Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Olympic Tokyo 2020 cũng đã phải lùi lịch lại 1 năm so với dự kiến ban đầu để đảm bảo an toàn. Điều này cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có bóng đó.
Theo đó, ĐT Olympic tham dự môn bóng đá nam ở những kì đại hội trước sẽ là ĐT U23 cùng 3 cầu thủ trên 23 tuổi. Như vậy, việc lùi lịch lại sang năm 2021 sẽ khiến các cầu thủ sinh trong năm 1997 sẽ không được tham dự Olympic.
U23 Hàn Quốc giành tấm vé tham dự Olympic với chức vô địch U23 châu Á 2020 |
Điều này thực sự là một thiệt thòi lớn cho bóng đá Hàn Quốc khi phần lớn đội hình của ĐT U23 Hàn Quốc giành chức vô địch U23 châu Á 2020 vừa qua là các cầu thủ sinh năm 1997, lứa tuổi làm nòng cốt cho Olympic 2020.
Trước vấn đề này, LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) đã đề xuất lên IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) phương án thay đổi thể lệ môn bóng đá nam tại Olympic kì tới. Theo đó, các cầu thủ sinh năm 1997 (đã bước sang tuổi 24 vào năm 2021) vẫn sẽ được tham dự.
Trong đơn đề xuất của KFA có đoạn viết: “Sẽ không công bằng với các cầu thủ sinh năm 1997 khi họ không thể tham dự Olympic. Chúng tôi đồng ý với quan điểm hoãn thời gian tổ chức của IOC và Nhật Bản do dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các cầu thủ sinh năm 1997 vẫn nên được tham gia Thế vận hội mùa hè.”
Bên cạnh đó, KFA cũng đề xuất nâng số cầu thủ đăng ký của mỗi đội lên thành 23 người, tức 20 người sinh từ năm 1997 trở về sau và 3 cầu thủ đã quá tuổi.
Hiện tại, IOC vẫn chưa đưa ra thông báo nào về vấn đề này. Tuy nhiên, chắc chắn Ủy ban này sẽ cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bên cạnh chủ nhà Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Australia là 4 đại diện của châu Á dự Olympic.
Quỳnh Anh