Cuộc chuyển giao thế hệ thành công tại SEA Games 27 vừa qua là cơ sở để bắn súng Việt Nam hướng tới những mục tiêu cao hơn ở tầm châu lục và thế giới.
Bắn súng luôn là thế mạnh của thể thao Việt Nam kể từ khi hội nhập trở lại với đấu trường SEA Games. Riêng trong bốn kỳ đại hội gần nhất (2007, 2009, 2011 và 2013), các tay súng Việt Nam đều giành phần lớn số HC vàng để dẫn đầu một cách thuyết phục.
Năm 2011, ở Indonesia, SEA Games 26 chỉ có 14 bộ huy chương và đều là cá nhân, bắn súng Việt Nam giành một nửa. Còn trên đất Myanmar vừa qua, thành tích của bắn súng Việt Nam còn tốt hơn rất nhiều. Với việc đoạt được bảy trong tổng số 12 chiếc HC vàng, bắn súng Việt Nam vừa vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại, vừa cho thấy sự chuyển biến tích cực về chất lượng.
Minh Châu là hiện thân cho sự tiến bộ vượt bậc của các tay súng nữ trẻ trưởng thành tại SEA Games 27
Trước đây, thành tích của đội có được chủ yếu nhờ vào phân đội súng ngắn nam với những lão làng như Mạnh Tường, Xuân Vinh, Quốc Cường… Còn SEA Games 27 ghi nhận sự trưởng thành của nhiều gương mặt trẻ và các tay súng nữ.
Tấm HC vàng đồng đội 25m súng ngắn thể thao giành được ở ngày thi đấu cuối cùng, hôm 16/12, là chức vô địch thứ ba mà các tay súng nữ giành được tại SEA Games 27, sau hai bộ huy chương cá nhân và đồng đội 10 mét súng ngắn hơi nữ. Điều đó có nghĩa là các tay súng nữ góp phần vào thành tích chung của đội tuyển tốt hơn rất nhiều so với ở SEA Games 26, nơi cả bảy HC vàng đều được các xạ thủ nam mang về.
HLV Nguyễn Thị Nhung đã thành công khi mang các xạ thủ trẻ như Minh Châu, Hoa Hồng hay Thành Đạt sang tranh tài tại Myanmar. Minh Châu thậm chí đã “qua mặt” đàn chị Hoàng Ngọc để giành HC vàng cá nhân 10 mét súng ngắn hơi nữ, Hoa Hồng cũng hơn cựu binh Ngọc Mai ở thành tích 25 mét súng ngắn thể thao nữ, góp phần quan trọng mang về chiếc HCV đồng đội ở nội dung này. Trước đó, Thành Đạt cũng mang về HC vàng 50 mét súng trường nằm bắn nam.
"Minh Châu còn trẻ, mới 22 tuổi nhưng thi đấu xuất sắc để đoạt HC vàng cá nhân. Cháu đã gây ấn tượng mạnh khi vào chung kết, dẫn điểm từ viên đầu tiên đến những viên cuối cùng trước các đối thủ sừng sỏ, giàu kinh nghiệm thi đấu. Đây là lần đầu tiên Châu dự SEA Games, nhưng cháu đã thể hiện được khát khao và làm nên chiến thắng. Đội tuyển bắn súng cũng đã đạt thành tích vượt chỉ tiêu đăng ký, nhờ một số huy chương mà các cháu trẻ giành được như Minh Châu, Thành Đạt", bà Nhung nhận xét.
SEA Games 27 ghi dấu kỳ đại hội thứ tư liên tiếp bắn súng Việt Nam làm bá chủ cuộc chơi. Đây có thể được xem như một kỳ tích, bởi các đối thủ trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan cũng có sự tiến bộ. Singapore thậm chí còn nhập tịch một số tay súng Trung Quốc và cho thử lửa tại SEA Games 27 để chuẩn bị cho đại hội năm 2015 mà họ là chủ nhà. Thành công này hoàn toàn có thể trở thành điểm tựa để bắn súng Việt Nam hướng đến những đấu trường lớn hơn.
“Mục tiêu của đội tuyển bắn súng Việt Nam không phải là các kỳ SEA Games, dù chúng tôi vẫn có trách nhiệm giành huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam. Điều quan trọng mà ban huấn luyện chúng tôi đề ra ở SEA Games là các VĐV phải đạt được điểm số bao nhiêu để từ điểm số đó, đoạt vé đi thi đấu ở các giải châu lục và quốc tế, tiến tới giành được huy chương ở các giải này. Đó mới là cái đích quan trọng”, HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết.
Khi những tay súng chủ lực như Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường đã cao tuổi, không còn nhiều thời gian để duy trì phong độ đỉnh cao, bắn súng Việt Nam vẫn có thể yên tâm với lớp kế cận là dàn xạ thủ trẻ hứa hẹn như Minh Châu, Hoa Hồng, Thành Đạt… Vượt ra khỏi đấu trường SEA Games, bắn súng Việt Nam sẽ hướng tới Á vận hội, giải Vô địch thế giới và cả Olympic. Gần nhất, ngay năm tới, ở Á vận hội tại Incheon (Hàn Quốc), thầy trò HLV Nguyễn Thị Nhung sẽ quyết tâm trả món nợ - tuột chiếc HC vàng ở giải năm 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc).
Theo Vnexpress