Dù nước chủ nhà Myanmar đưa ra thông điệp “Xanh, Sạch và Hữu nghị” (Green, Clean & Friendship), nhưng cuối cùng SEA Games 27 vẫn không thoát được hình ảnh một “hội làng” mà ở đó phơi bày đầy đủ những chuyện trớ trêu, bi hài xung quanh những cuộc thi đấu.
Trào lưu “gây hại rồi xin lỗi vì… thành công chung”
Năm 2011, trên đất Indonesia có một câu chuyện đã khiến tất cả ngạc nhiên tột độ: Một võ sĩ của môn silat đã tìm cách chạy vòng quanh thảm đấu, thậm chí núp sau lưng trọng tài với thái độ sợ sệt một cách rõ rệt. Ấy thế nhưng, anh chàng chạy, núp kia đã bất ngờ đoạt huy chương vàng trong sự ngỡ ngàng của đối thủ.
Võ sĩ có thái độ thi đấu rất phản thể thao ấy là vận động viên của nước chủ nhà có tên Dian Kristanto thi đấu hạng 50kg. Người lẽ ra phải thắng là võ sĩ Thái Lan Anothai Choopeng và ông trọng tài, tưởng chừng rất trung lập, người Singapore có tên Jasni Salam.
Những giọt nước mắt oan ức của Thanh Phúc
Dù vận động viên quê nhà đoạt huy chương vàng nhưng khán giả Indonesia nổi giận, còn Liên đoàn Pencak Silat Singapore gửi lời... xin lỗi tới lãnh đạo và ban huấn luyện tuyển Silat Thái Lan. Nhưng có xin lỗi đi chăng nữa thì kết quả vẫn không được công nhận.
Chiêu bài “gây hại rồi xin lỗi” lại được áp dụng ở SEA Games 27 trong môn karate. Ở nhà thi đấu kata, bài thi của đội nữ Việt Nam gồm Hoàng Ngân, Đỗ Thị Thu và Nguyễn Thu Hằng được các nhà chuyên môn đánh giá cao, vì đây là đội đã từng đoạt huy chương vàng giải thế giới. Ấy thế nhưng khi chấm điểm, các trọng tài đã “nhắm mắt” để gạt bài thi của tuyển kata nữ Việt Nam và đưa đội kata Myanmar lên bục nhận huy chương vàng.
Tất cả đều bất ngờ, cả 3 cô gái karate Việt Nam không cầm được nước mắt, bao nhiêu tâm huyết, công lao của họ trong một năm trời bây giờ bị các trọng tài phẩy tay rũ sạch. Huấn luyện viên Lê Công - người rất giàu kinh nghiệm khi đưa quân đi thi đấu tại các kỳ SEA Games - thì lắc đầu ngao ngán: “Đây thực sự là một kết quả điên rồ, bài biểu diễn của chủ nhà thua xa chúng ta. Nhưng tôi hiểu rõ sự thiếu công tâm đó, các trọng tài có quyền và không ai làm gì được đâu...”.
Các ông tổng trọng tài đã thêm gia vị bi hài cho câu chuyện này bằng cách sau đó... gửi lời xin lỗi tới Karate Việt Nam và thừa nhận là công tác trọng tài có vấn đề và “đáng lẽ đội thắng là Việt Nam”. Tất nhiên chỉ xin lỗi xong là hết, ông tổng trọng tài còn ngỏ ý Việt Nam không nên làm rùm beng mọi chuyện lên vì thành công chung của đại hội. Hoá ra, không chỉ ở Việt Nam mới có câu chuyện xin lỗi “vì đại cục”.
Ở SEA Games có những... tiểu cục và không ai phải xin lỗi. Hãy nhớ câu chuyện “chạy, núp sau lưng trọng tài vẫn nhận huy chương” đầy hài hước ở SEA Games 2 năm trước, giờ tái hiện ở SEA Games này, khác ở chỗ: Người bị hại lại là người... Việt Nam.
Nguyễn Trần Duy Nhất - đúng như tên võ sĩ muay này là người đứng số 1 trong hạng cân của mình ở Đông Nam Á. Nhất không có đối thủ, bất chấp Thái Lan mới là quê hương của muay. Vậy mà Nhất là nạn nhân của các trọng tài nhà thi đấu Wunna Theikdi. Giống hệt như câu chuyện ở môn silat trên đất Indonesia, đối thủ của Duy Nhất là một võ sĩ người Lào.
Với đẳng cấp vượt trội, Nhất đánh như bão táp, ở vào thế không thể chống đỡ, võ sĩ Lào chỉ còn cách chạy vòng vòng quanh sàn đấu để né đòn. Trong khi tất cả tin vào chiến thắng của Nhất, vì đối thủ kia có ra được đòn nào đâu, chỉ chạy nấp thì các trọng tài ngang nhiên công bố:
Võ sĩ Lào mới là người thắng. Không thể tin nổi, võ sĩ sắt thép như Duy Nhất cũng không cầm nổi nước mắt vì sự bất công này. Ban huấn luyện tuyển Muay Việt Nam quyết định khiếu nại như một cách để tự an ủi chứ họ biết trước kết quả: Khiếu nại sẽ mất tiền và kết quả không thể thay đổi, vì ông tổng trọng tài điều hành là người Lào.
Ban huấn luyện Muay Việt Nam sau đó cũng nhận được lời xin lỗi, nhưng không phải từ ông tổng trọng tài mà từ huấn luyện viên Muay Lào khi ông chủ động cho rằng: “Võ sĩ của chúng tôi không xứng đáng chiến thắng, tôi xin lỗi, nhưng có lẽ chúng ta biết được điều gì đã và đang xảy ra ở đây”.
Khi chủ không chịu đãi khách
Khi được hỏi: “Có phải Myanmar đã tìm mọi cách để đoạt nhiều huy chương vàng để phục vụ tham vọng nhất toàn đoàn với hơn 100 huy chương vàng trong khi SEA Games trước, Myanmar chỉ có 16 huy chương vàng”? U Thint - phóng viên tờ Internet Journal (Myanmar) - nói rằng: “Việc cố gắng lấy huy chương vàng là tham vọng của giới chức chứ không phải của đa số người Myanmar”.
U Thint giải thích: “Myanmar là đất nước mà đạo Phật ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống hằng ngày của người dân. Một trong những nét đẹp của người Myanmar là “không phải sở hữu của mình thì không được dùng”, chúng tôi tự hào về nét đẹp mang đậm văn hoá Phật giáo. Bạn thấy đấy, hiện tượng ăn cắp vặt nơi công cộng rất ít khi xảy ra. Vì thế, chúng tôi rất buồn nếu có chuyện “cướp” huy chương vàng mang về cho vận động viên Myanmar.
Nếu trông vào gian lận và các trọng tài để lấy thành tích, tôi nghĩ thể thao Myanmar cũng không tiến thêm được bao nhiêu sau SEA Games này”.
Còn bình luận viên Quang Huy của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC - người cũng có mặt ở SEA Games trên đất Myanmar - thì thẳng thắn: “Tôi nghĩ nước nào cũng bị ép, trừ... chủ nhà. Tất nhiên có những vụ việc ép trắng trợn, có những việc thông qua... cầu nối “vay huy chương của nước này, trả cho nước kia”.
Vụ việc vận động viên Thanh Phúc bị các trọng tài lấy huy chương vàng vì đối thủ người Myanmar phạm luật rõ ràng là một minh chứng. Các trọng tài gần như để đối thủ của Phúc “chạy” chứ không phải là “đi”. Phúc khóc nhưng không giải quyết được việc gì và ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng bằng hình ảnh, ban huấn luyện đội điền kinh Việt Nam vẫn không khiếu nại, vì biết chắc kết quả như thế nào.
Tương tự trường hợp Ánh Viên trong bơi lội. Ở nội dung 100m bơi ngửa, đối thủ Tao Ly (Singapore) đã xuất phát phạm luật (xuất phát trước hiệu lệnh) đã đoạt huy chương vàng. Dù có bằng chứng cho thấy điều này nhưng các trọng tài vẫn công nhận kết quả. Đáng chú ý là trong số các quan chức điều hành bơi lội ở SEA Games thì các VIP đều là người... Singapore!
Cũng tại đường đua xanh, khi không đã xảy ra một scandal khiến cho cả đoàn Philippines suýt nữa tức khí xách valy về nước hết, bỏ luôn SEA Games. Chuyện là ở đường bơi 100m tự do nữ, vận động viên người Philippines Jasmine Alkhaldi đoạt huy chương vàng, nhưng sau đó phải trả lại huy chương vì đoàn Thái Lan kiện Jasmine Alkhaldi phạm lỗi khi xuất phát.
Với tác động từ hai đoàn Thái Lan và Singapore, Ban tổ chức SEA Games đã phải cho... bơi lại và Jasmine Alkhaldi chỉ đoạt huy chương đồng, huy chương vàng thuộc về Thái Lan, huy chương bạc thuộc về tay bơi Singapore. Uỷ ban Olympic Philippines đã phản đối quyết liệt lên ban tổ chức SEA Games 27, còn huấn luyện viên trưởng tuyển bơi Philippines thì lên tiếng tố cáo Singapore tìm mọi cách thao túng môn bơi tại SEA Games 27 và cùng với Myanmar tìm mọi cách “chia chác” huy chương.
Trong môn silat, truyền thông Singapore cũng phát khùng vì Ahmad Shahril - vận động viên từng 4 lần vô địch thế giới cũng như 3 lần vô địch SEA Games đã bị mất huy chương vàng một cách rất khó hiểu: Cú đấm của Ahmad Shahri bị đối thủ Kyaw Niang Thun đưa tay gạt ra. Nhưng Kyaw Niang Thun đã rất khôn khéo nằm vật ra để... ăn vạ và cho rằng cú đấm của Ahmad Shahri lực quá mạnh (dù thực tế cú đấm ấy chỉ... lướt nhẹ).
Hùa theo Niang Thun, huấn luyện viên chủ nhà chủ động kêu gọi khán giả có mặt tại nhà thi đấu Zeyar Thiri gây sức ép lên trọng tài. Với sức ép ấy, cộng với sự có mặt của một quan chức cấp cao của Myanmar trên ghế VIP nhà thi đấu, “kẻ ăn vạ” Niang Thun đã có... huy chương vàng! Vậy là “hội làng” từ chỗ nấp sau lưng trọng tài cũng có HCV, bây giờ thêm chiêu mới: Ăn vạ cũng có vàng!
Hay bị ép, hay là vua… than thở?
Nhìn chung các quốc gia đến chơi ở “hội làng” đều bị ép, nhưng dường như Việt Nam là “kêu” to nhất. Phải chăng Việt Nam là đối tượng để các trọng tài tìm cách tước đoạt huy chương? Đa số các nội dung mà vận động viên Việt Nam thua thiệt đều liên quan đến các môn biểu diễn hoặc quyết định phụ thuộc vào cảm tính trọng tài.
Chẳng hạn như trường hợp của Thanh Phúc, đi bộ là môn mà các trọng tài bắt lỗi rất cảm tính nên họ không khó để đưa Phúc vào bẫy. Hay nội dung kata trong karate, taolu trong wushu... quyền định đoạt cho vận động viên nào đoạt huy chương vàng đều phụ thuộc vào cái gật hay lắc của trọng tài. Trong khi đó, Việt Nam lại tham dự các nội dung này với tỉ lệ khá cao.
Khác với Việt Nam, các nước Thái Lan, Malaysia hay Singapore đầu tư nhiều hơn vào các môn Olympic có luật lệ rõ ràng, có những chuẩn về phương pháp tính điểm. Nhưng tại đấu trường SEA Games này cũng cần phải nói, thể thao Việt Nam kêu ca nhiều quá, từ chuyện con muỗi của đội bóng đá nam, đến lý do “khác gió ở nhà” nên mất huy chương của đội đua thuyền và thông thường là thất bại thì đổ lỗi cho... trọng tài.
Kêu ca khiếu nại để đòi công bằng thì tốt, nhưng có một thực tế là trong khá nhiều trường hợp là “trọng tài” và các lý do khách quan thường được đưa ra để đổ lỗi và che lấp đi những yếu kém của chính mình.
Than vãn, kêu ca, đổ lỗi đừng trở thành một thứ “trào lưu” thể thao, ngay cả khi chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận SEA Games vẫn cứ là “hội làng”...
Theo Lao Động