Ánh Viên có thể là khá lớn so với sự đầu tư chung của TTVN hiện tại. Nhưng những thành công gặt hái được đã chứng minh cho tính hiệu quả của sự đầu tư đó.
Và những tấm HCV SEA Games mới chỉ là sự bắt đầu, bởi với Ánh Viên, TTVN có quyền hy vọng chinh phục những đỉnh cao châu lục, thế giới. Vậy nên cũng chẳng quá lời khi nhận định - Thể thao Việt Nam cần Ánh Viên hơn là Tiến Minh.
Theo Thể Thao Văn Hoá