Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

SEA Games: Nực cười với ngày hội "ao làng"

Thứ Tư 11/12/2013 17:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Năm 2011, truyền thông thế giới “lác hết cả mắt” khi cụ ông 79 tuổi Lim Teong Wah chính xác phải là “chống gậy” chứ không phải “khoác áo” đội tuyển quốc gia Malaysia, tham dự SEA Games môn… đánh bài.

Đây là “môn thể thao tập thể”, mỗi đội có 2 “cầu thủ”, ngồi chéo cánh, và “thi đấu” bằng 13 quân lơ khơ. Nói cho nhanh, ở Việt Nam gọi là đánh phỏm. Và điều bất ngờ, người giành huy chương lại là một cụ bà, nữ VĐV Lai Chun. Mới “chỉ” 76 tuổi, nữ VĐV bà của 5 đứa cháu này đã “luyện công” suốt 40 năm qua với 3 “hội” mỗi ngày.

Chinlone là môn thể thao đặc sản của Myanmar
Chinlone là môn thể thao "đặc sản" của Myanmar

Người già chơi thể thao trên toàn thế giới, nhưng xin lỗi là trong những môn thể thao kinh điển, xin lỗi là trong từng cuộc thi đấu thể thao tầm cỡ đại hội, 30 tuổi đã được coi là già. Điều đáng nói là nếu một Đại hội thể thao đỉnh cao khu vực có những môn như đánh tá lả, dành cho những VĐV chống gậy thì rõ ràng, cái đỉnh cao của Đại hội thể thao đó không đáng để thi thố! SEA Games 27 năm nay cả thế giới lại mắt chữ O mồm chữ A trước môn thể thao Chinlone, đặc sản Myanmar, tức là môn “nhảy bóng” (đá bóng và nhảy múa).

Còn nhớ Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết: “Vovinam có 18 bộ HCV. Nhưng phía chủ nhà Myanmar muốn phải được 7 HCV. Chưa kể Singapore cũng đòi có HCV, nếu không thì Singapore sẽ không đưa môn Vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 2015 tổ chức tại nước này. Còn lại, VN cũng phải chia HCV cho Lào, Campuchia nữa nên khó mà đứng nhất toàn đoàn ở môn võ truyền thống của mình”.

Cái này gọi chính xác là mặc cả, để lên thảm đấu, các VĐV ao làng trả vờ thi đấu, trả vờ thắng, trả vờ thua. Thế nhưng, trước khi chê nhà người khác bẩn, phải nhìn lại trên mái nhà mình. Việt Nam mình cũng chẳng phải vừa khi, ngoài Vovinam, từng đưa môn lặn vòi hơi chân vịt vào thi đấu để giành gần hết các bộ huy chương. Và sau đó, đắc ý coi như mình thông minh, mình “đi tắt đón đầu”.

SEA games để mà làm gì khi đẳng cấp mãi ì ọp trong cái ao làng, rồi thì chê ỏng chê eo nhau, chưa kể chuyện “ăn gian trắng trợn”? Ra là để giành huy chương, để báo cáo thành tích. Nhưng giá chỉ có tác dụng giải trí thư giãn thì đi một nhẽ.

Tờ Petrotimes ngày hôm qua đã công bố tổng số tiền mà 750 con người của nền thể thao Việt Nam sẽ tiêu tốn cho những tấm huy chương ao làng lên tới “khoảng 50 tỷ đồng”. Mỗi chiếc huy chương, sẽ được bày tủ kính và trở thành một con số trong báo cáo sau đó có cái giá 700 triệu đồng.

50 tỷ đồng, có nghĩa là 2.500 con trâu, 10.000 tấn lúa và đây toàn bộ là tiền ngân sách - Petrotimes khẳng định. Cái được, chưa thấy rõ và chắc không lớn. Cái mất, có thể lượng hóa bằng mồ hôi nước mắt của dân. Vậy thì tham dự SEA Games cần phải cân nhắc, thận trọng bởi nụ cười nước mắt diễn trò đấy mà cũng đắt đỏ đấy!

Theo Lao Động

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X