Margaret Thatcher - cựu thủ tướng Anh đã đóng góp rất nhiều cho nước Anh nhưng với riêng môn bóng đá thì không hẳn như vậy.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn trên kênh M.U TV, Sir Alex Ferguson từng đưa ra một nhận xét gây sốc về bà Thatcher: “Đó là vị lãnh đạo tồi tệ nhất mà nước Anh từng có trong lịch sử”. Trong cuộc đời của mình, HLV M.U chưa từng che giấu sự khó chịu dành cho “Bà đầm thép”. “Đừng có mà so sánh tôi với bà ấy”, Sir Alex nói thêm.
Fergie không ưa bà Thatcher vì bà là một trong những người đã tác động khiến xưởng đóng tàu ở quê hương ông, Glasgow (Scotland) ngừng hoạt động và sau đó trở thành một bãi đất bỏ hoang. Quan trọng hơn, việc bà Thatcher nhiều lần công kích bóng đá cũng khiến Sir Alex cảm thấy "chẳng thoải mái chút nào".
Không chỉ Sir Alex, những HLV bóng đá nổi tiếng tại Anh khác như Bill Shankly, Bob Paisley, Don Revie, Brian Clough, Sir Matt Busby cũng chẳng hào hứng khi nhắc tới cựu thủ tướng Anh. Tất cả đều không bằng lòng với thái độ bà Thatcher dành cho bóng đá.
Bà Thatcher tại sân Hillsborough
Vậy vì sao bà Thatcher lại có cái nhìn không mấy thiện cảm dành cho bóng đá? Giới hooligan tại Anh không còn hoành hành quá nhiều trong những thập niên 60 của thế kỉ trước. Song tới khi “Bà đầm thép” lên nắm quyền, mọi thứ trở nên vô cùng tồi tệ. Nửa cuối thập niên 80 của thế kỉ trước là khoảng thời gian mà nạn hooligan lên đến đỉnh điểm ở nước Anh.
Những vụ việc nổi cộm liên tiếp xảy ra. Đầu tiên là vụ bạo loạn trong trận Luton và Millwall tại FA Cup vào 13/3/1985 khiến cả xứ sở Sương mù ngỡ ngàng vì sốc. Bà Thatcher không giấu được sự tức giận khi chứng kiến cảnh sát bị đám hooligan càn quấy, tấn công và đánh đập dã man.
Hai tháng sau, các hooligan tạo ra một đám cháy lớn ở Bradford khiến gần 60 người chết và bị thương. Đáng chú ý hơn cả trong cái tháng 5 định mệnh ấy là thảm họa Heysel nổi tiếng, khiến 39 fan của Juventus thiệt mạng.
Chỉ 2 ngày sau thảm họa Heysel, bà Thatcher thúc đẩy LĐBĐ (FA) xin rút khỏi các giải đấu của LĐBĐ châu Âu (UEFA). UEFA đồng tình với điều đó và quyết định không cho các CLB của xứ Sương mù dự các Cúp châu Âu cho đến năm 1990. Trong khoảng thời gian bị UEFA cấm vận, bóng đá Anh rơi vào cảnh khó khăn túng thiếu, bởi các hãng truyền hình không thèm mua bản quyền phát sóng các giải đấu của họ.
Trong khi đó, bà Thatcher từ chối thúc đẩy đầu tư cho việc xây dựng, cải tạo các sân bóng. Thay vào đó, “Bà đầm thép” lại sử dụng ngân sách để tăng cường cảnh sát trong các trận đấu và tất cả những hoạt động nhằm chống lại vấn nạn hooligan.
Để rồi đến tháng 4/1989, thảm họa Hillsborough xảy đến. 96 cổ động viên Liverpool ra đi mãi mãi. Vào thời điểm đó, trách nhiệm được đổ hết lên đầu các CĐV xấu số. Sự thật sau đó được phơi bày khi lỗi nằm hoàn toàn từ phía nhà chức trách lẫn tình trạng an toàn không được đảm bảo của sân Hiilsborough.
Chất lượng của sân Hillsborough đã giảm xuống quá nhiều theo thời gian. Vốn được xây dựng để phục vụ cho… World Cup 1966 nhưng kể từ sau khi giải đấu này kết thúc đến khi xảy ra thảm họa, chẳng có bất cứ kế hoạch gia cố nào được thực hiện.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa Hillsborough là sự bảo thủ và thái độ quyết liệt quá mức của bà Thatcher đối với bóng đá Anh. “Bà đầm thép” chưa bao giờ có một đánh giá đúng về bóng đá lẫn những điều tích cực mà môn thể thao Vua mang lại cho nước Anh. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn đánh giá rất cao những thành quả từ chính sách cứng rắn của bà trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế thời đó của nước Anh.
Bà được bầu chọn là 1 trong 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại.
(Theo VTC)