Nếu tính cả tiền thưởng thì một tấm HCV của đoàn thể thao Việt Nam có giá không dưới 700 triệu đồng.
Theo thống kê, số tiền chi cho các đội tuyển thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự SEA Games 27 lên đến 50 tỷ đồng. Cụ thể đoàn TTVN dự SEA Games với 750 người, trong đó có 519 VĐV và 231 cán bộ, quan chức, HLV. Với quy định đóng lệ phí 50 USD/người/ngày thì với 750 thành viên, số tiền lệ phí lên đến 15 tỷ.
Tại SEA Games có những môn VĐV phải đổ máu để giành HCV, nhưng cũng có những môn người ta chỉ thi đấu cho có lệ khi huy chương đã được quy hoạch sẵn.
TTVN đã kết thúc SEA Games 27 với 73 HCV, tính ra quỹ thưởng cũng lên đến khoảng 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với tiền ăn được nâng lên 300.000 đồng/người/ngày bắt đầu từ tháng 9, chi phí cho khoản này cũng lên đến khoảng 19 tỷ đồng.
Tính tổng cộng các khoản thì 50 tỷ đồng từ ngân sách đã được chi ra cho SEA Games. Với 73 HCV, tính ra mỗi tấm HCV có giá…700 triệu đồng. Nhưng Việt Nam chưa phải quốc gia chi nhiều tiền nhất cho SEA Games. Trước giải đấu, tờ Bangkokpost tiết lộ, Thái Lan đã chi đến 300 triệu bath (10 triệu USD, tương đương với khoảng 200 tỷ đồng) cho chiến dịch chinh phục 107 tấm HCV, chiếm vị trí nhất toàn đoàn.
Liên đoàn bóng đá Myanmar cũng chi ra một số tiền rất lớn cho môn bóng đá gồm 2 đội bóng nam U23 và ĐT nữ cùng 2 đội bóng futsal nam, nữ. Tổng số tiền chi phí lên đến 2,5 tỷ kyrat (2,5 triệu USD, tương đương với trên 50 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra 700 triệu đồng cho một tấm HCV của Việt Nam hay 200 tỷ đồng mà Thái Lan chi cho SEA Games là đắt hay rẻ?
Thể thao đơn thuần là thành tích nhưng trong một giải đấu có những môn để người ta “mặc cả” thành tích, thi đấu không đúng sức để có huy chương thì giá trị những tấm huy chương cần phải xem xét lại. Chủ nhà Myanmar đã “chơi đẹp” nhường hẳn 2 tấm HCV cho Thái Lan ở môn chilone vì họ đồng ý để Myanmar đưa môn này vào chương trình thi đấu. Việt Nam cũng buộc phải nhường 7 tấm HCV cho Mynamar cũng như Singapore ở môn vovinam để họ đưa môn võ này vào chương trình thi đấu tại SEA Games 27 và 28.
Ở những môn nói trên, VĐV đâu cần thi đấu, bởi chúng đã được quy hoạch. Tấm huy chương đạt được không cần ganh đua, không có giá trị thể thao, chỉ đơn thuần để trưng trong tủ kính rồi báo cáo thành tích.
Chilone là môn được mặc cả huy chương trắng trợn tại SEA Games 27.
Tại SEA Games 26, Myanmar chỉ đạt 16 HCV, xếp thứ 7 toàn đoàn. Nhưng tại SEA Games năm nay, khi giải đấu còn chưa khai mạc, họ đã đoạt 18 HCV và kết thúc với thành tích đoạt 84 HCV. Trong lịch sử thể thao thế giới, không có quốc gia nào tiến 6 bậc và vượt 500% chỉ tiêu huy chương chỉ sau 2 năm ở cùng 1 giải đấu, kể cả đó là những cường quốc thể thao như Mỹ, Nga hay Trung Quốc.
Chuyện của Myanmar là chuyện chung của các nước Đông Nam Á trong đó có cả Việt Nam. Thế nên, khi những giá trị cơ bản thể thao bị đảo lộn, khi thành tích không phản ánh chính xác sức mạnh thật sự của 1 nền thể thao, khi những tấm huy chương chỉ có giá trị trong 1 kỳ SEA Games, thì số tiền bỏ ra cho ngày “hội làng” này quả thực rất đắt đỏ.
Theo Zing