Đã từ lâu, các hãng công nghệ lớn luôn chọn bóng đá để quảng bá thương hiệu của mình.
Ngay từ ngày mới thành lập, các đội bóng ở Premier League đã trở thành điểm đến hấp dẫn để quảng bá thương hiệu cho các hãng điện tử lớn trên thế giới. Manchester United mặc chiếc áo có logo của hãng điện tử Nhật Bản Sharp suốt từ năm 1982 đến năm 2000, trước khi tiếp nhận nhà tài trợ áo đấu mới là Vodafone, tập đoàn truyền thông khổng lồ có trụ sở tại Anh.
MU mặc áo đấu có logo của Sharp trong mùa giải 1998-1999 huyền thoại.
Hợp đồng kéo dài 17 năm giữa Sharp và MU được coi là một trong những hợp đồng tài trợ dài nhất và có giá trị nhất với một đội bóng tại Premier League. Trong thời gian đó, đội bóng chủ sân Old Trafford đã giành được 7 chức vô địch quốc gia, 5 cúp FA, một cúp UEFA và 1 chức vô địch Champions League.
Được thành lập từ năm 1912 bởi Tokuji Hayakawa, thương hiệu Sharp từ lâu đã nổi tiếng toàn thế giới với những sản phẩm như màn hình LCD hay mới đây là cả điện thoại thông minh. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh gần đây của hãng này không được tốt và trong năm 2012, năm kỷ niệm 100 năm thành lập tập đoàn, Sharp đã báo mức lỗ kỷ lục 4,7 tỷ USD. Hệ quả là hãng này đã phải lên kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên đồng thời chấp nhận khoản đầu tư 100 triệu USD từ Samsung vào đầu năm 2013.
Giống như Sharp, Samsung đã tài trợ trên áo đấu của các đội bóng Anh từ cách đây khá lâu. Trong giai đoạn 1989-1991, thương hiệu đến từ Hàn Quốc này xuất hiện trên áo đấu của Wimbledon, và từ năm 2005 đến nay là hợp đồng tài trợ với Chelsea. Hiện tại, đội bóng thành London nhận được khoảng 18 triệu bảng mỗi năm từ Samsung nhờ hợp đồng tài trợ áo đấu này. Đáng chú ý là trong giai đoạn từ năm 1987 đến 1994, The Blues cũng nhận được tài trợ từ hãng điện tử Commodore của Mỹ.
Với Arsenal, kình địch cùng thành phố của Chelsea, các thương hiệu điện tử đã xuất hiện trên áo đấu của họ từ năm 1981. Năm 1996, hãng điện tử của Nhật Bản đã suýt chấm dứt hợp đồng với The Gunners, sau sự việc tiền đạo Paul Merson của đội bóng này bị phát hiện có sử dụng ma túy. Tuy nhiên, cuối cùng JVC cũng đồng ý gia hạn hợp đồng tài trợ thêm 3 năm nữa với số tiền vào khoảng hơn 2 triệu bảng/mùa.
Sau khi JVC “ra đi” vào năm 1999, Arsenal lại gắn bó với thương hiệu Dreamcast của hãng Sega trong vòng 2 mua giải. Đây là một thương hiệu trò chơi điện tử ra đời vào năm 1998 tại Nhật Bản với mục tiêu cạnh tranh cùng các ông lớn khác như Sony hay Nintendo.
Nằm trong chiến lược quảng bá sản phẩm ở châu Âu, Sega đã đưa Dreamcast lên áo đấu của một loạt đội bóng như Arsenal, Sampdoria ở Italia, Deportivo ở Tây Ban Nha và Saint-Etinenne ở Pháp. Tuy nhiên, chiến dịch marketing này sau đó đã bị đánh giá là thất bại thảm hại.
Từ năm 2002 đến 2006, nhà cung cấp điện thoại O2 chính thức xuất hiện trên áo đấu của Arsenal với giá trị có thể lên tới 6 triệu bảng/mùa tùy thành tích thi đấu của thầy trò Wenger. Dù không còn tài trợ áo đấu từ năm 2006, nhưng O2 vẫn tiếp tục các hoạt động tài trợ khác cho Arsenal đến tận năm 2012, trước khi chuyển hướng hoàn toàn sang bóng bầu dục.
Một trong những lý do được phía O2 đưa ra là có quá nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến các cầu thủ bóng đá trong thời gian gần đây, và điều đó ảnh hưởng tới thương hiệu O2 trong tâm trí khách hàng. Một đội bóng khác của thành London là Tottenham cũng có lịch sử khá thân thiết với hãng điện tử lừng danh của Mỹ Hewlett-Packard. Thương hiệu này xuất hiện trên áo đấu của Spurs từ năm 1995 đến 1999, và chính thức quay trở lại kể từ mùa giải năm nay.
Tuy nhiên, HP chỉ xuất hiện trên áo đấu của Tottenham trong các trận đấu ở Premier League, còn ở 3 giải đấu khác là FA Cup, League Cup và Europa League, thầy trò Villas-Boas sẽ mặc áo đấu được tài trợ bởi hãng bảo hiểm AIA. Vậy còn Apple, thương hiệu giá trị nhất thế giới tính đến năm 2012 với giá trị 185 tỷ USD, liệu đại gia làng công nghệ này đã bao giờ có ý định “lấn sân” sang bóng đá?
Dù chưa từng có thông tin chính thức về việc này, nhưng có tin đồn rằng Apple suýt chút nữa trở thành nhà tài trợ áo đấu của Chelsea trong quá khứ. Lúc đó logo của hãng này vẫn còn có màu sắc sặc sỡ dạng cầu vồng (The Rainbow logo) và nếu hợp đồng được ký kết, The Blues sẽ phải cho in toàn bộ trang phục thi đấu, các bảng hiệu và đồ lưu niệm khác. Đây là việc vô cùng tốn kém nên cuối cùng ban lãnh đạo Chelsea đã quyết định từ chối!!!
(Theo VTC)